Bình Phước: Nhiều nông sản điêu đứng vì Covid-19, đặc biệt có loại trái đặc sản rất đắt hàng, mỗi cây "đẻ" 5-6 tạ quả

Trần Khánh Thứ ba, ngày 08/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Khi nhiều mặt hàng nông sản đang điêu đứng, không có đầu ra vì Covid-19, bơ sáp Mã Dưỡng của nông dân Bình Phước hái tới đâu, thương lái thu gom tới đó.
Bình luận 0

Từ nhiều năm nay, giống bơ sáp Mã Dưỡng của ông Dường Nhộc Sáng (tên thường gọi là ông Dương Mã Dưỡng) ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng đã trở thành giống bơ đặc sản của Bình Phước.

Bơ sáp Mã Dưỡng đặc sản, bán giá cao

Ông Dường Nhộc Sáng cho biết, đây là loại bơ sáp cho năng suất cao. Bơ trồng 3 năm là cho trái bói; mỗi cây sẽ cho thu hoạch hơn 100 kg trái. Đến năm thứ 5, mỗi cây có thể thu được từ 200-300 kg trái.

Ông Sáng trồng bơ từ năm 1997. Những gốc bơ lâu năm trong vườn của ông Sáng có thể cho thu hoạch từ 500–600kg trái. Mỗi trái nặng từ 700gram đến 1kg/trái.

Ông Dường Nhộc Sáng chăm sóc vườn bơ sáp Mã Dưỡng đặc sản của mình ở Bình Phước. Ảnh Trần Khánh.

Ông Dường Nhộc Sáng chăm sóc vườn bơ sáp Mã Dưỡng đặc sản của mình ở Bình Phước. Ảnh Trần Khánh.

Không chỉ có chất lượng vượt trội, cây bơ Mã Dưỡng ở Bình Phước còn có một lợi thế khác là vào vụ thu hoạch sớm hơn bơ các vùng trồng khác.

Trong khi các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch bơ thì các vườn trồng bơ sáp Mã Dưỡng ở Bình Phước đã thu hoạch gần hết. 

"Cũng nhờ lợi thế này, bơ sáp Mã Dưỡng luôn bán được giá tốt", ông Sáng nói.

Mỗi năm, bơ sáp Mã Dưỡng ra 2 đợt trái. Đợt một vào khoảng tháng 5-6 âm lịch. Đây là vụ thuận, giá bơ dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, cao điểm có thể lên đến 65.000 đồng/kg.

Đợt thu hoạch thứ hai vào tháng 11 âm lịch (vụ nghịch). Vụ này sản lượng ít nên giá bơ sáp có thể lên đến 130.000 đồng/kg.

Ông Dường Nhộc Sáng (phải) bên vườn bơ sáp Mã Dưỡng đang cho thu hoạch. Ảnh Vũ Nguyện

Ông Dường Nhộc Sáng (phải) bên vườn bơ sáp Mã Dưỡng đang cho thu hoạch. Ảnh Vũ Nguyện

Vụ thuận năm nay, ông Sáng bán bơ sáp Mã Dưỡng loại 1 với giá dao động từ 55.000- 60.000 đồng/kg; các loại khác cũng từ 25.000-40.000 đồng/kg.

Ông Sáng đang trồng khoảng 8ha bơ sáp Mã Dưỡng. Trung bình 1 cây bơ trưởng thành (5 năm tuổi) có thể cho thu hoạch hơn 300 kg trái. Mỗi năm, bơ cho trái 2 đợt. 

Ông Sáng đánh giá, khi các loại trái cây khác đang gặp khốn khó đầu ra vì Covid-19 thì cây bơ sáp Mã Dưỡng đang có giá bán và cho thu nhập khá tốt trong các loại cây trồng.

Từ 2 năm nay, dù Covid-19 liên tục gây ảnh hưởng đến thị trường nhưng bơ Mã Dưỡng không bị ảnh hưởng nhiều.

Mỗi ngày, ông và các nông dân trong nhóm liên kết xuất ra mấy chục tấn trái, thương lái vẫn bao hết. "Thương lái thu mua còn nhanh tay hơn tốc độ lây của Covid-19. Đến giờ thì hết vụ, vườn nhà tôi cũng hết sạch trái rồi", ông Sáng nói.

Giữ uy tín cho bơ sáp Mã Dưỡng

Để có được thành quả này, ông Sáng cho rằng người trồng phải có kỹ thuật trồng thâm canh, chăm sóc tốt, và trồng theo hướng sinh học để đảm bảo chất lượng sạch, an toàn.

Ông Sáng ở trại giống bơ sáp Mã Dưỡng của mình. Ảnh Quang Trung

Ông Sáng ở trại giống bơ sáp Mã Dưỡng của mình. Ảnh Quang Trung

Ví dụ, mỗi cây bơ sáp Mã Dưỡng cho ra rất nhiều hoa và đậu nhiều quả nhưng ông Sáng chỉ chọn giữ lại những trái khỏe mạnh nhất ở mỗi cành.

Với những thương lái đã quen với trái bơ sáp Mã Dưỡng, họ thường ưu tiên chất lượng trước, sau đó mới tới số lượng.

Ông Sáng kể, một số nơi vẫn có thói quen: Khi thị trường được giá là hái bán trái non bán. Việc này không mang lại hiệu quả lâu dài cho uy tín sả phẩm và người trồng.

Vì thế, ông Sáng nhấn mạnh: Điều quan trọng là không hái bán trái non. Bơ Mã Dưỡng Bình Phước vừa ngon vừa hái đúng tuổi nên luôn đảm bảo chất lượng.

Ngày càng nhiều nông dân trồng giống bơ sáp Mã Dưỡng và làm cả truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ảnh Trần Khánh

Ngày càng nhiều nông dân trồng giống bơ sáp Mã Dưỡng và làm cả truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ảnh Trần Khánh

Không chỉ là người làm ra giống bơ sáp mã dưỡng đặc sản mà ông Sáng còn là người cung cấp giống cây cho khắp trong và ngoài tỉnh.

Cùng với các giống bơ Booth, bơ 034, bơ sáp Mã Dưỡng ngày càng được nhiều người mua giống về trồng. Riêng khu vực trồng bơ Mã Dưỡng ở xã Phước Tân, (huyện Phú Riềng) đã có khoảng 200ha.

Ông Điểu Mơ Luê, ngụ xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng) kể, mới mua 400 cây giống bơ sáp Mã Dưỡng về trồng thử. Hiện vườn bơ đang được chăm sóc theo hướng sinh học, bón bằng phân hữu cơ.

Bơ sáp Mã Dưỡng vốn đã ngon. Nếu trồng theo hướng trái cây sạch sẽ càng được người dùng quan tâm lựa chọn. "Đó là lý do tôi quyết tâm chuyển đổi theo mô hình này", ông Điểu Mơ Luê nói.

Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Phước (trái) giới thiệu mô hình trồng bơ sáp Mã Dưỡng. Ảnh Thương Thương

Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Phước (trái) giới thiệu mô hình trồng bơ sáp Mã Dưỡng. Ảnh Thương Thương

Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết, ông Sáng là hội viên nông dân giỏi của tỉnh, luôn chủ động trong sản xuất và kinh doanh.

"Bơ Mã Dưỡng là một dòng bơ sáp, rất được thị trường ưa chuộng. Đến nay sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn đang xuất khẩu sang một số thị trường khó tính", bà Lanh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem