dd/mm/yyyy

“Cầm tay chỉ việc” giúp nông dân làm kinh tế

Năm 2018, các cấp Hội nông dân Việt Nam (NDVN) tiếp tục thực hiện tích cực và tập trung vào vai trò, nhiệm vụ hiến kế, tham mưu, kiến tạo chính sách, đề xuất giải pháp; đồng hành sát cánh và hỗ trợ kịp thời nhằm góp phần giải quyết những khó khăn lớn của nông dân...

Dấu ấn người đứng đầu

Một năm theo dõi hoạt động của T.Ư Hội NDVN, điều người viết ấn tượng nhất là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trong nhiều cuộc họp đã luôn nhấn mạnh và đề cao việc “Hội NDVN phải tập trung vào vai trò, nhiệm vụ hiến kế, tham mưu, kiến tạo chính sách, đề xuất giải pháp để góp phần giải quyết những khó khăn lớn của nông dân...”.

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm mô hình trồng đào cảnh tại phường Quang Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm mô hình trồng đào cảnh tại phường Quang Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Tháng 1.2018, ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Hội NDVN, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đi lại như con thoi, ông có mặt ở mọi nơi. Đấy là những nơi hội viên, nông dân có đời sống khó khăn nhất. Chủ tịch Thào Xuân Sùng luôn trăn trở với cái đói, cái nghèo và người làm công tác Hội phải trăn trở tới điều đó.

Còn nhớ khi đến thăm tòa nhà đang thi công của Trung tâm Dạy nghề vào hỗ trợ nông dân và nghe báo cáo từ lãnh đạo Hội ND tỉnh Cao Bằng về công việc xây dựng tòa nhà, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Các đồng chí phải để ý đến việc xây dựng nhà xưởng để dạy thực hành và trình diễn mô hình giới thiệu cho nông dân khi học nghề. Ví như mô hình trồng cây cà chua không hạt, các cán bộ dạy nghề phải giới thiệu cho bà con quy trình trồng và sinh trưởng của cây như thế nào và khi các học viên thích thú, họ sẽ ở đây quan sát đến khi biết trồng giỏi để về truyền đạt và dạy cho nông dân ở các xóm, bản của họ biết cách làm để làm giàu”.

Giúp nông dân vùng cao “bắt bệnh” cái nghèo

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, việc dạy nghề cho nông dân phải đi cùng với thực hành và thực tiễn địa phương. Các cán bộ dạy nghề phải dạy cho dân biết nghề, khi học xong phải làm và sống được với nghề đã học chứ đừng dạy nghề theo lý thuyết. Đơn cử như ở Cao Bằng có địa hình cao, rừng nhiều, cán bộ phải dạy cho dân biết trồng cây và nuôi con sao cho phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu như thuần hóa và nuôi gà rừng, trồng rau cải... thì dân mới sản xuất và phát triển được.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN thăm mô hình nông dân sản xuất kinh giỏi ở Hưng Yên.
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN thăm mô hình nông dân sản xuất kinh giỏi ở Hưng Yên.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN dẫn chứng thêm, gà rừng là giống gà rất khỏe và kháng được nhiều bệnh mà gà nhà nuôi khó sánh được nên rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con ở tỉnh vùng núi như Cao Bằng.

“Khó ai tin là có thể thuần hóa được loài này nhưng theo tôi nếu có phương pháp thì bà con sẽ không chỉ thuần dưỡng thành công mà còn làm giàu được nhờ loài này. Theo tôi cái khó nhất khi thuần hóa gà rừng là việc làm chuồng cho gà rừng đẻ. Nếu bà con nuôi gà rừng mà làm ổ cho nó đẻ thì không bao giờ gà đẻ trong ổ mà dân làm”- Chủ tịch T.Ư Hội NDVN hướng dẫn cách nuôi giống gà này.

Tôi còn nhớ những ngày rét buốt giáp Tết Mậu Tuất năm 2018, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã không quản ngại xa xôi, khó khăn, vượt đồi, leo núi vào tận bản, làng để tặng quà cho bà con nghèo tại tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc. Tranh thủ bất cứ thời gian trống nào, Chủ tịch đều hỏi han đời sống kinh tế của từng bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đến nói về chính sách dân tộc nhưng người nghe thấy gần gũi như một lời tâm tình. Những gần gũi, chia sẻ ấy có lẽ xuất phát từ ông sinh ra và lớn lên ở vùng cao Sơn La.

Đẩy mạnh tri thức hóa nông dân

Mỗi chuyến đi đều để lại trong Chủ tịch Thào Xuân Sùng rất nhiều cảm xúc và trăn trở. Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng bức tường cao nhất, khó khăn nhất của người ND hiện nay đó là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp. Hiện nay, ND Việt Nam vẫn chưa có được “3 biết”, đó là: Biết tính toán, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, biết tiêu thụ tiêu dùng hàng hóa do mình làm ra. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục chủ trì phối hợp với các đoàn thể phải đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân, trong đó Hội ND sẽ đóng vai trò nòng cốt.

Mô hình nuôi trùn quế ở Gia Lâm, Hà Nội.
Mô hình nuôi trùn quế ở Gia Lâm, Hà Nội.

Theo đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thào Xuân Sùng, các cấp Hội đã cùng ngồi lại để tìm ra các giải pháp đổi mới toàn diện về các nội dung, phương thức hoạt động của Hội. Trong đó, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là “tri thức hóa” cho người ND để làm sao cho người ND đáp ứng các tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Cùng với nguồn lực từ trong nước, Hội NDVN còn tranh thủ các nguồn lực từ nước ngoài để hỗ trợ nông dân trong bối cảnh nước nhà ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Trong năm 2018, hoạt động đối ngoại tiếp tục được Hội NDVN đẩy mạnh. Hội NDVN đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với 60 đối tác, đặc biệt có các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc... sang hợp tác hỗ trợ nông dân Việt Nam ứng dụng công nghệ sinh học, tưới tiết kiệm, công nghệ thông tin...trong sản xuất, kinh doanh… Cũng trong năm 2018, các cấp Hội ND đã tổ chức đón tiếp 94 đoàn vào với hơn 600 lượt khách quốc tế; tổ chức 82 đoàn với 437 lượt cán bộ, hội viên nông dân đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài…

Đáng chú ý, ngay sau chuyến công tác của Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác Hội NDVN, Hội NDVN đã phối hợp với với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức “Hội thảo tập huấn kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn” với hơn 350 đại biểu. Chủ tịch Thào Xuân Sùng khẳng định: Nhật Bản có vốn, có công nghệ, Việt Nam có đất đai, lao động, nên hợp tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa Việt Nam và Nhật Bản là rất có triển vọng và tất yếu.

Bài, ảnh: Thu Hà