“Bộ ba” biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tin vui cho người nuôi lợn

Thu Hằng Thứ hai, ngày 07/06/2021 05:42 AM (GMT+7)
Sau những tín hiệu lạc quan về chăn nuôi an toàn sinh học, khảo nghiệm và kiểm nghiệm vaccine, thêm tin vui cho người chăn nuôi là những kết quả khả quan từ đề án "Nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi", do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Bình luận 0

Với "bộ ba" biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi sẽ yên tâm hơn trong việc tái đàn, tăng đàn lợn, phát triển chăn nuôi…

Kết quả khả quan

Đề án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành nghiên cứu làm rõ cơ chế sống sót của cá thể lợn trong các ổ dịch. Qua 17 tháng theo dõi, đến nay, đàn lợn nghiên cứu sau nhiều lứa đẻ vẫn còn kháng thể cao với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, tiến tới khả năng chúng ta sẽ có thể sẽ có những dòng lợn kháng với loại bệnh này.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để nghiên cứu các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ NNPTNT đã triển khai theo 3 hướng.

“Bộ ba” biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi  - Ảnh 1.

Chăn nuôi lợn tại một trang trại ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Kiểm

Đó là, tổng kết việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào để nâng cao sức đề kháng của con lợn. Tiếp theo là việc tổ chức nghiên cứu vaccine với sự hợp tác quốc tế. Sau thời gian nghiên cứu, Công ty cổ phần Thuốc thú y T.Ư (NAVETCO) đã có 5 đợt thử nghiệm đều thành công. 

Hiện việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đang được triển khai và dự kiến cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi.

"Kết quả nghiên cứu không những phục vụ cho tăng đàn, tái đàn, mà còn phục vụ cho chiến lược lâu dài về thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung trong điều kiện dịch Covid-19 hết sức phức tạp như hiện nay".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Một hướng nữa, đó là Bộ NNPTNT giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu làm rõ cơ chế sống sót của các thể lợn trong các ổ dịch. 

Kết quả bước đầu sau 17 tháng theo dõi cho thấy, đàn lợn sống sót được lựa chọn làm nái đã phát triển và sinh sản bình thường sau nhiều lứa đẻ ngay tại một số cơ sở đã từng xảy ra dịch. 

Lợn nái và lợn con sinh ra đều có hàm lượng kháng thể kháng virus dịch tả lợn châu Phi tương đối cao. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đang tiến hành thu mẫu của những cá thể tồn tại trong các ổ dịch để tìm hiểu sâu hơn nữa cơ chế kháng dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đỗ Văn Quý - chủ trang trại lợn ở thôn Đình Dù, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), một hộ chăn nuôi tham gia nghiên cứu của đề án, cho biết: Hiện trang trại nuôi khoảng 60 con lợn nái được chọn lọc, nhân giống trên cơ sở các con lợn sống sót sau khi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, hoặc sống khoẻ mạnh bình thường ngay trong ổ dịch khi bùng phát. Đến bây giờ, đã có những con lợn nái qua 3-4 lứa đẻ và vẫn khoẻ mạnh.

Hỗ trợ tích cực cho công tác tái đàn

Về hướng nghiên cứu, ông Phạm Kim Đăng - Trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Khoa đã tiến hành thực hiện đề tài "Nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi của một số cá thể lợn sống sót trong ổ dịch".

Mục tiêu của đề tài là tìm ra những bằng chứng khoa học về cơ chế kháng tự nhiên của đàn lợn sống sót trong các ổ dịch. 

Kết quả đề tài sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng giải pháp, phục vụ trong chỉ đạo sản xuất và định hướng, khuyến cáo người chăn nuôi phòng chống dịch tả lợn châu Phi. 

Các nhà khoa học đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước xây dựng các giả thuyết nghiên cứu. Sau khi thảo luận các nhà khoa học thống nhất có 3 giả thuyết.

Giả thuyết thứ nhất là hiện tượng đề kháng tự nhiên do các cá thể đó có nhiễm virus nhưng đề kháng cá thể tốt, nồng độ virus thấp nên không những không biểu hiện bệnh mà còn kích thích cơ thể sản sinh kháng thể kháng virus dịch tả lợn châu Phi.

Giả thuyết thứ hai là đề kháng không đặc hiệu: Là kết quả của khả năng tự sản sinh các chất chống sự nhân lên của virus như interferon hoặc tác động của các giải pháp chăn nuôi như: Chăm sóc, dinh dưỡng, môi trường, các biện pháp vệ sinh thú y tốt giúp cơ thể có sức đề kháng cao có thể vượt qua dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng.

Giả thuyết thứ ba là đàn lợn sống sót do có vật liệu di truyền liên quan đến kháng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Đăng, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu trên thế giới được Việt Nam tiếp cận đầy đủ và toàn diện như thế. Sau 17 tháng triển khai Đề án "Nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi" sàng lọc từ 1.000 con lợn sống sót sau các ổ dịch tại 3 cơ sở chăn nuôi trên cả nước cho thấy, cá thể lợn nái đẻ đến lứa thứ tư vẫn còn nguyên kháng thể dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt trong một số trường hợp, kháng thể này kéo dài đến 12 tháng tuổi trong những lứa lợn mới được sinh ra.

Kết quả này là tin vui với các hộ chăn nuôi trong tái đàn, giúp giảm bớt những thiệt hại nặng nề trong các đợt dịch tả lợn châu Phi đã từng xảy ra. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem