Bộ Xây dựng gấp rút thoái vốn một loạt công ty vì sao?

Quang Dân Thứ bảy, ngày 28/11/2020 13:35 PM (GMT+7)
Trong những ngày cuối tháng 11, Bộ Xây dựng liên tục công bố thông tin thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp.
Bình luận 0

Dự thu gần 7.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước

Cụ thể, ngày 25/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết, toàn bộ gần 45 triệu cổ phiếu CC1, tương đương 41% vốn thuộc sở hữu Bộ Xây dựng đã được bán cho 12 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân là 23.031 đồng/cổ phần, cao hơn 36% so với thị giá CC1 ngày 26/11. Như vậy, Bộ Xây dựng đã thu về 1.027 tỷ đồng.

Đến ngày 27/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo kết quả phiên đấu giá cổ phần Tổng công ty Idico (HNX: IDC). Theo đó, Bộ Xây dựng đã thoái thành công toàn bộ 108 triệu cổ phiếu, tương đương với 36% vốn điều lệ.

Tổng khối lượng đặt mua hợp lệ là 126 triệu cổ phần, cao hơn 17% so với lượng chào bán. Trong đó, 1 tổ chức trong nước muốn mua 32,4 triệu cổ phiếu và 8 cá nhân đăng ký 93,6 triệu cổ phiếu.

Kết quả toàn bộ 9 nhà đầu tư đều trúng đấu giá với mức bình quân 26.936 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công cao nhất là 26.950 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Bộ Xây dựng thu về hơn 2.909 tỷ đồng từ phiên đấu giá.

Bộ Xây dựng gấp rút thoái vốn một loạt công ty vì sao? - Ảnh 1.

Số tiền vốn nhà nước thu về sau 4 thương vụ

Sau CC1 và IDICO, ngày 16/12, Bộ Xây dựng sẽ đưa hơn 139,4 triệu cổ phiếu Hancorp (HAN) ra bán đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phiếu. Trong đó ghi rõ, trước ngày công bố thông tin, nếu giá tham chiếu của cổ phiếu HAN bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán cao hơn 19.930 đồng/cổ phiếu thì lấy giá tham chiếu trung bình của 30 ngày giao dịch liên tiếp để làm giá khởi điểm. Với mức giá này, Bộ Xây dựng ước tính thu về ít nhất 2.778 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công tại HAN.

Tiếp đó, ngày 25/12, Bộ Xây dựng bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại “con cưng” Sông Hồng tương đương 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng tối thiểu Bộ Xây dựng sẽ thu về nếu thoái vốn thành công là hơn 132 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi hoàn thành thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kể trên, Bộ Xây dựng sẽ thu về gần 7.000 tỷ đồng.

Vì sao Bộ Xây dựng phải gấp rút thoái vốn?

Theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30/11, Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HanCorp); Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1); Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Idico).

Trường hợp không hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp trên trước ngày 30/11/2020 thì các công ty này sẽ phải hoàn thành chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 4 Tổng công ty gồm: Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) sang Tổng công ty SCIC.

Giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tại 4 doanh nghiệp được chuyển giao là 5.876,8 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng gấp rút thoái vốn một loạt công ty vì sao? - Ảnh 4.

Tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại 4 doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết cuối năm 2015, Bộ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 16 Tổng công ty.

Trong đó, 9 Tổng công ty – trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm: Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Cơ khí xây dựng (COMA), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Sông Đà, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và Xi măng Việt Nam (VICEM).

7 Tổng công ty – công ty cổ phần là: Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Sông Hồng, Bạch Đằng, Viglacera, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Xây dựng Hà Nội (HANCORP), Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi).

Đến hết tháng 9/2020, đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 4 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1, Tổng công ty Sông Đà) với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỷ đồng về SCIC đề thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem