dd/mm/yyyy

Bỏ túi nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại

Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lê Văn Mến đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo. Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ, hiện trang trại nuôi bò của anh đã cho quả ngọt. Mỗi năm, anh Mến bỏ túi từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng từ nuôi bò.

Anh Lê Văn Mến, sinh năm 1981, bản Khoa 2, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên. Sinh ra ở một vùng quê có diện tích đất canh tác ít, manh mún, bạc màu nên anh Mến hiểu rõ những khó khăn của gia đình và bà con nơi đây. Nếu không mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì cuộc sống mãi không khá lên được.

Khởi nghiệp từ 4 còn bò sinh sản

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Mến kể: Sinh ra ở vùng nông thôn này, tuổi thơ của tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa đều gắn với con trâu, con bò ngay từ khi còn bé. Nhưng tôi may mắn hơn các bạn là lúc đó bố mẹ tôi đã bắt đầu nuôi bò sinh sản để bán bò giống và bò thịt.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại - Ảnh 1.

Chuồng nuôi bò thịt của anh Lê Văn Mến ở bản Khoa 2, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Sau khi lập gia đình, anh Mến được bố mẹ cấp vốn cho 4 con bò sinh sản. Với số vốn ban đầu, anh Mến mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên (Agribank Phù Yên) 200 triệu đồng đầu tư mua thêm con giống lên lên 16 con.

Khi bắt tay vào chăn nuôi, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên anh Mến gửi bò lên vùng cao xã Kim Bon, huyện Phù Yên thuê bà con nuôi từ năm 2005 đến năm 2007. Trong giai đoạn này, đàn bò đã phát triển lên 30 con. Tuy nhiên, việc thả rông bò ít có điều kiện chăm sóc và phòng bệnh nên đàn bò của anh Mến thường gầy, chết rét và dịch bệnh. Mặt khác, ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại - Ảnh 2.

Chuồng nuôi vỗ béo giống bò địa phương của gia đình ông Mến.

Năm 2007, gia đình anh Mến quyết định đưa bò về nhà và làm chuồng nuôi nhốt. Thời gian này, việc tìm kiếm được thị trường khó khăn, giá cả bấp bênh nên rất khó tiêu thụ bò thương phẩm. Năm 2012, anh Mến quyết định sang huyện Mai Sơn và huyện Mộc Châu để học tập kinh nghiệm nuôi bò nhốt chuồng ở một số mô hình có tiếng. Ngoài ra, anh Mến học thêm kỹ thuật, phương pháp trồng cỏ voi, cách thức ủ thức ăn dự trữ vào mùa đông, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Năm 2012, sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ, tích lũy kinh nghiệm, anh Mến mở rộng quy mô nuôi bò nhốt chuồng lên 55 con. Đối với bò sinh sản, anh Mến nuôi từ 8 tháng - 10 tháng rồi tách mẹ. Bò cái anh Mến bán giống, bò đực vỗ béo để bán thịt.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại - Ảnh 3.

Những con bò gầy sau từ 1 tháng - 2 tháng được gia đình anh Mến vỗ béo là có thể xuất chuồng được.

Tiếp tục trò chuyện với chúng tôi, anh Mến, cho biết: Nuôi bò cũng có cái khó, cái hay của nó. Ban đầu hơi vất vả nhưng khi tích góp được kinh nghiệm rồi cũng quen. Khâu quan trọng nhất là mình phải thật sự đam mê với công việc, cập nhập thêm kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh ở bò; thông tin về thị trường, giá cả. So với việc thả rông, nuôi bò nhốt chuồng có rất nhiều lợi ích, như: Đàn bò lớn nhanh, khoẻ mạnh; thuận tiện phòng dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh môi trường; tận dụng được nguồn phân dồi dào để canh tác.

Không chỉ nuôi bò sinh sản, anh Mến còn tìm đến các xã trên địa bàn huyện và một số huyện khác để mua lại những con bò gầy về nuôi vỗ béo. Để bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò, anh Mến chủ động trồng 4 ha cỏ voi. Vào mùa gặt, anh thu mua thêm rơm khô, mật mía, thân cây ngô già, ủ ướp hàng trăm tấn thức ăn dự trữ, đảm bảo thức ăn cho đàn bò trong cả năm.

Với nhiều năm trong chăn nuôi bò, anh Mến đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong việc chăm sóc và vỗ béo bò. Những con bò gầy sau khi thu mua, dưới bàn tay cần cù, chịu khó cùng với kinh nghiệm, anh Mến chỉ mất từ 1 tháng - 2 tháng là béo tốt, khỏe mạnh và có thể xuất bán được.

Theo đó, mỗi năm, anh mua khoảng 200 tấn rơm khô của bà con quanh vùng, 40 tấn - 50 tấn thân cây ngô của các hộ dân và khoảng 3 tấn mật mía tại huyện Mai Sơn để ủ chua, làm thức ăn dự trữ trong mùa đông, thời điểm không có cỏ voi.

Theo anh Mến, để bò phát triển tốt phải cung cấp thường xuyên thức ăn vừa tinh, vừa thô. Chuồng nuôi phải luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đứng bên ngoài quan sát, chúng tôi thấy hệ thống chuồng trại của anh Mến được xây kiên cố, gồm 3 chuồng với diện tích khoảng 1.000m2. Trong đó, 3 chuồng được anh Mến nhốt lần lượt là bò sinh sản, bò vỗ béo và bò chuẩn bị xuất chuồng.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại - Ảnh 5.

Để đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, cỏ voi sẽ được cho vào máy cắt nhỏ, sau đó mới đem cho bò ăn.

Trong chuồng, anh Mến lắp riêng các máng để rơm, máng để cỏ và máng để nước. Cùng với đó, anh Mến bổ sung thêm thức ăn cho đàn bò bằng cách ủ lên men hỗn hợp bột ngô, cám, muối hoặc rơm khô, thân cây ngô, mật mía với men vi sinh để tăng cường dinh dưỡng cho vật nuôi.

Anh Mến tiết lộ: Trong chăn nuôi bò, gia đình đặc biệt chú trọng đến khâu phòng trừ dịch bệnh. Mỗi tuần, phun khử trùng chuồng nuôi một lần. 6 tháng tiêm vaccine phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, đau mắt đỏ… Cùng với đó, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm

Hiện tại, đàn bò của gia đình anh Mến có 2 loại, gồm: Giống bò địa phương và giống bò Lai Sind. Một con bê giống địa phương sau 2 năm nuôi có trọng lượng khoảng 3,5 tạ, bán được 30 triệu đồng. Bò giống Lai Sind sau 3 năm nuôi đạt trọng lượng khoảng 6,5 tạ, bán được 60 triệu đồng.

Bỏ túi trên nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi loài động vật nhai lại - Ảnh 6.

Trong thời gian tới, anh Mến dự định nuôi thêm trâu đực vỗ béo.

Sau nhiều năm gây dựng được cơ đồ với trên 100 con bò sinh sản và bò thịt, trị giá gần 3 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, anh Mến đã cung cấp trên 2.000 con bò giống chất lượng cho các huyện nằm trong vùng dự án di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình (Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Vân Hồ và Thành phố Sơn La). Trong thời gian tới, anh Mến dự định mở rộng thêm 800 m2 chuồng để nuôi trâu đực vỗ béo, giống bò 3B khổng lồ, bò Úc. Đây là những giống bò cao sản có trọng lượng lớn, giá trị kinh tế cao.

Anh Mến cho biết: Hiện nay, ngoài thị trường trong tỉnh Sơn La, tôi đã có mối bán ổn định tại tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Yên Bái. Thời điểm tiêu thụ bò thịt nhiều nhất là dịp giáp tết Nguyên Đán. Lúc đó, gia đình tôi lúc nào cũng có gần 200 con bò thịt trong chuồng để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng.

Với quy mô chăn nuôi lớn như hiện nay, anh Mến đã tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, với kinh nghiệm có được trong nhiều năm nuôi bò, anh Mến đã tích cực chia sẻ kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò của các hộ dân trong bản. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người thân và các hộ dân trong bản từ bỏ việc chăn thả tự do chuyển sang nuôi nhốt kết hợp trồng cỏ. Đến nay, bản Khoa 2 đã có 7 mô hình chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo bắt đầu cho hiệu quả kinh tế.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất đã mang đến những thành công lớn cho gia đình anh Lê Văn Mến. Tin rằng, với hướng đi đúng đắn của mình, trong thời gian tới, anh Mến sẽ tiếp tục gặt hái được thành công và từng bước giúp người dân trong bản, xã phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra.

 

PV Tây Bắc