Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ

Vũ Thị Hải Thứ ba, ngày 01/06/2021 14:35 PM (GMT+7)
Trước việc TP.Hải Phòng yêu cầu phá bỏ các công trình du lịch sinh thái trên vịnh Lan Hạ để trồng cây, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Bình luận 0

Nếu không vì mục đích an ninh, quốc phòng thì không nên phá bỏ công trình du lịch sinh thái đẹp như vậy

Bài phân tích dưới đây là của Giáo sư- Tiến sỹ Khoa học Trần Đình Lý - Chủ tịch Hội thực vật học Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam.

Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà được thành lập từ năm 1987 với diện tích 15.200 ha, trong đó diện tích núi rừng là 9.800 ha, 5.400 ha là mặt nước  nằm trên đảo Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng.

Đây là hệ địa sinh thái tự nhiên trên đảo và biển. Cát Bà là quần đảo nằm ở vòng cung núi đá vôi Bắc Bộ, có tính đa dạng cao về nhiều mặt.

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 1.

Công trình du lịch sinh thái trên đảo Cát Dứa 2 phủ kín cây xanh, hầu hết là cây bản địa được bảo tồn và phát triển.

Do giá trị cảnh quan và môi trường sinh thái đặc biệt của hệ địa sinh thái này, ngày 2/12/2004, đảo Cát Bà, TP.Hải Phòng, Việt Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Diện tích lúc bấy giờ là 26.241ha, dân số là 10.673 người.

Khu sinh quyển Cát Bà là hệ địa sinh thái rất đa dạng, gồm nhiều hệ sinh thái khác nhau: Có các đồi đất và núi đá vôi, có các loại đất khô, đất ngập nước, đất bán ngập nước, đất lầy, các bãi cát trắng có thể làm bãi tắm; Có nước mặn, nước ngọt và nước lợ, đặc biệt có hồ nước ngọt trên núi đá vôi thường gọi là "ao ếch"; Hệ thực vật ở đây tương đối đa dạng, có khoảng 800 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc khu hệ thực vật ven biên và Nam Trung Hoa. 

Đại diện các loài đáng chú ý là Kim giao (Podocarpus fleuryi), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Chò đãi (Annamocarya sinensis), Phong ba (Argusia argentea), Dứa dại gỗ (Pandanus tectorius), Bàng biển (Terminalia catappa) v.v…

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 2.

Tiến sỹ Khoa học Trần Đình Lý- Chủ tịch Hội thực vật học Việt Nam (giữa) đi khảo sát sự ảnh hưởng của các công trình du lịch sinh thái đến môi trường sinh học trên vinh Lan Hạ tháng 1/2021.

Rừng ngập mặn ở đây có khoảng 23 loài, đặc biệt là các loài đước thuộc họ đước (Rhizophoraceae). Ở đây còn có 53 loài rong biển, các loài có giá trị kinh tế cao là rong câu, rong mơ.

Động vật ở đây có ít nhất là 20 loài thú, 69 loài chim, 15 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 105 loài cá biển, cá heo. Đáng chú ý là sự tồn tại của quần thể Vọoc- gọi là voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus). Ở đây tồn tại nhiều loài vi sinh vật trong các sinh cảnh khác nhau.

Theo quy định quốc tế, khu dự trữ sinh quyển thế giới được cấu trúc thành 3 khu chức năng gồm: Vùng lõi là khu vực ưu tiên cho bảo tồn đa dạng sinh học và giám sát các hệ sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, không tác động ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; Vùng đệm thường bao quanh các vùng lõi nhằm hạn chế tác động của con người lên bảo tồn ở vùng lõi. 

Các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, tạo sinh kế cho người dân; Vùng chuyển tiếp được phép xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, các hoạt động kinh tế phù hợp.

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 3.

Cây dứa dại thân gỗ (Pandanus tectorius) là loại cây bản địa phổ biến ở đảo Cát Dứa 2, được chăm sóc, bảo vệ.

Được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là sự lãnh đạo của UBND thành phố Hải Phòng qua các thời kỳ, VQG Cát  Bà trước đây và Khu sinh quyển thế giới Cát Bà hiện nay đã được bảo vệ tốt và đang xây dựng, phát triển theo hướng kinh tế - sinh thái, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của Hải Phòng.

Sau khi khảo sát sơ bộ 6 địa điểm thuộc vùng đệm ở Vịnh Lan Hạ (đảo Cát Dứa 2, đảo Nam Cát, đảo Tháp Nghiêng, đảo Vạn Bội…), tôi có nhận xét như sau:

Cách đây hàng chục năm, một số người đã dám đầu tư tiền của, sức lực, trí tuệ vào những nơi hoang sơ, không có bóng người sinh sống để xây dựng các địa  điểm di lịch sinh thái trên các bãi hoang ở chân núi đá đầy rác rưởi ở vùng biển vịnh Lan Hạ. Đó là điều rất đáng hoan nghênh, đáng ghi nhận và trân trọng.

Trên cơ sở có nhận thức đúng về nội hàm của du lịch sinh thái mà các công trình đã xây dựng trên các đảo cho đến nay chưa phá vỡ cảnh quan sinh thái của vùng, nó còn làm cho hệ sinh thái ở đây thêm sinh động, đa dạng và phong phú hơn.

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 4.

Công trình du lịch sinh thái đảo Tháp Nghiêng do kiến trúc sư nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa thiết kế đã đoạt giải Vàng trong cuộc thi kiến trúc thân thiện với môi trường châu Á tổ chức tại Dhaka, Bangladesh năm 2019 phủ kín cây xanh.

Các công trình trên đã tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận người lao động, giúp họ cải thiện và nâng cao đời sống. Các công trình cũng góp phần phát triển kinh tế sinh thái của địa phương.

Một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh: Tăng cường trồng các cây thân gỗ vào các khe, hốc đá và các chỗ trống để tăng cường độ đa dạng thực vật; Kiểm tra các dòng chảy khi có mưa xuống khu du lịch để tránh tai nạn khi mưa lớn; Bảo vệ, chăm sóc tốt các loại cây đã có; Hạn chế tối đa các công trình bê tông cốt thép trong khu du lịch sinh thái; Có biện pháp thu hồi, tiêu hủy rác thải do du lịch tạo ra, do con người mang đến; Có giải pháp hợp lý về nước và xử lý nước sinh hoạt; Tính toán hợp lý về lượng khách du lịch, không để quá tải, quá sức chịu đựng của hệ sinh thái.

Trong khi đi khảo sát, một số chủ doanh nghiệp cho biết, có ý kiến cho rằng, cần dẹp bỏ các khu du lịch sinh thái này để trồng rừng. Theo quan điểm của tôi là, nếu các công trình du lịch sinh thái này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của đất nước thì dứt khoát phải phá bỏ.

Nếu phá bỏ không vì mục đích an ninh, quốc phòng thì phải cân nhắc kỹ, phải làm phép tính về lợi ích kinh tế và môi trường. 

Vì diện tích các bãi ở chân núi đá vôi ở đây rất hẹp, trồng rừng không được bao nhiêu, số lượng các loài cây có thể trồng được ở đây cũng rất hạn chế; giá trị môi trường của việc trồng rừng ở đây rất thấp, trong khi giá trị kinh tế của du lịch sinh thái mang lại gấp nhiều lần so với trồng rừng.

Phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây ở vịnh Lan Hạ là phi kinh tế, phi khoa học

Đánh giá các hoạt động du lịch sinh thái ở các đảo Cát Dứa 2, Nam Cát, Tháp Nghiêng và Vạn Bội của Tiến sỹ sinh học Lã Trọng Long - nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh học HP, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.Hải Phòng:

Chung quy vùng triều ở quần đảo Cát Bà về mặt sinh thái học chỉ gồm 3 loại hình:

1. Vùng bờ đá chân các đảo tiếp giáp ngay với biển, hẹp gồm cuội sỏi, các tảng đá lớn nhỏ từ núi cao lăn xuống, rất khó có hoạt động gì đáng kể, hiện bỏ hoang.

2. Những bãi cát nhỏ khá bằng phẳng trung bình khoảng một đến hai nghìn mét vuông vốn hình thành từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay vẫn bị tác động của sóng gió, bão tố, chất đáy nghèo nàn, với tác động các dòng hải lưu nếu phát sinh bùn đất đều bị cuốn sạch.

3. Vùng bờ được đảo che chắn, gần cửa sông, sóng yên biển lặng, khá giàu bùn, đất các trầm tích mịn. Nơi đây hình thành cả nghìn năm nay hệ sinh thái rừng ngập mặn (mangrove) với vài chục loài thực vật chịu mặn (halophyte) trong các họ đước (Rhizophoraceae), họ tử vi (Lythraceae), họ Ôrô (Acanthaceae)…

Như vậy, có giá trị kinh tế, khoa học đáng kể là loại bờ biển thuộc loại hình số 2 gồm cả các đảo trong vịnh Lan Hạ nằm phía đông quần đảo Cát Bà.

Loại hình số 3 chính là rừng ngập mặn ở Phù Long, Cái Viềng năm ở phía Tây Nam quần đảo Cát Bà, giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong khu dự trữ sinh quyển.

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 5.

Công trình du lịch sinh thái trên đảo Nam Cát phủ kín cây xanh.

Nhiều nghìn năm nay, sinh vật (thực vật, động vật) đã coi như định hình ổn định, làm thành các hệ sinh thái của quần đảo, phân bố ở các khu vực khác nhau trên đảo. Ai đó muốn đem các giống cây ở bờ Tây Nam quần đảo lên trồng ở các bãi cát ở bờ Đông trong vịnh Lan Hạ là trái qui luật tự nhiên, càng không thể mang cây trồng ngoại lai, ngoài khu vực đến trồng ở bờ phía Đông quần đảo, vì làm thế còn là trái luật (Điều 5, Chương 2 Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN: Các hoạt động không được phép tổ chức (4): Mang theo động, thực vật ngoại lai xâm hại tới Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên). Hơn nữa, chẳng ai làm như thế vì rất phi kinh tế, phi khoa học.

Với nguồn gốc hình thành, thực trạng địa hình, địa mạo, địa chất, vịnh Lan Hạ về mặt diện tích hơn 7000 ha là nhỏ so với vịnh Bái Tử Long, rất nhỏ so với vịnh Hạ Long, lại nông (độ sâu trung bình 6-9m), khi nước triều xuống, từ đảo Vạn Bội tưởng có thể lội bộ ra giữa vịnh. Vì thế, vịnh Lan Hạ sóng lăn tăn, mặt vịnh êm đềm như mặt hồ, chẳng trách dân chơi Kayak mê đến Lan Hạ là vì vậy.

Sau khi Tổ chức xếp hạng vịnh đẹp thế giới công nhận Lan Hạ thuộc hàng vịnh đẹp nhất thế giới ngang hàng với Hạ Long (năm 2020) nhưng lại yên tĩnh hơn, thơ mộng hơn, xanh mướt hơn, thì ai cũng khẳng định các bãi cát ở Lan Hạ chỉ để phát triển du lịch sinh thái như phương hướng mấy nhiệm kỳ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ rõ, chẳng cần trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả bằng.

Thời đại 4.0, vào internet có thể truy tìm kho ảnh xem ở các vườn quốc gia, ở các vịnh biển trên thế giới người ta xây dựng restaurant, nhà nghỉ kiểu gì. Qua xem hàng vạn bức ảnh cho thấy rõ, chẳng ai lại tự hủy diệt cảnh quan hữu tình như ở vịnh Lan Hạ, bằng cách dựng lên một khách sạn 5-6 sao, xây cao nhiều tầng ở đảo Cát Dứa nhỏ bé, xinh xinh.

Trip Advisor là một công ty du lịch ở Hoa Kỳ chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch. Nó cũng tổ chức các diễn đàn du lịch, tương tác, có trụ sở tại Massachusetts là chủ trang Web du lịch thế giới với hơn 60 triệu thành viên và hơn 170 triệu đánh giá và ý kiến về khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan và các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Nếu trang web này đưa tin sai là bị dư luận lên án, gây thiệt hại về hoạt động kinh doanh của nó ngay.

Trên trang tin của Trip Advisor có nhiều restaurant tại thị trấn Cát Bà và các đảo trong đó có restaurant ở Cát Dứa 2 (Monkey Island Restaurant) được Trip Advisor khen ngợi.

Các nhà nghỉ dưỡng Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng đều là những điểm du lịch đã có nhiều du khách tỏ ý hài lòng.

Tôi và GS.TSKH Trần Đình Lý, Chủ tịch Hội thực vật Việt Nam hết sức ngạc nhiên về sự trân trọng và bảo tồn các cây bản địa hiếm thấy trên đất vùng triều của ông chủ nhà nghỉ dưỡng trên đảo Cát Dứa 2, đảo Tháp Nghiêng. 

Ở nhà nghỉ của ông Trịnh Phúc Mãn trên đảo Cát Dứa 2, chúng tôi thấy có cây huyết giác (Dracaena Loureiri) phần thân ở gốc đường kính to hàng mét, một phần đã bị mục nhưng cây vẫn xanh tốt bình thường, chiều cao hơn 3 mét, cây này có thể đã hàng trăm năm tuổi.  Ông Trịnh Phúc Mãn nói với chúng tôi, có người trả giá rất nhiều tiền nhưng ông không bán.

Các nhà khoa học lên tiếng việc phá công trình du lịch sinh thái để trồng cây trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 6.

Tiến sỹ sinh học Lã Trọng Long (trái) và Tiến sỹ khoa học Trần Đình Lý (giữa) trao đổi về tính năng chữa rắn cắn của cây huyết giác (Dracaena Loureiri) đã có tuổi đời hàng trăm năm được ông Trịnh Phúc mãn (phải) gìn giữ, chăm sóc.

Ngoài các cây bần chua (Sonneratia caseolaris)- một món ăn khoái khẩu của đàn khỉ rừng luôn quanh quẩn trong nhà nghỉ dưỡng đảo Cát Dứa 2- Monkey Island Restaurant của ông Trịnh Phúc Mãn, chúng tôi còn thấy những cây bàng vuông (Barringtonia asiatica) cũng phát triển xanh tốt ở đây. Còn rất nhiều cây dứa dại gỗ (Pandanus tectorius) mọc từ vách núi sau nhà xuống đến bãi cát, thân cao lêu nghêu trên đảo Cát Dứa 2 do trên đảo loài cây này chiếm ưu thế.

Người làm du lịch ở đây phải có ý thức bảo tồn thâm sâu mới giữ được số lượng cây bản địa vùng triều suốt thời gian hơn 20 năm như thế. Nếu dựng lên khách sạn 5-6 sao, chắc chắn đám cây vùng triều bản địa này đã bị chặt sạch.

Chỉ có thâm nhập sâu cuộc sống ở Cát Bà, ở Lan Hạ vài chục năm nay, các ông Nguyễn An Bình, Nguyễn Hoàng Việt, Trịnh Phúc Mãn mới có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, con người nơi đây đến thế.

Quả thật, các nhà nghỉ dưỡng trên đảo Cát Dứa 2, Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng… là công trình cả đời người của các ông, có thể đem so sánh với các nhà nghỉ dưỡng khác trong khu vực ASEAN. Du lịch Hải Phòng đang cần những người tài năng như các ông ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem