Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Giá lợn hơi sẽ giảm khi nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 15/06/2020 14:52 PM (GMT+7)
Báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội về tình hình ổn định giá thịt lợn và phục hồi sản xuất sau tác động của dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với việc nỗ lực tái đàn để kích cung, việc nhập khẩu lợn sống trong ngắn hạn sẽ giúp giá lợn hơi hạ nhiệt.
Bình luận 0

8 tỉnh, thành phố tăng đàn lợn trên 100%

Cụ thể, trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cơ cấu lại ngành chăn nuôi và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản.

 Do vậy, năm 2019, sản lượng thủy sản tăng 430.000 tấn, sản phẩm chăn nuôi tăng 336.000 tấn. Tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng 766.000 tấn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước.

Để bảo đảm nguồn cung cấp lợn giống, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 8.000 con lợn giống (tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019). 

Đến tháng 5/2020 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,9 triệu con, tương đương 80 % so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi, tăng trưởng bình quân khoảng 5%/tháng. 

"Dự báo đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho tiêu dùng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Giá lợn hơi sẽ giảm khi nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thảo luận trên nghị trường Quốc hội về giải pháp bình ổn giá lợn hơi.

Điều đáng ghi nhận là, đến ngày 31/5/2020 có 8 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,9% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 150%; tiếp đến là Đắk Nông; Bình Định; Đắk Lắk; Hòa Bình; Cà Mau; Yên Bái; Tây Ninh. 

Thời gian qua, các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân tái đàn như: Yên Bái hỗ trợ 4 triệu đồng/nái hoặc đực giống khi mua tái đàn. Vĩnh Phúc hỗ trợ 2 triệu đồng cho một con nái tái đàn. Thành phố Hà Nội hỗ trợ cho 5 triệu/nái khi mua tái đàn. Hưng Yên hỗ trợ 01 triệu đồng khi mua lợn nái và 500.000 đồng cho mỗi cơ sở để mua vật tư, men vi sinh để phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi...

Nhập khẩu thịt lợn không dễ

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một trong những giải pháp nhằm đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn trong nước là tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt lợn không dễ do nguồn lợn của cả thế giới giảm.

Tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 01/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019. Do đó, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Giá lợn hơi sẽ giảm khi nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan - Ảnh 2.

Phun tiêu độc khử trùng cho lô lợn giống nhập từ Thái Lan để phục vụ việc tái đàn, từ đó bình ổn giá lợn hơi.

Trung Quốc cũng bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt lợn; giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn. 

"Tuy có nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu thịt lợn nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chủ động, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Kết quả trong 5 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 70.000 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019" - Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, việc cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan bảo đảm an toàn dịch bệnh về Việt Nam từ ngày 12/6/2020 để giết mổ sẽ góp phần tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường. 

"Trong thời gian qua, giá lợn hơi đã giảm xuống 82.000 đến 90.000 đồng và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 


Đến nay, đã có trên 99% số xã đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn (Việt Nam trong 12 tháng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, so với Trung Quốc mất hơn 17 tháng và hiện nay dịch bệnh vẫn đang xảy ra tại nước này).

Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Hiện nay, cả nước chỉ còn 183 xã (1%) của 15 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày (trên 95% số xã của 15 tỉnh, thành phố này đã công bố hết dịch).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem