Bắc Giang: Cãi cả họ, chặt thứ cây ra quả nhỏ trồng thứ cây ra quả to, ông nông dân Lục Ngạn lãi 2 tỷ

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 16/12/2020 06:30 AM (GMT+7)
Sở hữu trang trại trồng đủ các loại bưởi rộng đến 10ha, ít ai biết để có được thành quả ngày hôm nay, anh Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1973) ở thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã phải cãi cả họ khi phá vườn vải lâu đời để quyết tâm làm giàu từ cây bưởi.
Bình luận 0

Trước khi gây dựng được vườn bưởi cả nghìn gốc với những giống bưởi đào Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Hoàng, cam Canh, cam V2, khu đất hơn 10ha này vốn là một vườn vải thiều lâu năm, là tài sản cả dòng họ anh Hữu nâng niu, bảo vệ.

Nâng niu, bảo vệ bởi vườn vải đó đã đi cùng dòng họ qua bao thăng trầm, giúp cuộc sống của những thành viên trong dòng họ vơi bớt khó khăn. 

Nhưng cây vải lại không thể giúp anh em anh Hữu làm giàu, bởi giá vải thiều có lúc giảm sâu do cung nhiều hơn cầu và diện tích vải thiều ở Lục Ngạn có lúc tăng trưởng quá nóng.

Cãi cả họ, phá vải trồng bưởi - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sở hữu vườn bưởi rộng 10ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Cách đây 10 năm, phong trào trồng cây có múi (cam Canh, cam 2, bưởi) đã bắt đầu hình thành ở Lục Ngạn. "Lúc đó, nhìn vườn vải cho thu nhập không cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của anh em trong dòng họ, tôi nghĩ đã đến lúc phải chuyển hướng" - anh Hữu nói.

Nhưng khi anh Hữu bàn đến việc phá vườn vải để trồng bưởi, cam, quýt thì vấp phải sự phản đối kịch liệt của các cụ và anh em trong dòng họ, bởi vườn vải này thuộc đất của gia tộc, có những cây vải có tuổi đời mấy chục năm, thân cây rất to.

"Tôi hiểu vườn vải đã gắn bó với cuộc sống của nhiều thành viên trong dòng họ nhưng lúc đó trồng vải  rất vất vả, thu nhập bấp bênh do giá thấp nên tôi thuyết phục mọi người chuyển đổi cơ cấu cây trồng" - anh Hữu cho biết thêm. 

Cãi cả họ, phá vải trồng bưởi - Ảnh 2.

Cán bộ ngành nông nghiệp của huyện Lục Ngạn và anh Nguyễn Văn Hữu trao đổi về kinh nghiệm chăm sóc bưởi.

Thuyết phục trong một thời gian, cả họ cũng đồng ý cho anh Hữu đưa bưởi về trồng, tuy nhiên, một khó khăn mới lại nảy sinh, đó là anh Hữu không biết gì về kỹ thuật trồng bưởi, cách chăm sóc ra sao.

"Do lần đầu trồng cây có múi nên tôi đành tự mày mò học hỏi, đi khắp nơi tham khảo cách họ trồng, cứ nơi nào thành công thì tôi tìm đến. Nhờ những kiến thức tích lũy được, vườn bưởi của tôi nhanh chóng phát triển, bám rễ trên đất mới" - anh Hữu nói.

Cho đến giờ, anh Hữu vẫn không quên được cảm giác sung sướng khi được thu hoạch vụ bưởi đầu tiên, đó là thời điểm cách đây 6 năm. Ngay trong vụ đầu tiên vườn bưởi đã mang lại cho anh Hữu 1,2 tỷ đồng, gấp đôi thu nhập từ vải thiều.

"Khi vườn bưởi được thu hoạch tôi mới trút được gánh nặng với cả họ khi đã cả gan phá cả vườn vải đi" - anh Hữu cười nói.

Thấm thoắt đã 10 năm gắn bó với cây bưởi trên đất Lục Ngạn, hiện mỗi năm vườn bưởi cho thu hoạch 150 - 200 tấn quả, giúp gia đình anh Hữu thu lãi trên dưới 2 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ bưởi của gia đình anh chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.

Cãi cả họ, phá vải trồng bưởi - Ảnh 3.

Một cây bưởi sai trĩu quả trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang.

Anh Hữu cho biết thêm, mùa thu hoạch bưởi tương đối dài, từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau nên anh Hữu không quá gặp áp lực khi thu hoạch rộ.

 Hiện, nhiều diện tích cây có múi ở Lục Ngạn có hiện tượng bị bệnh vàng lá gân xanh (greening) tuy nhiên anh Hữu cho biết, vườn bưởi của anh vẫn an toàn.

"Bệnh này phát sinh chủ yếu do lạm dụng phân vô cơ quá nhiều, còn trang trại của tôi canh tác theo quy trình VietGAP, sử dụng chủ yếu phân hữu cơ nên không bị bệnh tấn công" - anh Hữu khoe. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem