Cà Mau: Dân thiếu nước dùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói gì?

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ tư, ngày 15/07/2020 12:08 PM (GMT+7)
Việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn thời gian qua ở tỉnh Cà Mau mang tính dàn trải, tạm thời, không bám sát quy hoạch cấp nước của tỉnh. Bên cạnh đó là quy mô đầu tư các công trình cấp nước nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Bình luận 0

Nhiều công trình cấp nước không hiệu quả

Theo HĐND tỉnh Cà Mau đánh giá, việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn thời gian qua mang tính dàn trải, tạm thời, nơi nào thiếu nước thì kêu, nên việc không bám sát quy hoạch cấp nước của tỉnh; quy mô đầu tư nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Cà Mau: Nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt, nhưng hàng loạt công trình cấp nước không hiệu quả - Ảnh 1.

Cà Mau có 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ 137.590 giếng khoan gia đình hiện có. Ảnh: CL.

Công trình cấp nước tập trung nông thôn hầu hết không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất của trụ sở cơ quan xã, đất hiến, mượn của người dân, nhiều công trình cấp nước không đảm bảo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước.

Theo đó, hiện có đến 80/238 công trình cấp nước tại khu vực nông thôn không có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm.

Công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác; hiện chỉ có 20/238 công trình có gắn thiết bị đo lưu lượng nước khai thác để biết tỷ lệ thất thoát nước sau khai thác.

Ngoài ra, đến nay chỉ có 59 công trình hoạt động có hiệu quả, 105 công trình hoạt động bình thường nhưng có đến 73 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, theo HĐND tỉnh Cà Mau, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh được giao quản lý, khai thác 18 công trình cấp nước nông thôn sau đầu tư nước sạch. Việc này không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, hoạt động kinh doanh nhưng không hạch toán đầy đủ, chủ yếu lấy thu bù chi, không trích được khấu hao tài sản…

Nhiều bất cập trong sử dụng nước ngầm

UBND các xã được giao quản lý, vận hành khai thác 220 công trình cấp nước nông thôn nhưng không bàn giao về tài sản, không tính khấu hao tài sản hàng năm, không có người quản lý chuyên nghiệp, chủ yếu khoán trắng cho cán bộ ấp, khóm.

Thực tế đến nay, hầu hết giao khoán cho người dân quản lý hoạt động tự cung, tự cấp, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế tài nguyên nước, hầu hết các công trình đều xuống cấp, thiếu vốn để sửa chữa, đang trông chờ vào sách nhà nước hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa.

Điển hình như hai công trình cấp nước nông thôn trạm khóm 9, thị trấn Thời Bình (huyện Thới Bình) và trạm trung tâm xã Việt Thắng (huyện Phú Tân) đã tạm giao cho Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau quản lý, vận hành từ năm 2016 đến nay, thế nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm về vốn và tài sản.

Cà Mau: Nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt, nhưng hàng loạt công trình cấp nước không hiệu quả - Ảnh 2.

Tại tỉnh hiện còn 14 khu vực không khoan được nước ngầm mà chưa được cung cấp nước sinh hoạt, khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: CL.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Cà Mau Khoá IX, ông Dương Huỳnh Khải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đánh giá: "Hệ thống công trình cấp nước tập trung của tỉnh với công suất thiết kế khai thác là 144.000m3/ngày đêm, có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân nhưng chưa phát huy hết tác dụng công suất khai thác, do tình trạng giếng khai thác nhỏ, phân tán, tuyến đường ống nối mạng cục bộ trong khu vực, chưa áp dụng khoa học – công nghệ vào khai tác, phân phối nên hoạt động không hiệu quả".

Cũng theo ông Khải, đến nay, vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân số, tuy nhiên, vùng nông thôn con số này chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung. Có 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ 137.590 giếng khoan gia đình hiện có. 

Hiện cũng chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ và hạn chế việc tự khoan giếng hộ đình, nhất là tại các khu vực đã có công trình cấp nước tập trung, khiến cho nguy cơ tầng nước dễ bị xâm nhập mặn và ô nhiễm do nước thải sinh hoạt ngày càng lớn.

Cũng theo ông Dương Huỳnh Khải, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước thời gian qua chưa chặt chẽ, chưa hành được quy chuẩn kỹ thuật nước sạch sinh hoạt của tỉnh, các công trình cấp nước của công ty cổ phần cấp nước Cà Mau và Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tuy có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng cũng còn hình thức, không đảm bảo các chỉ tiêu lý, hóa, sinh theo yêu cầu.

"Hiện nay là các công trình cấp nước nông thôn bơm trực tiếp từ giếng đến người tiêu dùng, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình có công suất 1.000m3/ngày đêm hoặc quy mô dưới 500 hộ dân được phân cấp cho trung tâm y tế huyện, thành phố ngoại kiểm đột xuất theo định kỳ mỗi năm một lần, nhưng nhiều năm qua chưa thực hiện kiểm tra về chất lượng nước theo quy định", ông Khải thông tin thêm. 

Tại tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2019, vào mùa khô, số hộ không chủ động được nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt còn 18.470 hộ, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và hộ đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tại tỉnh hiện còn 14 khu vực không khoan được nước ngầm mà chưa được cung cấp nước sinh hoạt, khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những điều kiện khó khăn đó, từ năm 2010-2019, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 64 công trình cấp nước tập trung, nâng tổng số công trình cấp nước tập trung hiện có là 286 công trình, với tổng công suất khai thác thiết kế khoảng 144.000m3/ngày đêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem