Cá tra Việt: Giá giảm nhưng vẫn còn cơ hội "vực dậy"

08/04/2020 17:20 GMT+7
Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, giá cá tra giảm mạnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên những triển vọng xuất khẩu sản phẩm cá tra giá cao vẫn rất "sáng cửa" khi những cơ hội vẫn còn phía trước.

Giá giảm, thách thức tăng!

Tại Đồng Tháp, cá tra nặng từ 700-800 g/con chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã từ 21.000 - 22.000 đồng/kg nên hầu hết người nuôi lỗ, chỉ khoảng 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn là có lợi nhuận khá nhờ gia công cho doanh nghiệp hoặc có liên kết với doanh nghiệp.

Cá tra Việt: Giá giảm nhưng vẫn còn cơ hội "vực dậy" - Ảnh 1.

Giá cá tra giảm liên tục khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ

Nguyên nhân do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam sụt giảm bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, khiến giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm sâu, người nuôi chịu thua lỗ. Hiện nay, cá tra nguyên liệu quá ngày thu hoạch tồn đọng nhiều, rất khó bán; cộng với hạn mặn ở ĐBSCL vào giai đoạn đỉnh điểm khiến nhiều ao cá tra bị bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, mỗi năm toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.226ha cá tra, sản lượng 430.000 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nuôi gần 930ha cá tra, thế nhưng giá cá quá thấp gây bất lợi cho bà con.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỷ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.

Theo báo Chính phủ, sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kì và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.

Lợi thế thị trường

Theo VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ 2 thế giới. Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra file thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra file Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.

Cá tra Việt: Giá giảm nhưng vẫn còn cơ hội "vực dậy" - Ảnh 3.

Cá tra Việt vẫn còn cơ hội với những lợi thế rõ ràng trên thị trường

Ngoài ra với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới. Trước mắt, việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc chưa làm việc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng đặc biệt là tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.

Còn đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lí và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là một bước tiến quan trọng giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.

Mai Trang
Cùng chuyên mục