Bỏ phố về hồ Thác Bà nuôi cá ngạnh, kéo lưới lên cá quẫy ầm ầm

Thứ năm, ngày 02/01/2020 13:25 PM (GMT+7)
10 năm sau làm thuê đất Hà thành, Hứa Văn Quang - thanh niên người Tày ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình (Yên Bái) có vỏn vẹn 40 triệu đồng để về quê nhà trong khao khát được "làm thuê” cho chính mình. Ngày ở Hà Nội, rong ruổi bên sông Hồng, thấy người ta nuôi cá lồng; quê nhà Phúc Ninh - nơi ven hồ Thác Bà, đất ít, nước nhiều; cá lồng trên hồ là điều duy nhất thanh niên ấy nghĩ được lúc trở về năm 2016.
Bình luận 0

Thời điểm ấy, ở Phúc Ninh, chưa ai nuôi cá lồng. Hứa Văn Quang nghĩ đơn giản thế này: "Phải bắt đầu từ những con số không”. Không kiến thức, không kinh nghiệm thì tìm đến người đang nuôi cá để nắm điều cơ bản nhất: địa điểm đặt lồng, làm lồng, con giống, chăm sóc…  

Ít vốn, thì làm nhỏ thôi: 2 lồng, và tự tay ghép lồng, việc này Quang làm được, bởi tay nghề 10 năm từng ở xưởng sửa chữa cơ khí, chi phí bớt được 7 triệu đồng mỗi lồng. Vẫn bởi ít tiền, Quang đương nhiên phải vay vốn, chừng phân nửa trong số 80 triệu đồng ban đầu. 

img

Hứa Văn Quang bước đầu hiện thực hóa ước mơ “làm chủ cuộc đời” với mô hình nuôi cá lăng, cá ngạnh trong lồng ở hồ Thác Bà.

Quang chọn nuôi cá nheo, vì thấy bảo cá này lớn nhanh. Đúng vậy, nhưng chúng cũng nhanh đói, đánh nhau, rồi thiếu ô xy bởi Quang "tham” làm nên thả những 3.000 con trong 2 lồng. Sau lứa đầu tiên mà cá chết đến 2/3, Quang mới có kinh nghiệm về những điều này. Lứa này, Quang bán lặt vặt suốt, chẳng nổi tấm món, mãi đến cuối lứa mới thu được 20 triệu đồng một lúc, chắt chiu làm vốn cho lứa sau. 

Lứa cá tiếp, Quang làm thêm 2 lồng, bỏ cá nheo nuôi cá lăng, cần mẫn theo các lớp kỹ thuật chăn nuôi cá liên quan ở xã; chịu khó lần mò nguồn cá giống tốt, rẻ; chăm chỉ hỏi thăm địa chỉ thương lái thu mua cá, cuối vụ, Quang có lời hơn 100 triệu đồng, mừng biết mấy vì có lực tái đầu tư lớn hơn 6 lồng. Quang dự kiến là nuôi tất cá nheo tiếp nhưng bỗng dưng muốn trải nghiệm với cá ngạnh - loài vốn sống trong môi trường tự nhiên của hồ Thác Bà, trước nay đất này chưa ai nuôi bao giờ. 

Quang lập luận: "Cá ngạnh nuôi lồng, việc chăm sóc sẽ đơn giản, vì vẫn là môi trường chúng vẫn sống; chúng ăn ít, nguồn chính là tôm cá nhỏ của hồ dễ dàng thu gom được nên chi phí đầu tư sẽ không lớn mà đây là loại đặc sản của vùng hồ này”. 

Thế là mua lẻ lúc vài chục con, khi cũng được nghìn con cá ngạnh giống từ những người đánh bắt cá ở hồ Thác Bà, khá mất công sức và thời gian, để 3 tháng sau, Quang có cá thả kín cả 10 lồng, cả cá ngạnh và cá lăng. Mới vậy, đã có thương lái ngấp nghé hỏi han. "Sang năm, không bất trắc gì, toàn bộ cá lăng và 50-70% cá ngạnh sẽ xuất bán được, dự tính cũng lãi tầm 300 triệu đồng” - Quang cười mong đợi.

Quang kể chuyện về cá, về hồ cái giọng lơi chơi như không nhưng đáy mắt đầy lúc vẫn chầng chậc khi nhắc những đêm hồ Thác Bà. Hồ Thác Bà mênh mông, miên man ì oạp tiếng nước vỗ mạn thuyền và xoàm xoạp lũ cá quẫy đạp giữa muôn trùng thăm thẳm đêm buông, chỉ tiếng người từ chiếc radio làm bạn -  gần nghìn đêm như thế Quang đã đi qua. 

Tận cùng cô quạnh trong những đêm hồ Thác Bà, có lúc thanh niên đương độ 30 ấy muốn bỏ cá, bỏ hồ. Nhớ những nhọc nhằn lúc làm thuê xứ người, nhớ những "khát khao dữ dội” lúc bắt đầu trở về, ý định từ bỏ lại chìm xuống, như con nước mặt hồ lúc lặng yên không sóng, để sáng mai ra, lại lụi cụi với ba bữa ăn tự nấu trên chiếc thuyền nhỏ, lại cần mẫn với mấy nghìn con cá… 

Giờ, thêm 3 thanh niên khác cùng đặt lồng nuôi cá quanh đó, vì Quang rủ làm cùng và thấy Quang làm được. Quang có thêm niềm vui để kiên trì với cá, với hồ. Quang còn muốn thử cả nuôi cá eo ngách, trên diện tích cỡ tầm 3 ha mặt nước… 

Và hình như, Quang nỗ lực như để chứng mình điều này: "Làng mình, chừng 80% thanh niên ly hương tìm việc, bởi nghĩ ở quê nhà vất vả mà khó lòng khấm khá. Mình thì thấy trở về là điều đúng nhất từng làm. Có thử thách, vấp váp nhưng được làm chủ cuộc đời mình”.

Chọn lựa tiếp tục bước đi sau thất bại, dù có phải rẽ theo rất nhiều lối để đến một ngày, những con người ấy có quyền định nghĩa lại khái niệm "thất bại” đã đi qua. Họ gọi nó là những lần chưa thành công. 

Đâu đó nơi những góc quê nhà của những thanh niên chọn trở về để lập nghiệp đã chứng kiến những lần chọn lựa như thế, để sau những "bàn chân dẫm gai”, ở nơi "hoa hồng đã nở”, họ biết và họ chứng minh: quê nhà luôn là chốn đón đợi để họ có thể trở về, bắt đầu và đứng vững, nếu biết cách chọn lựa, đối mặt, đương đầu và kiên gan.

Thu Hạnh-Hoài Anh (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem