Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 03/12/2020 19:21 PM (GMT+7)
Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, chè Tân Cương, trái cây Bến Tre,... đặc sản từ khắp các địa phương, vùng miền đổ về Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 20 - AgroViet 2020.
Bình luận 0

Mang đến AgroViet 2020 hai sản phẩm đặc sản hoàn toàn mới: Sữa gạo lứt giàu protein Ojita và nước tế bào mía, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho thấy hướng đi đúng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của nông sản bằng việc đẩy mạnh chế biến sâu.

Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và đại diện các đơn vị cắt băng khai mạc AgroViet 2020.

Bà Đỗ Thị Quy - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và XNK Lam Sơn – một thành viên của Lasuco Group cho biết, sản phẩm sữa gạo lứt giàu protein Ojita bắt đầu sản xuất thương mại 10/10/2020, là sản phẩm kết hợp hoàn hảo giữa các dưỡng chất quý từ lớp cám gạo Japonica (giống lúa Nhật Bản), giàu protein kết hợp với vị ngọt thanh mát của đường phèn tinh khiết Lam Sơn.

Còn nước tế bào mía của Lam Sơn cho phép trích ly lớp vỏ cây mía tới cấp độ tế bào, giữ được trọn vẹn các loại vi khoáng, dưỡng chất quý tập trung ở vỏ cây mía như kẽm, selen, đặc biệt là chất octacsanol một chất chống o xy hóa, giúp cơ thể dễ dàng hấp thu và chuyển hóa kháng chất, tăng sức đề kháng.

Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tham quan các gian hàng tại Hội chợ.

Theo ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - đơn vị tổ chức AgroViet 2020, với chủ đề "Kết nối giá trị nông sản Việt", Agroviet 2020 được tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu nông nghiệp thời kỳ hội nhập quốc tế; tiếp cận và phát triển sản xuất nông nghiệp 4.0 tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm.

Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội - Ảnh 3.

Sản phẩm chế biến từ gạo lứt của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Đồng thời hội chợ còn tạo cơ hội kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp, địa phương để thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại; giúp các đơn vị sản xuất nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng nhằm phục vụ việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hội chợ còn mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh, trực tiếp kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp địa phương.

Với quy mô 200 gian hàng, hội chợ có sự góp mặt của nhiều đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông đặc sản vùng miền, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, quà tặng.

Cam Hà Giang, gạo Điện Biên, cà phê Đắk Lắk, đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội - Ảnh 4.

Trái cây của nhiều địa phương giới thiệu tại Hội chợ.

Các doanh nghiệp mang đến hội chợ nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực; thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm hữu cơ, nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, được chứng nhận OCOP của tỉnh điển hình như: Quýt Bắc Sơn, bún ngô Đình Lập, mỳ phở khô Vạn Linh; bánh đa nem làng Chều; nem nướng Hữu Lũng, khoai lang Lộc Bình; cam sành Hà Giang; cam Cao Phong Hòa Bình; gạo ST; gạo Séng cù Lào Cai; gạo Điện Biên; miến dong Na Rì; khoai deo Quảng Bình; sữa tươi Ba Vì, mật ong Bạc Hà; chè Tân Cương, chè Shan tuyết Mộc Châu; chè Tủa Chùa; cà phê Đắk Lắk, rượu Mẫu Sơn Lạng Sơn; chả mực Hạ Long; chả ram tôm đất Bình Định; chả cá Thát Lát Hậu Giang; giò chả Ước Lễ; hành tỏi Lý Sơn; nước mắm Phú Quốc, Cát Hải, Ba Làng; Tôm chua Huế; Hải sản Cửa Lò; Rau củ quả Mộc Châu; bơ Đắk Lắk; bưởi năm roi, da xanh Bến Tre,....

Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày, giới thiệu nhiều loại giống cây trồng, hoa cây cảnh, thủy canh, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống của các tỉnh trong cả nước.

Bên cạnh việc tổ chức gian hàng, nhiều sự kiện được tổ chức với các nội dung phong phú, đa dạng như: Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại Hà Nội năm 2020, Chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp tỉnh Hà Giang với các doanh nghiệp và nhà phân phối trong cả nước; Hội thảo kết nối các tổ chức sản xuất rừng và trang trại với thị trường;..

"Thông qua các hoạt động tại Hội chợ sẽ là điều kiện tốt nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tư vấn khoa học công nghệ; là cầu nối sản xuất và tiêu thụ góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường trong và ngoài nước" - ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem