Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 1.

Năm ngoái, dù dịch Covid-19 mới đi qua nhưng có vẻ như là năm Anh Thơ xuất hiện mạnh mẽ trên mọi "mặt trận" của âm nhạc. Năm nay, chị dường như trầm lắng và nhiều biến động hơn?

- Năm nay là một năm rất trầm lắng, mọi thứ gần như chững lại. Tôi không e ngại chuyện tuổi tác bởi đây là thời điểm tôi chín muồi nhất về nghề, về nhân sinh quan. Tuy nhiên, kinh tế năm nay khó khăn khiến cho các hoạt động âm nhạc cũng yếu ớt. Cách đây 4 - 5 năm, một ngày có thể tôi đi diễn 5 – 6 show, nhưng năm nay, có tháng chỉ vài show. Nghĩ lại cảnh ngày xưa chạy 5 – 6 show, hết tỉnh này đến tỉnh khác mà thèm. Ngày xưa tôi bay Bắc, bay Nam như chim. Có thể 3 – 4h đi Hà Giang diễn xong lại chạy về Phú Thọ, rồi qua Bắc Giang, tối diễn ở Hải Phòng. Trong một ngày mà đi diễn tới 4 - 5 tỉnh ở cách xa nhau hàng trăm cây số mà không biết mệt.

Đã bao giờ chị đặt câu hỏi mình lấy đâu ra năng lượng để vừa chạy show, vừa chăm chút cho gia đình?

- Kể cũng lạ thật, đôi khi tôi thấy mình giống "tá điền" hơn là ca sĩ. Thật sự rất cảm ơn trời đất đã luôn ban cho tôi một sức khỏe hơn người. Có những người, tôi chỉ rủ họ đi cùng mình cho vui, không phải hát hò gì cả mà về đến nhà ốm cả một tuần trời; còn mình đi hát liên tục mà khỏe phăm phăm. Có những hôm, vừa xuống xe cái là lao lên sân khấu hát liền 2 -3 bài xong lại chạy qua chỗ khác hát lượng bài tương tự mà vẫn rất hăng say, không hề biết mệt. Kiểu như đó là công việc của mình, làm nhiều đâm quen, nên không thấy mệt.

Phải chăng vì thời thơ bé của chị cũng lăn lộn với ruộng đồng, quăng quật với công cuộc mưu sinh nên bây giờ mọi thứ đối với chị vẫn không xi nhê gì? Công việc lao động chân tay đã rèn luyện cho chị một thể lực bền bỉ?

- Cái đó là chắc chắn rồi, trộm vía (cười). Tôi may mắn sinh ra đã khỏe mạnh, ít khi ốm đau, lại bị quăng quật từ sớm nên cũng có một sức khỏe bền bỉ. Nhà tôi gần chợ, gần sông, gần núi, gần biển… nên mọi việc tôi gánh vác như đàn ông luôn. Ngày xưa, nhà bán hàng khô nên ngày nào cũng một buổi đi học, một buổi đạp xe đi 30 cây số lấy hàng về cho mẹ bán. Nào thì gạo, đậu, lạc, vừng… cứ đạp xe phăm phăm như con trai giữa đường cái vậy. Người bé cỏn con như con nhái nhưng lúc nào cũng chở 70, 80kg hàng. Có những hôm chở hàng về lúc trời mưa, kẹt vào giữa hai chiếc xe tải chở hàng rất nguy hiểm mà vẫn nghêu ngao hát, cực kỳ yêu đời, cảm giác không biết mệt là gì. Ngoài việc chợ búa, tôi cuốc đất làm ruộng, làm vườn rồi chăn nuôi.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 2.

Cho nên khi bước chân vào con đường nghệ thuật, tôi thấy mọi sự cực khổ chẳng là gì cả. Chỉ hơi vất vả khi mình chưa hiểu ra vấn đề, cô giáo bảo như thế này mà mình lại hiểu ra kiểu khác. Làm nghệ thuật hơi trừu tượng, cảm xúc không thể sờ được phải nắm bắt được nên đôi khi thấy hơi vất vả. Có lần tôi bảo với cô giáo: "Thôi cô cho con về quê làm ruộng, con không học cổ điển nữa đâu". Nhưng khi mình nắm bắt, hiểu ra vấn đề thì thấy đây là một nấc thang khác của cuộc đời nên càng cố. Nhờ sự nỗ lực và cố gắng đó mà cuối cùng tôi cũng được đền đáp xứng đáng.

Từ một cô bé thuần nông gốc Quảng Xương xứ Thanh trở thành một Tiến sĩ, giảng viên, ca sĩ Anh Thơ tên tuổi quả là một hành trình dài. Hành trình đó chắc chắn không chỉ đánh đổi bởi máu, nước mắt mà cả những mất mát. Chị lý giải sao về những mối lương duyên giúp chị trụ lại được với nghề hát?

- Đã gọi là hành trình thì không thể kể trong đôi ba lời là xong. Nhưng điều đầu tiên tôi phải khẳng định là đến thời điểm này, cuộc đời và nghề hát đã cho tôi quá nhiều thứ, tôi không dám đòi hỏi gì thêm. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà ở vùng sâu vùng xa nên nghệ thuật đối với tôi lúc đó là một cái gì đó xa vời lắm. Không chỉ tôi mà gia đình, họ hàng, thầy cô… hoàn toàn không nghĩ sau này tôi sẽ thành một ca sĩ.

Bố tôi là người rất đẹp trai, phong độ, có năng khiếu về thể thao, văn thơ, ca hát… Có lẽ tôi được kế thừa cái gen trội đó từ ông. Hồi xưa, nhà tôi nghèo nên không có tivi, không có đài cassett… Bởi vậy tôi không thuộc bài hát nào trọn vẹn như chúng bạn. Dẫu vậy, cứ hễ nghe tiếng loa đài mở hát chèo, cải lương hay tân nhạc là tôi hát theo rất say sưa. Cứ hát véo von như thế cả ngày. Ngày xưa tôi mê cải lương lắm, ở đâu có diễn cải lương là đến xem cho bằng được, kể cả lội ruộng hàng cây số trong đêm tối.

Thời đó, tôi hay hát véo von nhưng không thuộc bài nào ra hồn nên cũng chẳng ai nghĩ mình có năng khiếu âm nhạc. Nhớ một kỷ niệm thời lớp 4, lần đầu tiên tôi được chọn vào đội văn nghệ của trường… cảm giác sung sướng lắm. Nhưng hồi đó nhà nghèo, mặt mày lem luốc, quần áo nhàu nhĩ nên khi đến tập thầy hiệu trưởng đuổi về.

Lần thứ 2 là hồi học lớp 10, được bố chở lên thành phố gặp bạn thân để xin cho vào học cải lương nhưng bị loại. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa thì lại đạt điểm rất thấp. Thời đó, ai thi đầu vào đạt điểm cao không phải đóng học phí, điểm thấp thì phải đóng học phí mới được học. Bốn năm học ở trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, tôi gặt hái được rất nhiều giải vàng. Có một cô hiệu trưởng của một trường mầm non nổi tiếng ở tỉnh lúc bấy giờ cứ động viên tôi học xong cô sẽ nhận vào trường làm giáo viên. Nhưng sau đó tôi gọi điện cho cô thì lại không liên lạc được. Tôi xem đó là một may mắn vì nếu hồi đó tôi an phận về làm cô giáo mầm non thì đã không có cơ hội ra Hà Nội học tiếp lên Đại học và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Cuối cùng, tôi quyết định thi ra Nhạc viện Âm nhạc. Năm đó, tôi đạt 10 điểm thanh nhạc nhưng điểm các môn phụ rất thấp. Ngày ấy, phải thi môn xướng âm, ký âm là tôi sợ lắm. Vì ngoài này, các bạn học được đào tạo rất bài bản, tôi học ở trường tỉnh nên không thể bằng trên này. Mà thú thật là hồi đang học, tôi đi hát đám cưới ầm ầm, không học mấy đâu.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 3.

Đang theo học cô Diệu Thúy thì một lần anh bạn dẫn tôi đến gặp cô Hồ Mộ La – lúc đó là giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện Âm nhạc. Thời đó, cô Hồ Mộ La học ở nước ngoài về nên dạy theo các phương pháp của phương Tây rất hiện đại. Trước đó, cô toàn dạy sinh viên hát Opera chứ chưa dạy dân gian nên cũng muốn có một sinh viên dân gian để dạy xem thế nào. Lúc cô Hồ Mộ La nói chuyện với cô Diệu Thúy, cô Diệu Thúy không muốn nhường tôi cho thầy cô nào. Nhiều khi có một học sinh tốt, dạy hợp là các thầy cô không muốn nhường cho ai. Nhưng rồi tôi cũng được học cô Hồ Mộ La, thật bất ngờ là khi theo học tôi thấy rất hợp, cô cũng thấy hợp. Những ngày đầu học rất vất vả, tuần 5 buổi và sau đó đi thi đều có giải.

Năm 1997, tôi đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Hà Nội. Năm đó, cuộc thi có nhiều giọng ca tốt như: Minh Thu, Trang Nhung, Tô Minh Thắng... tham gia. Giải Nhất lúc đó nhiều tiền lắm, tôi gộp với tiền đi hát nữa là mua được một chiếc xe máy dream. Giá trị của một chiếc xe dream lúc đó bằng một miếng đất ở Hà Nội chứ không phải vừa đâu. Ngày đó đang đi học mà đã sở hữu được một tài sản quý như thế là ghê gớm lắm rồi...

Kể lại cả chặng đường dài như thế để thấy xuất phát điểm ban đầu của tôi rất khó khăn và trầy trật. Nhưng cứ không ngừng nỗ lực lại càng được nhiều người yêu quý. Tôi không phủ nhận mình quá may mắn khi có nhiều nhân duyên đến với mình.

Năm 1999, tôi tham gia Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc và đoạt giải Ba. Trong cuộc thi đó, Trọng Tấn đoạt giải Đặc biệt. Những ngày đó, tôi mà đi hát cùng chương trình với Trọng Tấn thì chỉ được hát lót thôi chứ chưa phải được song ca cùng đâu. Ngày đó, Trọng Tấn là ngôi sao sáng lắm, tôi vẫn chưa là gì. Sau này, tôi lại đoạt giải Nhì nhạc thính phòng toàn quốc năm 2000 và Giải Nhất giọng ca Sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam 2001. Trải qua một hành trình dài, tôi thấy mình may mắn khi đi đúng con đường và luôn có những sáng tạo riêng. Cát sê những ngày đầu có thể thấp hơn Trọng Tấn nhưng sau này lại bằng hoặc có lúc cao hơn. Dĩ nhiên, tôi chưa bao giờ có ý so sánh hơn – thiệt mà để thấy được những nỗ lực của mình đã được đền đáp.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 4.

Bây giờ cát sê của chị cao hơn ca sĩ Trọng Tấn?

- Cát sê bây giờ cũng có lúc bằng nhau, có lúc tôi cao hơn xíu. Nhiều khi tôi nói vui với đơn vị tổ chức "Bọn em đàn bà con gái, phải trang điểm kỹ càng, áo dài đổi liên tục, phải trả cát sê cho bọn em cao hơn để còn có tiền mua áo dài mới". Nói vui thế thôi chứ chuyện hơn hay bằng không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng nhất là chúng tôi luôn được khán giả yêu thương và đón nhận.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 5.

Âm nhạc cho chị nhiều thứ như thế, vậy tại sao cách đây khoảng 5 năm, chị lại tuyên bố sẽ chỉ hát khoảng mươi năm nữa rồi dừng lại?

- Đúng là ở tuổi 43, tôi tuyên bố sẽ hát đến khoảng 55 tuổi rồi dừng lại. Tôi nghĩ rằng, đến tuổi 55 mà mình chưa bị xuống cấp quá, giọng hát chưa tệ quá nhưng bắt đầu có dấu hiệu lão hóa thì nên dừng lại để lưu hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Chứ đến 70 tuổi, thân hình xồ xề, da nhăn nheo, tóc điểm bạc, giọng hát yếu đi nhiều… sẽ không còn hình ảnh đẹp nữa.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 6.

Ở tuổi 55 mình rút lui là được rồi để nhường sân cho lớp trẻ. Đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ đó. Những gì tôi tâm sự là để thấy được, tôi đã chuẩn bị cho tương lai của mình từ lâu rồi. Tôi muốn chuẩn bị thật kỹ về kinh tế, sức khỏe, tinh thần… cho việc đến một ngày mình sẽ dừng lại. Ai rồi cũng phải già nhưng với cái nghề ca hát này thì phải dừng đúng thời điểm.

Thực tế là bây giờ vẫn có rất nhiều nghệ sĩ U70 tham gia biểu diễn đều đặn, hát hò vẫn rất ổn và xuất hiện khá thường xuyên trong các chương trình. Chị nói điều đó có sợ đụng chạm đến các nghệ sĩ lớn tuổi?

- Tôi không sợ vì các cô, các thầy hiểu điều tôi nói. Tôi nói ở đây là những người lớn tuổi rồi không hát được nữa thì nên nghỉ chứ vẫn hát được, vẫn được khán giả yêu mến thì miễn phải bàn. Ngày xưa các cụ có câu "thầy già con hát trẻ". Khán giả đi xem ca hát không chỉ để nghe giọng hát mà còn ngắm người hát. Nếu ra sân khấu mà khán giả ở dưới phải thốt lên "Ô, ông kia/bà nọ như thế mà vẫn còn đi hát à" thì đúng là rất ngại. Tôi nghĩ, mình nên biết điểm dừng, không nên để khán giả phải thốt ra những lời như thế.

Ngày xưa, trước khi rút vào hậu trường, các nghệ nhân thường truyền nghề cho một "đệ tử" nào đó để kế cận con đường của mình. Chị đã tìm ra "đệ tử chân truyền" cho mình chưa?

- Tất nhiên là tôi cũng đã dự tính sau khi nghỉ hát mình sẽ làm gì. Tôi tham gia giảng dạy 20 năm qua, đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò, có nhiều học trò đoạt những giải cao trong các cuộc thi âm nhạc. Và nếu nghỉ hát, tôi vẫn tiếp tục "trồng" những cái cây, bông hoa… cho âm nhạc.

Ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa tìm thấy nhân tố nào thật sự nổi bật để gọi là "đệ tử chân truyền". Có cô bé Hà Quỳnh Như đã theo học tôi 4 năm hệ Trung cấp Thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là tiềm năng và có nhiều nét giống tôi hơn cả. Cô bé này có năng khiếu, cột hơi chắc, hát tình cảm… nhưng nội lực vẫn đang hơi yếu. Tôi vẫn đang hướng cho Hà Quỳnh Như bớt đi điễn để tập trung cho việc nâng cao thể lực, trau dồi giọng hát thật khỏe, vang, sáng… Hà Quỳnh Như đang bị mê đi diễn quá, vẫn chưa thật sự "háu" học, chưa dành thật nhiều thời gian cho việc học tập. Dĩ nhiên, bây giờ em ấy vẫn đang ít tuổi, vẫn non nớt về nhiều thứ nên cần một quá trình để trau dồi và rèn luyện.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 7.

Trong ngần đó năm ca hát, chị chạm tay vào vinh quang không ít lần nhưng cũng có cả những cú vấp ngã. Mỗi lần phải đối diện với những cú ngã đó, chị có bao giờ bi quan?

- Thực ra, đến giờ này, nghề hát đã ưu ái tôi quá nhiều, chả tội gì tôi bi quan. Nếu có bi quan thì cũng chỉ hơi buồn một tí rồi cân bằng ngay. Bởi chẳng có con đường nào là dễ dàng, ai đi đến thành công cũng phải vấp ngã một số lần. Bây giờ, tôi có giọng hát, giọng hát của tôi được yêu mến, kiếm được nhiều tiền nhờ giọng hát, mọi thứ rất viên mãn… vậy cớ gì phải bi quan quá. Mình không thể nào sống vừa lòng tất cả mọi, chỉ biết sống tốt lên mỗi ngày thôi.

Với nghề hát, bên cạnh việc chăm chỉ trau dồi giọng hát thì cũng phải không ngừng nỗ lực sáng tạo. Luôn phải làm mới mình, không được phép tạo ra sự nhàm chán. Với mọi mối quan hệ trong cuộc đời thì phải chân thành và biết ơn, nhất là với các thầy cô và ân nhân của mình. Cho đến giờ phút này, tôi chưa sống lỗi với bất kỳ ai để phải áy náy, hối hận. Nếu sau này có xảy ra chuyện gì, tôi cũng vẫn mỉm cười vì mình đã sống cuộc đời đáng sống.

Còn với những người ghen ghét tôi vì điều gì đó thì tôi cũng không buồn. Bởi chưa chắc những người ghét tôi đã hiểu hết về tôi. Với những người chưa hiểu về mình thì họ có ghét cũng là điều dễ hiểu, không phải bận tâm quá nhiều vào chuyện đó.

Sau những ồn ào liên quan đến chương trình "Mạch nguồn Ví, Giặm" hồi tháng 5/2023 đã có nhiều người lo ngại chị sẽ phải đối mặt với làn sóng bị tẩy chay. Chị cảm thấy thế nào khi sau mỗi lần ồn ào, mình lại mất đi một lượng khán giả đáng kể?

- Đâu, tôi có thấy mình mất đi khán giả "ruột" nào đâu. Những người "ném đá" tôi chỉ là những người ẩn danh sau bàn phím, chưa hiểu biết gì về tôi hết. Và đôi khi việc họ đăng dòng trạng thái này, dòng trạng thái nọ để nói về tôi là bị "say máu" theo phong trào. Chứ họ không phải là những người yêu mến tôi từ đầu và khi thấy sự việc liền quay lưng với tôi. Tôi vẫn thấy người ta vẫn yêu mến tôi như trước. Bởi sự việc liên quan đến "Mạch nguồn Ví, Giặm" là tôi mắc lỗi rất nhỏ, khi phát hiện trùng lịch diễn tôi đã trao đổi với phía Ban tổ chức và sự việc đã được giải quyết xong xuôi. Câu chuyện trở nên ồn ào là do một vài cá nhân muốn hạ bệ tôi, mà đã cố tình hạ bệ thì tôi không sợ.

Từ sự việc này cũng nói lên rằng, với những ca sĩ lớn, nhiều lịch diễn như chị thì cần phải có một trợ lý để nhắc nhở và hỗ trợ trong công việc. Tại sao bao nhiêu năm qua, chị vẫn một mình tự lo mọi thứ cho bản thân mà không cần trợ lý như những ca sĩ khác?

- Có một cái khổ là tôi làm được hết mọi việc nên nhìn thấy ai làm hộ mà không đâu ra đâu là tôi khó chịu lắm. Bây giờ có trợ lý thì cũng chỉ làm được mỗi việc nhắc lịch thôi. Từ trước đến nay, không có trợ lý nhưng tôi cũng chưa bao giờ bị nhầm lịch cả, một ngày diễn 5 – 6 show nhưng không đến muộn một phút nào. Chương trình "Mạch nguồn Ví, Giặm" vừa qua là một tai nạn hy hữu.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 8.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 9.

"Người đàn bà đi tìm mặt trời" là tên một chương cuối trong liveshow "Thơ" ca chị được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 5/2023. Tại sao chị lại ví mình như người đàn bà đi tìm mặt trời?

- Thực ra tôi không chủ ý lấy bài hát đó để nói về tâm trạng hay số phận của mình đâu. Bài hát đó được chọn vì nó phù hợp với concept của đêm nhạc. Khi thể hiện ca khúc này, tôi thấy thương cho số phận của những người đàn bà nói chung, trong đó có mình. Tôi thương cho mình nhưng chưa bao giờ đi tìm "mặt trời" như người đàn bà trong bài hát. Với tôi, tình yêu cũng chỉ mang tính tương đối thôi. Tôi không khát khao quá mức phải đi tìm. Cho đến giờ phút này, tôi dám khẳng định là mình đã có tương đối nhiều thứ.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 10.

Chị nói mình đang có tương đối nhiều thứ, vậy chị thương cho mình ở khía cạnh nào?

- Tôi thương cho mình là tôi phải làm nhiều việc quá và không ai thay được. Số phận sinh ra tôi đã như thế. Trước đây, tôi có bảo với nghệ sĩ Trần Lực: "Em không có một người chồng nào cả", nghệ sĩ Trần Lực hỏi: "Tại sao em lại nói thế?", tôi bảo: "Vì em biết số phận đã an bài như thế". Mà đúng là như thế, tôi chưa hề có chồng (cười). Bây giờ tôi vừa phải làm đàn ông – đàn bà, vừa phải làm bố - làm mẹ của 4 đứa con. Điều đó không khác được.

Tôi vẫn thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại dù đôi khi làm nhiều thứ quá cũng mệt mỏi. Nhưng vì tôi tự lập được về kinh tế, quán xuyến được hết mọi thứ nên cứ sống thoải mái vậy thôi. Tôi có nhiều người bạn, sau khi ly hôn họ cũng không có ý định tái hôn nữa vì thấy cuộc sống hiện tại đang rất ổn.

Việc phải gồng mình lên để vừa làm đàn ông, vừa làm đàn bà, vừa làm bố, vừa làm mẹ… làm những không đúng thiên chức của mình đôi khi cũng khiến con người ta mệt mỏi. Có thể chị đã quen với việc đó nhưng các con của chị chắc hẳn không muốn chị phải thế?

- Khi hôn nhân tan vỡ, các con sẽ là những đứa trẻ thiệt thòi nhất. Không nhận được tình cảm trọn vẹn của cả bố và mẹ là thiệt thòi rồi. Nhưng chính vì thế tôi luôn cố gắng bù đắp cho con. Đi diễn về là tôi có thể chơi với con ngay hoặc bò ra làm việc nhà để các con yên tâm học tập. Tôi không phải tuýp người nhàn hạ, đi diễn về là có cơm dọn sẵn, nhà mát cửa sạch sẽ, mọi thứ ngăn nắp đâu vào đó. Một ngày của tôi làm quần quật từ sáng đến tối. Sáng tôi đưa con đi học, dọn dẹp nhà cửa, đi thu âm, đi dạy, đón con về, tắm rửa, cơm nước… tất cả mọi thứ đều mình tôi "cân" hết. Mọi thứ đối với tôi rất nhẹ nhàng, không có gì nặng nhọc cả, nên tôi chẳng kêu ca điều đó với ai bao giờ. Tôi chỉ tiếc là mình không giỏi Toán, Tiếng Anh để dạy con chứ không là tối tôi ngồi với con cho đến khi hết bài tập các môn.

Đã có ai nói với chị rằng, chị đàn ông quá, mạnh mẽ quá, tự lập quá… nên đàn ông họ sợ, không dám tiếp cận để ngỏ lời yêu, vun đắp hạnh phúc?

- Đàn ông hơn tôi bây giờ còn mấy ai chưa có gia đình đâu? Còn những người không hơn tôi thì yêu sao được. Hơn ở đây là xét về mọi khía cạnh, bao gồm cả kinh tế, trình độ, sự thủy chung, vị thế xã hội… Rồi họ có chịu được nhịp sống của nghệ sĩ không. Tôi không thấy mấy người đàn ông chịu sống chung nhịp sống hơi khác biệt của nghệ sĩ đâu.

Thực ra cũng có nhiều người đến với tôi chứ không phải tất cả đàn ông thấy Anh Thơ thì đều sợ đâu. Nhưng qua một thời gian tìm hiểu thì thấy không hợp nên làm bạn với nhau thôi. Tôi cũng không yếu đuối đến mức lúc nào cũng phải có một người đàn ông ở bên cạnh. Tình yêu và hôn nhân đôi khi là do duyên số, số mình sinh ra đã vậy rồi, không phải nhọc lòng cãi số làm gì cả.

Ca sĩ Anh Thơ: Chẳng lẽ bây giờ phải có đàn ông đời tôi mới "mặn"? - Ảnh 11.

Chị có nghĩ là mình đặt tiêu chí quá cao nên mọi thứ mới trở nên khó?

- Ừ thì… nghề nghiệp đòi hỏi vậy chứ tôi cũng có muốn vậy đâu. Nếu tôi là một người bình thường, làm nghề nghiệp bình thường thì tôi chẳng dám đặt cho mình những tiêu chuẩn cao như thế. Bây giờ, thu nhập của tôi đủ lo cho cả gia đình nhưng nếu lấy một ông chồng không có thu nhập hoặc thu nhập ba cọc ba đồng thì cuộc sống chưa hẳn đã được đảm bảo. Tất nhiên, chồng cũ của tôi ngày xưa làm nghề lái xe, không có đồng nào nuôi tôi nhưng tôi vẫn lấy… Nhưng ngày xưa lấy một người như thế rồi, cuộc sống không hạnh phúc, hôn nhân mới tan vỡ, bây giờ vẫn lấy một người như thế nữa thì dở hơi quá.

Nghĩa là chị chấp nhận sẽ sống đơn độc từ giờ cho đến hết cuộc đời, chẳng bao giờ hy vọng sẽ kiếm được một người đàn ông như mình mong muốn?

- Đúng rồi, vì tôi biết có hy vọng cũng không được. Bây giờ không thể kiếm đâu ra một người đàn ông vừa tài giỏi, vừa ổn định kinh tế, vừa phù hợp với mọi tiêu chí của mình đâu. Cũng không có mấy người đàn ông can đảm đến với tôi đâu, tán được vài ba ngày là chạy dài, bỏ cuộc ngay (cười).

Phải chăng vì thế mà chị từng bảo đời chị "nhạt" lắm, không có gì để nói với mọi người, hay đó là cách chị né trách nhắc lại những điều dễ khiến chị tổn thương?

- Đời tôi có "nhạt" đâu. Chẳng lẽ bây giờ cứ phải có đàn ông mới là "mặn" á? Tôi vẫn luôn có tình yêu nhưng mà yêu để đời sống thêm sắc màu, để nuôi dưỡng cảm xúc cho tâm hồn nghệ sĩ chứ không xác định gì lâu dài hay nghĩ gì xa xôi cả. Các con cũng rất cảm thông và chia sẻ với tôi về chuyện đó. Các con thậm chí còn khuyên mẹ là nếu lấy chồng hãy chọn đúng người đàn ông của mình chứ đừng mắc tiếp sai lầm như bước đầu tiên.

Cảm ơn ca sĩ Anh Thơ về cuộc trò chuyện.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem