Các dòng sông lớn ở Tây Nguyên bị phá nát

Thứ hai, ngày 12/09/2011 19:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông lớn ở Tây Nguyên đang khiến hàng trăm ha đất sản xuất của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước.
Bình luận 0

Loạn cơ sở khai thác cát chui

Chỉ một đoạn sông Đăk Bla chảy qua phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum (Kon Tum) đã có hàng chục cơ sở khai thác cát, hầu hết đều không có giấy phép. Gần đây, tỉnh Kon Tum đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các cơ sở khai thác cát lậu.

Kết quả cho thấy, tỉnh Kon Tum hiện có gần 40 cơ sở khai thác cát thì chỉ có 2 cơ sở có phép ở Kon Plông và Kon Rẫy, còn lại đều khai thác chui. Hậu quả nhãn tiền là dọc bờ sông Đăk Bla, nhiều nơi bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

img
Tàu khai thác cát dọc sông Krông Ana gây sạt lở đất.

Nạn khai thác cát trái phép dọc sông Ba, Sê San (Gia Lai) cũng xảy ra rầm rộ từ nhiều năm nay. Các hộ dân sinh sống dọc sông Ba tại thị xã An Khê cho biết: Họ khai thác cát ồ ạt với quy mô như một công trường nhưng chỉ diễn ra từ 10 - 15 ngày rồi chuyển địa điểm để tránh ngành chức năng. Bình quân mỗi ngày có đến hàng chục xe tải vận chuyển cát gầm rú. Hậu quả là mỗi khi mùa mưa đến, hàng chục ha đất canh tác của người dân ven sông bị sạt lở.

Hai bên bờ sông Krông Ana (đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Bông, Đăk Lăk), các cơ sở khai thác cát trái phép cũng mọc lên như nấm. Bình quân mỗi ngày có 15-20 tàu hoạt động hết công suất. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty VLXDTN cho hay: Hiện có khoảng 30- 40 hộ dân tự ý góp vốn và 5- 10 hộ sắm chung một tàu cát, máy móc để khai thác cát trên dòng sông thuộc đơn vị này quản lý, khai thác. 13 chiếc tàu hút cát với công suất hàng chục tấn của các hộ dân trên mỗi ngày hút khoảng 500- 600m3 cát.

Cuộc sống đảo lộn

Anh Hồ Văn Khôi ở thôn 2, xã Cư Kty, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) cho biết: Trước đây, gia đình anh có hơn 1ha đất ở triền sông, nhưng khi nạn khai thác cát diễn ra ồ ạt, chỉ qua 2 đợt mưa lũ năm 2009 - 2010, gần như toàn bộ diện tích đất của anh đã bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Thanh Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: Diện tích đất sản xuất bị mất do khai thác cát trên địa bàn huyện đã lên tới 80- 120ha. Không chỉ vậy, nhiều hộ dân sống gần sông phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn do hậu quả của việc khai thác cát.

Cách đây hơn 3 năm, dòng sông Krông Ana (đoạn chảy qua huyện Krông Bông, Đăk Lăk) rộng khoảng 30- 40m, đến nay có đoạn rộng hơn 100m...

Anh Đinh Doãn Nam ở thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho hay: Giếng nước nhà anh vài năm nay đục ngầu, nổi váng màu vàng và bốc mùi hôi tanh. Mặc dù đã xử lý qua bể lọc nhưng các con anh vẫn bị đau mắt đỏ, da nổi mẩn ngứa. Nhiều gia đình hàng xóm cũng chung hoàn cảnh, phải mua nước máy về sử dụng…

Ông Nguyễn Văn Thiêm - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT) tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sở cùng cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra các điểm nóng về việc khai thác cát lậu, đồng thời vận động họ gia nhập vào doanh nghiệp, nhưng họ không nghe. Mặc dù cơ quan tài nguyên môi trường các tỉnh đều thừa nhận: Vấn nạn khai thác cát trái phép đang làm đau đầu các nhà quản lý. Song việc thực hiện quản lý các bãi cát lại không thể thực hiện bởi hàng trăm lý do. Mấu chốt của vấn đề là: Họ có tuyên chiến quyết liệt với "cát tặc" hay không mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem