dd/mm/yyyy

Cam Lộ, lá cờ đầu nông thôn mới ở “đất lửa” Quảng Trị

Đến nay, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và hướng đến mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2019, quyết tâm dành lá cờ đầu trong xây dựng NTM ở Quảng Trị.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Những ngày tháng 10, khi cái nắng gắt của mùa hạ bắt đầu nhạt dần, nhường chỗ cho cơn mưa rả rích báo hiệu mùa mưa đã đến, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lý Thị Lộc (SN 1961, thôn Mai Lộc 2, Cam Chính, Cam Lộ). Trong căn nhà trị giá gần 2 tỷ đồng của mình, bà Lộc cho hay, nhờ được chính quyền địa phương quan tâm, ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ tạo điều kiện cho vay vốn nên gia đình có điều kiện đầu tư trang trại nuôi lợn, trồng tiêu… cho thu nhập khá cao. Cụ thể, bà Lộc nuôi thường xuyên 80 con lợn nái, 1.200 con lợn thịt/lứa, trồng 500 gốc tiêu, mỗi tháng phân phối ra thị trường 100 tấn thức ăn chăn nuôi… Nhờ vậy, bình quân mỗi năm bà Lộc thu nhập khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Ở Cam Lộ có nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả, một trong số đó là mô hình nuôi gà của anh Phạm Hữu Phương, 33 tuổi, thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa.
Ở Cam Lộ có nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả, một trong số đó là mô hình nuôi gà của anh Phạm Hữu Phương, 33 tuổi, thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa.

Ở Cam Lộ, nhắc đến Thịnh lợn Thái không ai không biết. Đó là chàng trai 27 tuổi Đỗ Phúc Thịnh (thôn Tân Trúc, xã Cam Hiếu). Học xong THPT, Thịnh đã dành 2 năm theo học trung cấp sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị. Ra trường, Thịnh lấm lem dầu mỡ một thời gian ở các tiệm gara ô tô nhưng cuộc sống quá bấp bênh, thu nhập thấp nên quyết định bỏ nghề. Thấy nhiều nơi nuôi lợn Thái Lan hiệu quả, Thịnh quyết định thử nghiệm. Được sự giúp đỡ, tư vấn của chính quyền địa phương, ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lộ cho vay vốn khởi nghiệp cùng lòng quyết tâm của mình, Thịnh đã bước đầu thành công. Thu nhập từ việc bán lợn, gà của Thịnh mỗi năm hơn 60 triệu đồng.

Hai mô hình của một người lớn tuổi và một thanh niên mới khởi nghiệp nói trên chỉ là những nét vẽ nhỏ trong bức tranh tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Cam Lộ, đã tạo nên những thương hiệu hồ tiêu Cùa, gà Cùa, tinh bột nghệ, cao, tinh dầu dược liệu… Đặc biệt, sản phẩm cao dược liệu Định Sơn được vinh danh và đạt Top 10 thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng cấp Quốc gia 2017.

Quyết tâm giành lá cờ đầu

Nhắc đến vùng nông thôn, người ta thường nghĩ đến những con đường đất đỏ lấm bùn đất vào mùa mưa, bụi mù trời vào mùa nắng. Còn với Cam Lộ, điều đó đang lùi dần vào quá khứ. Bởi lẽ, người dân Cam Lộ đã ý thức và sẵn sàng hiến đất, góp công sức, tiền của để cùng nhau làm đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng, thực hiện các mô hình thắp sáng đường quê… làm bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thăm, học hỏi mô hình trồng lạc tưới tiết kiệm cho năng suất cao ở huyện Cam Lộ.
Lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thăm, học hỏi mô hình trồng lạc tưới tiết kiệm cho năng suất cao ở huyện Cam Lộ.

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay, sau hơn 7 năm xây dựng NTM địa phương này đã có 7/8 xã đạt chuẩn (chiếm 87,5%), thu nhập bình quân của huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đường làng, ngõ xóm “xanh, sạch, đẹp”, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp…

Có được kết quả tích cực đó, huyện luôn tuyên truyền và xác định chủ thể xây dựng NTM là nhân dân, lấy dân làm gốc, lấy thôn, xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào toàn dân xây dựng NTM; không trông chờ, ỉ lại mà phát huy nội lực, sức mạnh trong dân. Thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết định xây dựng NTM… tạo được sự đồng thuận, chung tay của người dân trong việc xây dựng NTM.

Để nâng cao chất lượng NTM, huyện khởi động xây dựng khu dân cư kiểu mẫu – xã NTM kiểu mẫu. Cam Lộ phấn đấu hết năm 2018 có 100% xã về đích NTM; cuối năm 2019 đạt chuẩn huyện NTM và đến năm 2020 có ít nhất một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để đạt mục tiêu đó, Cam Lộ xác định phải tập trung mọi nguồn lực, sức dân để thực hiện; chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tăng chất lượng cuộc sống người dân, cải tạo môi trường nông thôn…

Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh, xây dựng NTM cốt lõi ở sự đồng thuận của nhân dân, người dân là chủ thể thực hiện và hưởng thụ. Bên cạnh đó, huyện Cam Lộ cảm ơn sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ về nguồn lực lẫn tinh thần để huyện có kinh phí xây dựng các công trình NTM.

Ngọc Vũ