Bốn Bằng - ông thương binh hào sảng

Hùng Phiên Thứ bảy, ngày 06/05/2017 06:00 AM (GMT+7)
Bây giờ ở huyện Phú Hòa, Phú Yên, nhiều người biết đến ông Bốn Bằng (Bùi Xuân Bằng, 54 tuổi) với kỹ nghệ làm bánh sinh nhật. Càng mến hơn khi thấy ông chẳng hề phiền não về thương tật của một thời chiến trận, chỉ vui tràn chuyện tiếu lâm…
Bình luận 0

Ước mơ… còn một chân

Thuyết phục mãi, ông Bốn Bằng mới chịu kể chuyện một thời ở chiến trường K (Campuchia) đánh dẹp Pol Pot. Tốt nghiệp trung học năm 1981, anh thanh niên Bùi Xuân Bằng rời quê (thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, Phú Hòa, Phú Yên) lên đường nhập ngũ. Thế nhưng do sức khỏe yếu, anh bị trả về địa phương, làm ruộng. Đến năm 1983, anh tiếp tục được gọi nhập ngũ và người lính tình nguyện Việt Nam Bốn Bằng đã trải qua nhiều chiến trận khốc liệt; cuối năm 1985 thì bị thương nặng… 

img

  Ông Bùi Xuân Bằng tại nhà riêng cũng là cơ sở làm bánh. Ảnh: Hùng Phiên

Tận tay vuốt mắt nhiều đồng đội, tôi còn sống là may mắn lắm rồi! Thật lòng, thời bộ đội tình nguyện đánh Pol Pot, tôi không sợ chết, chỉ mong nếu có bị thương thì chỉ mất một chân thôi! Quả thật, tôi đã toại nguyện và vui vẻ sống”. 

Ông Bùi Xuân Bằng

“Tận tay vuốt mắt nhiều đồng đội, tôi còn sống là may mắn lắm rồi! Bạn hữu muốn nghe chuyện đời lính K thì biết sao tôi kể vậy. Thật lòng, thời bộ đội tình nguyện đánh Pol Pot, tôi không sợ chết, chỉ mong nếu có bị thương thì chỉ mất một chân thôi! Quả thật, tôi đã toại nguyện và vui vẻ sống” - ông Bằng rổn rảng.

Rồi anh kể tôi nghe về một số trận đánh ác liệt nhất đã tham dự tại khu vực Ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan. Ấy là mùa khô năm 1985, Đại đội trinh sát 21 của anh được lệnh dẫn lực lượng của Tiểu đoàn anh hùng 210 đi trinh sát địa hình. Bản thân Bốn Bằng vừa bị sốt rét, từ bệnh viện trở về đơn vị đã nhận ngay nhiệm vụ vào khu vực mặt trận nguy hiểm, cứ điểm cố thủ của quân Pol Pot…

“Ngay ngày đầu đi trinh sát, một trái mìn gài giữa đường rừng đã làm đơn vị tôi chết 1, bị thương 2. Tiếp tục ngày thứ hai, tôi được cử đi đầu dò mìn, mở đường. Tôi yêu cầu anh em đi chậm, cẩn trọng quan sát, nhất là đề phòng phục kích tại khu vực bị “động ổ” ngày hôm qua. Đang đi, tôi phát hiện một sợi dây thép màu xanh mắc ngang bụi cây. Dò nhìn tiếp thì…  một trái mìn cỡ 1,2kg đang chực sẵn! Loại này có tầm sát thương đến 50m, nếu lệch một bước chân là… đi tong! Tôi lấy bình tĩnh thực hiện thao tác gỡ mìn thành công; chuyện gỡ mìn không có thời gian để… rút kinh nghiệm” - ông Bằng kể.

Thế nhưng ông lại bị thương nặng trong đợt trinh sát hướng dẫn một đơn vị chiến đấu di chuyển từ Campuchia sang Lào. Lần này, ông vướng phải loại mìn 652A. Ông Bằng cho biết: “Anh em bộ đội gọi đây là mìn “Hạnh phúc”, bởi chỉ chuyên sát thương một chân người dính phải, chân nào giẫm mìn thì “tiêu” chân đó! Tôi bị thương lúc 10 giờ sáng, được 4 đồng đội cáng võng đến khoảng 17 giờ cùng ngày mới tới được nơi giải phẫu cưa chân.  Sau một đêm mê man, tôi tỉnh dậy thấy một bên chân… trống trơn, một số mảnh mìn khác găm trong người. Sau đó, tôi được chuyển qua một số bệnh viện nữa, rồi phục viên với thương tật 3/4”.    

“Anh yêu” 8 mảnh và tiếng thét giữa chợ

Một đồng đội của ông Bằng - ông Tạ Phong Quang (ở huyện Tây Hòa, Phú Yên) nhận xét: “Bốn Bằng sống bộc trực, tình cảm, yêu ghét rõ ràng. Hồi cùng đơn vị ở chiến trường K, anh em đều nể tính cách dũng cảm, mưu trí A trưởng Bốn Bằng. Anh luôn triển khai thực hiện tốt nhất mệnh lệnh cấp trên, bằng sự quả cảm, khéo léo trong đánh địch nhưng phải làm sao anh em thương vong ít nhất. Nghe bạn bè đồng hương bị thương là anh tìm mọi cách thăm hỏi, động viên. Là thương binh, anh chẳng nề hà việc gì để làm ăn nuôi con, không bao giờ… vỗ ngực công thần”.

Với Bốn Bằng, ấn tượng “khác biệt” từ chiến trường K thì có nhiều, nói không xuể. Ví như ông kể, có cuộc hành quân, đến điểm nghỉ thì trời đã sập tối. Anh em bộ đội lấy nước giữa rừng cho vào cơm gạo sấy để ăn. Thế nhưng rạng sáng, nhìn phần cơm còn lại thấy… đen sì, dòi bọ lúc nhúc! Thì ra, lúc nhập nhoạng tối, đâu biết trong vũng nước có đống lá mục lẫn côn trùng…

“Thôi giờ nói chuyện tình lính. Hồi đó, chiến trường K khốc liệt, các đơn vị đều phải đóng quân xa các khu dân cư, để lỡ có bị tập kích thì tránh thương vong cho người dân. Cho nên lính tráng chỉ có thể nhìn phụ nữ… từ xa. Hồi Bệnh viện Khánh Hòa tăng cường sang hai cô y tá, chỉ có các sĩ quan được phép lại gần, còn lính tráng… nhìn từ xa! Sung sướng nhất đời của mình là được một cô bạn học viết thư, trong đó có chữ anh yêu. Thực ra, trước khi đi lính, mình và cô ấy không hề có tình ý gì. Thế mà bỗng dưng nhận được lá thư cô ấy viết có hai chữ quý giá đó! Ôi thôi, mình cứ đọc đi đọc lại đến nhàu nát lá thư. Hễ dừng bước hành quân, đào hầm, mắc võng xong là… lại đọc. Rã cẳng đi bộ, vác đồ đạc súng ống cả ngày, vậy mà nhìn vào hai chữ anh yêu là thấy nhẹ nhàng cuộc đời…!” - ông Bằng hào hứng.

Thế nhưng chuyện “yêu qua thư” rồi cũng không đi đến cùng. Bốn Bằng xuất ngũ về làm nông, rồi cưới vợ, chuyển sang buôn bán nguyên phụ liệu làm bánh ở chợ Tuy Hòa (Phú Yên). Sau, vợ chồng ông đầu tư mở cửa hiệu chuyên làm bánh sinh nhật Bích Phượng (đường Trần Quý Cáp, Tuy Hòa). Vợ ông là cô giáo mầm non vừa nghỉ hưu cuối năm 2016. Hai con ông hiện đã có công ăn việc làm thành đạt. Thế nhưng ông nói tôi không “ca” chuyện làm bánh, bởi nhiều tế nhị làm ăn.         

Ông Phạm Hồng Ân (hàng xóm ông Bằng) nói: “Bốn Bằng có hoa tay viết chữ trên bánh sinh nhật rất đẹp, làm ăn rành mạch lắm! Tôi nhớ hồi có một đám chuyên quậy phá ở chợ Tuy Hòa, kéo đến quầy hàng Bốn Bằng. Ảnh chèo chân ra từ tốn nói chuyện phải quấy, thế nhưng đám này nhứt quyết nhào vô. Bốn Bằng thét lên một tiếng động trời, rồi rút một thanh sắt dài… dữ tướng bước tới! Thế là cả bọn “biết tánh” Bốn Bằng, im re rút lui, sau đó đến “quy phục” làm bạn em…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem