“Bốn mùa áo mới cho em”: Ước mơ của những đứa trẻ Bana

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 19/08/2018 11:56 AM (GMT+7)
Dưới mái nhà cũ kỹ, những đứa trẻ Bana ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) được sinh ra trong thiếu thốn, cơ cực. Khi năm học mới bắt đầu, khát khao cháy bỏng được khoác lên mình chiếc áo mới, trang bị đầy đủ dụng cụ học tập đến lớp lại trỗi dậy trong lòng các em.
Bình luận 0

Mẹ mất vì ung thư, cha bỏ đi biền biệt

Giữa trưa, chúng tôi đến căn nhà nhỏ của em Đinh Hồ Phương Trâm nằm ẩn sau cung đường ngoằn ngoèo ở làng Kon Mon (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn). 6 tuổi, làn da đen nhẻm, khuôn mặt của Trâm chất chứa những nỗi buồn tuổi thơ mà chẳng đứa trẻ nào muốn mình phải trải qua.

“Năm nay con đã lên lớp 1 (Trường tiểu học xã Vĩnh An), may mà có ông bà ngoại, rồi dì thương cho con ăn học tử tế”, Trâm tóm tắt cuộc đời mình bằng vài ba câu ngắn gọn khi được tôi mở lời chào hỏi.

img

Những đứa trẻ được mẹ bồng lên rẫy sau giờ học ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Ảnh: Dũ Tuấn

Tiếp chúng tôi, bà Đinh Thị Phát (45 tuổi, dì ruột cháu Trâm) kể: “Mẹ của Trâm mắc bệnh ung thư khi đang mang bầu nhưng gia đình nghèo không có tiền chạy chữa. Sinh cháu được 1 tháng thì mẹ cháu mất, người cha cũng bỏ đi biền biệt vì không chịu nổi cảnh nghèo khó. Sau đó, ông bà ngoại nhận nuôi nhưng giờ ông bà đã mất nên cháu sống với tôi”.

Nhưng ngoặc nỗi, gia cảnh bà Phát cũng không khấm khá gì mấy, chồng bà mất cách đây vài năm vì căn bệnh quái ác, rồi 2 đứa con lập gia đình ra ở riêng để bà một mình nuôi cháu. Gia đình là hộ nghèo, bản thân bà lại mắc bệnh u nang, làm việc “bữa được, bữa mất”, gia cảnh thiếu trước, hụt sau.

img

Căn nhà em Đinh Hồ Phương Trâm và dì ruột của mình nằm ẩn sâu trong làng. Ảnh: Dũ Tuấn

“Cháu Trâm sinh ra thiếu thốn tình thương nhưng lại rất ngoan, ham học nên tôi nhất định phải để cháu đến lớp. Năm học mới, tôi chạy đôn chạy đáo kiếm tiền sắm quần áo, đồ dùng học tập. Thế nhưng, mỗi ngày công việc lột vỏ cây chỉ kiếm được 100.000 đồng, làm một ngày phải nghỉ đến ba ngày vì bệnh tật. Tôi chỉ mong sao ai giúp được cho cháu chiếc áo mới, sách vở… để đến lớp. Còn ước mơ xa hơn của hai dì cháu là cố gắng tiết kiệm để mua con bò về nuôi nhưng chưa đủ tiền”, bà Phát chia sẻ.

img

Mẹ mất sớm, bố bỏ đi nên em Trâm phải sống nhờ vào người dì. Ảnh: Dũ Tuấn

Cuộc sống cơ cực và thiếu thốn đang là nỗi lo của nhiều gia đình Bana trong chặng đường đến lớp của những đứa trẻ nơi đây. Tại xã này, có đến hơn 200 học sinh mầm non và tiểu học thuộc gia đình hộ nghèo.

“Thú thật, nhờ sự quan tâm của nhà nước, đường giao thông rồi cơ sở hạ tầng trường học tại đây được xây dựng bê tông hóa, rất kiên cố. Thế nhưng, phần lớn học sinh đều là con em người Bana có cuộc sống rất khó khăn. Mỗi năm học đến, giáo viên chúng tôi phải đi vận động xin quần áo, sách vở… để các em được đến trường đầy đủ. Vì vậy, trường rất cần sự quan tâm của các mạnh thường quân khi năm học mới bắt đầu”, thầy Nguyễn Văn Hóa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh An thổ lộ.

img

Đường vào làng Cam (xã Tây Xuân) - nơi có 100% hộ nghèo sinh sống. Ảnh: Dũ Tuấn

Trường vắng phòng vệ sinh, “trắng” sân chơi

Tại ngôi làng Cam (xã Tây Xuân), hai trường mầm non và tiểu học được xây chung với nhau, vỏn vẹn chỉ 4 phòng học. Ngôi trường này được hình thành bởi sự chung tay của các mạnh thường quân và giữa vùng quê khốn khó, các em học sinh phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Cô Trần Thị Dùa – Hiệu trưởng Trường mầm non Tây Xuân, kể khổ: “Tại làng Cam, học sinh tiểu học và mầm non học chung trường nhưng trường lại không có phòng vệ sinh, sân trường thì không có đồ chơi cho trẻ. Nhiều lúc chứng kiến cảnh trong giờ học, các em phải xin về nhà để đi vệ sinh, chúng tôi rất buồn nhưng không có cách nào khác vì kinh phí không có thì tiền đâu mà xây dựng”.

img

Trường tiểu học và mầm non ở làng Cam được xây chung nhưng không có phòng vệ sinh. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo các giáo viên, vì cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên nhà trường chưa thể thực hiện việc đồng phục cho trẻ đến lớp. Có quần áo gì thì trẻ mặc nấy, kể cả việc mặc quần áo rách, mang dép hỏng đi học.

“Chúng tôi thấy thương và đồng cảm lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Nói về khó khăn của các em thì vô vàn nhưng cái cần nhất hiện nay chính là quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… để các em được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nơi khác”, cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Xuân chia sẻ.

img

Những đứa trẻ làng Bana sắp bước vào năm học mới. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho hay: “Làng Cam có 53 hộ dân thì 100% là hộ nghèo. Đa số là người dân Bana đã định canh, định cư nhưng cuộc sống kinh tế của họ còn rất thiếu thốn. Ngoài sự quan tâm của địa phương, chúng tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn của trẻ em ở làng, trong giai đoạn bước vào năm học mới”.

Trong khi đó, làng M6 (xã Bình Tân) - nơi có 63 hộ dân Bana sinh sống, năm học mới bắt đầu cũng là lúc xuất hiện nỗi lo trong những căn nhà cũ kỹ.

“Làng M6 nằm xa với khu vực trung tâm xã, rất đông người dân Bana quy tụ về đây sinh sống. Cuộc sống khó khăn nên học sinh cần nhiều thứ như: sách vở, quần áo và cả xe đạp đến đến trường. Chúng tôi thấu hiểu nỗi khổ của trẻ em vùng này nhưng chỉ giúp đỡ được một phần nên sự quan tâm từ tấm lòng của cộng đồng là điều rất trân quý”, ông Nguyễn Thanh Điền - Chủ tịch UBND xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) nói.

img

Một góc trường tiểu học ở làng M6 (xã Bình Tân). Ảnh: Dũ Tuấn

1.000 áo trắng đến với học sinh mầm non, tiểu học

Từ ngày 23.8-24.8, Báo Nông Thôn Ngày Nay (điện tử Dân Việt- Danviet.vn) tổ chức chương trình “Bốn mùa áo mới cho em” tại các trường mầm non và tiểu học ở huyện Tây Sơn (Bình Định). Ban tổ chức chương trình sẽ tặng máy lọc nước, 1.000 áo trắng mới cho học sinh, vở, bàn chải, kem đánh răng, áo sơ mi mới cho thầy cô giáo… với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem