Các nước đổ xô đến Việt Nam mua lương thực, lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu 8,2 triệu tấn gạo

K.Nguyên Thứ ba, ngày 09/01/2024 18:31 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,7 tỷ USD, tăng 14,7% về khối lượng, tăng 35,7% về giá trị so với năm 2022, một kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay.
Bình luận 0

Do sức mua lớn từ các thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những ngày đầu năm 2024 vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tại phiên giao dịch ngày 9/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, tương đương giá tạo của Thái Lan. 

Việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước và nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường.

Chỉ tính riêng trong tháng 11 năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 2,87 triệu tấn, kim ngạch 1,57 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 36,3% về kim ngạch.

Indonesia vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sau 11 tháng với khối lượng đạt hơn 1,12 triệu tấn, kim ngạch 614,7 triệu USD, tăng đột biến 16,3 lần và tăng hơn 18 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, do Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Các nước đổ xô đến Việt Nam mua lương thực, lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu 8,2 triệu tấn gạo- Ảnh 1.

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,7 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu cũng cao nhất thế giới. Ảnh: H.Xây.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, mặc dù giảm nhập khẩu trong thời gian gần đây nhưng tính chung 11tháng năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 10,9% về khối lượng và tăng 26,7% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 895.625 tấn, trị giá 517,6 triệu USD. 

Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Ghana tăng 33,2%, Singapore tăng 32%; Mozambique tăng 57,9%, UAE tăng 21,4%, Đài Loan tăng 99,1%... 

Ngoài các thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo sang các thị trường cao cấp như Mỹ và EU cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, Mỹ tăng 43,7%, Ba Lan tăng 107,6%, Bỉ tăng 105,7%, Tây Ban Nha tăng 140,3%.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, sau khi áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu để ổn định thị trường trong nước,lượng gạo bán ra của Ấn Độ đã giảm rất mạnh. Số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, nước này đã xuất khẩu 737.043 tấn gạo trong tháng 10, giảm đến 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái,đạt 15,9 triệu tấn. Tuy nhiên giá trị thu về tăng nhẹ 0,5% lên mức 9 tỷ USD nhờ giá gạo tăng cao.

Lần đầu tiên trong 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, làm tăng khả năng chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi sẽ gia hạn các hạn chế xuất khẩu để kiềm chế giá lương thực trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 4-5/2024. 

Theo nhiều dự báo khác nhau, sản lượng gạo Ấn Độ có thể giảm tới 8% so với mức kỷ lục năm ngoái mặc dù diện tích trồng lúa tăng. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn đang cung cấp gạo cho các đối tác chiến lược ở châu Á và các nước châu Phi ở cấp Chính phủ với Chính phủ.

Thái Lan dự kiến sẽ kết thúc năm 2023 với khối lượng xuất khẩu gạo đạt 8,6-8,7triệu tấn, đánh dấu mức tăng 12 – 13% so với con số 7,69 triệu tấn ghi nhận vào nămngoái. Giá trị xuất khẩu ước tính là 140-150 tỷ Baht, tăng so với mức 138 tỷ Baht của năm 2022.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết, Thái Lan xuất khẩu khoảng 900.000 tấn gạo trong tháng 11 và 800.000-900.000 tấn trong tháng 12.

Nhu cầu cho gạo Thái Lan ngày càng tăng đến từ nhiều khách hàng mới như Brazil hay Philippines. Hiện các nhà nhập khẩu lớn đang tiếp tục mua gạo Thái Lan để bù đắp sự sụt giảm sản lượng trong nước và dự trữ cho cuối năm 2023 cũng như đầu năm 2024. 

Theo ông Chookiat, thị trường gạo toàn cầu nói chung vẫn thắt chặt do các hạn chế xuất khẩu gạo do Ấn Độ áp đặt và giá gạo toàn cầu cao hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo sẽ giảm xuống còn 7,5 triệu tấn trong năm 2024 do Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới có thể nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vào nửa cuối năm sau. 





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem