Bình Định: Kê khai thủy sản là yêu cầu bắt buộc theo luật, vì sao nông dân không mặn mà?

Thứ hai, ngày 04/01/2021 11:59 AM (GMT+7)
Việc kê khai nuôi thủy sản đã được quy định tại Luật Thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 02/2017/NĐ-CP…Đó cũng là cơ sở để Nhà nước xem xét hỗ trợ người nuôi thủy sản khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhưng lâu nay vấn đề này vẫn chưa được người nuôi ở tỉnh Bình Định quan tâm...
Bình luận 0

Lâu nay vấn đề kê khai nuôi thủy sản này vẫn chưa được người nuôi quan tâm, nhất là người nuôi thủy sản lồng bè; kể cả địa phương cũng chưa thực sự chú trọng.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở Hải Minh Trong (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được hình thành khá lâu do người dân tự phát, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Bình Định: Kê khai thủy sản là yêu cầu bắt buộc theo luật, vì sao nông dân không mặn mà? - Ảnh 1.

Nuôi tôm hùm là nghề chính của nhiều hộ nông dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Ngọc Nhuận (Báo Bình Định).

Tuy vậy, đến nay vùng nuôi này vẫn chưa được quy hoạch bài bản. Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng Lê Thị Ngọc Hà nhìn nhận: “Việc nuôi thủy sản đã mang lại sinh kế cho người dân, phường cũng thống kê hoạt động nuôi thủy sản tại đây để quản lý, nhưng vẫn chưa chặt chẽ lắm...".

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng Lê Thị Ngọc Hà, sắp tới, chính quyền sẽ tổ chức họp dân để yêu cầu hộ nuôi thực hiện kê khai cụ thể từng giai đoạn nuôi, như: Số lượng lồng bè, thời điểm thả giống, số lượng giống thả nuôi, thu hoạch. Có như vậy mới quản lý chặt chẽ, vì khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra một số người nuôi cố tình khai khống thiệt hại để mong được hỗ trợ nhiều, dẫn đến thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) được xem là “thủ phủ” nuôi tôm hùm trong tỉnh Bình Định, nhưng việc thống kê của địa phương cũng chỉ dừng lại ở số lượng bè nuôi, con giống thả nuôi đầu vụ, sản lượng tôm thương phẩm trong kỳ thu hoạch chung cả xã. 

Ông Nguyễn Xuân Bá, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm hùm xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chia sẻ: “Bà con nuôi tôm thường có suy nghĩ kê khai rồi đến lúc xảy ra thiên tai, dịch bệnh cũng không nhận được sự hỗ trợ, nên không mặn mà lắm! Do đó, chúng tôi cũng chỉ nắm bắt, thống kê hoạt động nuôi tôm ở mức số lượng tôm giống thả nuôi đầu vụ, còn quá trình nuôi diễn biến như thế nào thì không khai báo”.

Trong khi đó, theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Bình Định)-ông Nguyễn Công Bình, việc kê khai nếu thực hiện tốt sẽ giúp chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hơn hoạt động nuôi thủy sản. Quan trọng hơn là phải quy hoạch từng vùng nuôi cụ thể, rõ ràng để có cơ sở cấp chứng nhận cho người nuôi.

Đoan Ngọc (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem