dd/mm/yyyy

Bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Văn

Đồng Văn (Hà Giang) là một huyện vùng cao cực Bắc Tổ quốc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo luôn ở vào nhóm cao của cả nước.

Xuất phát điểm thấp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân nên sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đồng Văn đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đi lên từ khó khăn

Nói đến Hà Giangthì hẳn ai cũng biết đó là tỉnh nằm ở địa đầu của Tổ quốc, với dân số chủ yếu là các đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không đồng đều nên công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương luôn là điều chúng tôi muốn tìm hiểu có điểm khác biệt gì, có khó khăn như nào so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Con đường từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn dài khoảng hơn 130km, trải qua những con đèo quanh co, khúc khuỷu nhưng giờ đây đi lại cũng đã dễ dàng hơn. Đặc biệt nhiều con đường đi vào các xã, thôn bản trong huyện cũng đã được bê tông hóa, sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều khu dân cư được chỉnh trang sạch đẹp..

Ông Dương Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Đồng văn có 17 xã và 2 thị trấn với trên 79.417 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông (chiếm 78,2%) còn lại là các dân tộc khác như Tày, Giấy, Lô Lô, Pu Péo... 

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Văn - Ảnh 1.

Điểm du lịch Phố cổ Đồng Văn (Đồng Văn) luôn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.

"Trước đây, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn do trình dộ dân trí thấp, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao nên chưa huy động tối đa được nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trở lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới", ông Thành nhấn mạnh.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, diện mạo Đồng Văn đã có nhiều đổi thay. Đồng Văn đã có 200.705m đường bê tông; 100% đường trục xã liên xã được cứng hóa; 17/17 trạm y tế xã được cải tạo sửa chữa và nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 54,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu/người/năm.

Đặc biệt trong giai đoạn 2016 -2020, đến nay toàn huyện đã huy động được nguồn vốn từ cộng đồng dân cư hơn 26 tỷ đồng, hiến trên 119m2 đất; 115 ngày công lao động, qua đó đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng được xây dựng đồng bộ. Toàn huyện đã mở mới đường đất đá 54.087m, nâng cấp 112.012m tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội…

Làm giàu bằng chính nội lực

Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thường trực Đảng ủy - UBND huyện Đồng Văn đã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bởi vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, giảm nghèo và làm giàu bằng chính nội lực. 

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM và các nguồn khác, huyện đã tập trung hỗ trợ nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Văn - Ảnh 2.

Người dân thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn đóng góp ngày công, tiền của mở đường giao thông nông thôn. BHG

Cùng với đó, huyện luôn quan tâm vận động các tầng lớp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

"Nhờ có định hướng ngay từ đầu nên giá trị sàn xuất ngành nông nghiệp của huyện năm 2018 đã đạt 603,7 tỷ đồng, tăng 91,2% so với năm 2010; giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác cây hàng năm đạt 35,8%, tăng 13 triệu đồng/ha so với năm 2010. Lĩnh vực chăn nuôi có chuyển biến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 7,6%/năm" – ông Thành cho biết thêm

Toàn huyện đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa hoc kỹ thuật vào chăn nuôi được nhân rộng như: Mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa; Mô hình nuôi bò vỗ béo hàng năm có 70% số hộ tham gia; Mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học… nhờ đó thu nhập của người dân ngày một tăng lên, góp phần tăng thu nhập bình quân toàn huyện lên 18 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 54,25%.

Tính đến hết 2019, huyện Đồng Văn đã có 11 xã hoàn thành từ 7-9 tiêu chí, 05 xã hoàn thành 10-14 tiêu chí và 01 xã hoàn thành 15 tiêu chí, bình quân đạt 9,52 tiêu chí/xã, tăng 3,28 tiêu chí/xã so với năm 2015.

Do vậy, để hỗ trợ các xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chỉ tiêu về thu nhập, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 toàn huyện sẽ có 15 xã đạt 10-15 tiêu chí, 02 xã đạt trên 15 tiêu chí, bình quân đạt 12,12 tiêu chí/xã, Đảng bộ và nhân dân huyện Đồng Văn tiếp tục dành nguồn lực và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao kết quả, gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện tốt giải pháp giảm nghèo, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập và mức sống người dân.

Theo ông Thành, để hoàn thành các mục tiêu trên, phấn đấu đưa xã Lũng Cú về đích nông thôn mới trong thời gian tới, UBND huyện xác định rõ các tiêu chí trọng tâm như tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhân rộng các mô hình được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường... Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. 

 

 

Trang Thảo