"Biết cách ly là vất vả, nhưng mình chịu khó một chút..." (Bài cuối)

Vinh Duy Thứ sáu, ngày 14/05/2021 09:44 AM (GMT+7)
Xe y tế vừa dừng, 6 cái bóng trong bộ quần áo bảo hộ y tế bùng nhùng vận chuyển từng chiếc vali quần áo, sữa, hoa quả… Chị vợ bế trên tay cậu con trai chưa đầy 5 tuổi còn đang ngái ngủ, anh chồng cặm cụi làm các thủ tục cần thiết để vào khu cách ly.
Bình luận 0

Nửa đêm xe cứu thương đón đi cách ly

Điện Biên bước vào "trận chiến" dịch Covid-19 ác liệt nhất, trường học, nhà nghỉ... được trưng tập làm khu cách ly. 

Với số lượng người là F1, F2 lớn do tiếp xúc với các bệnh nhân 3147, 3353, 3096, lực lượng quân đội, y tế đã rất vất vả để truy vết, đưa người đến các cơ sở y tế cách ly. Những ánh đèn xe cấp cứu nhấp nháy liên tục, dừng ở nhà nào là mọi người biết gia đình đấy có người đưa đi cách ly tại các khu tập trung.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Không kể ngày đêm, nắng mưa… các cơ quan chức năng luôn khẩn trương truy vết các trường hợp là F1, F2. Sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và đưa các trường hợp F1 đến các cơ sở cách ly của tỉnh".

Chuyện vui buồn trong khu cách ly Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, kiểm tra các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Khu cách ly tự nguyện Pe Luông (huyện Điện Biên) lúc này đã 2h đêm, đối nghịch với cảnh những người cách ly đang ngon giấc là đội ngũ y bác sỹ, quân đội trực tất bật như con thoi để chuẩn bị đón tiếp người vào cách ly. 

Xe y tế vừa dừng, 6 cái bóng trong bộ quần áo bảo hộ y tế bùng nhùng vận chuyển từng chiếc vali quần áo, sữa, hoa quả… Chị vợ bế trên tay cậu con trai chưa đầy 5 tuổi còn đang ngái ngủ, anh chồng cặm cụi làm các thủ tục cần thiết để vào khu cách ly. Đó là gia đình của anh Phạm Văn Hiến, F1 của bệnh nhân 3096.

Anh Hiến tâm sự: "Tối ngày 29/4, gia đình có đi ăn cơm cùng quán với bệnh nhân 3096, tuy ngồi xa bàn của bệnh nhân này, nhưng khi có thông báo truy vết của cơ quan y tế, tôi đã tự nguyện khai báo. Biết là vào khu cách ly sẽ vất vả trong chuyện sinh hoạt gia đình vì tôi còn 2 con nhỏ đi theo. Nhưng vì an toàn cho gia đình, cho cộng đồng, mình chịu khó một chút".

Chuyện vui buồn trong khu cách ly Covid-19 - Ảnh 2.

4 cháu nhỏ con anh Hiến, anh Toàn vẫn vô tư chơi trong khu cách ly tập trung.

Trong khu cách ly tự nguyện Pe Luông có gần 100 người là F1 của các bệnh nhân, vài người một phòng. Họ đến từ thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Ngoài khu cách ly này, tỉnh Điện Biên còn thành lập nhiều khu cách ly khác để đón hàng nghìn người đến cách ly tập trung.

Mặc dù cuộc sống bị đảo lộn nhưng mọi người sẵn sàng đón nhận. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Toàn, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Những ngày đầu vào đây, cuộc sống của gia đình bị thay đổi nhiều. Các cháu chưa quen với môi trường cách ly tập trung nên rất vất vả. Nghĩ thương bọn trẻ con, nhưng biết làm sao được. Ở nhà mình khác, còn vào đây, tất nhiên điều kiện không thể bằng nhà mình được, nhưng mình phải khắc phục".

4 đứa trẻ con anh Hiến, anh Toàn đang tuổi ăn, học, vào khu cách ly nhưng bọn trẻ vẫn mang theo sách để bố mẹ kèm học. Các cháu đã được nghỉ hè, nhưng bài tập thầy cô giáo giao qua mạng vẫn được bố mẹ hướng dẫn làm. Ngoài thời gian học, làm bài tập các con lại vô tư chơi đùa.

"Những ngày đầu các cháu chưa quen, nhớ ông bà, cứ đòi về. Nhưng bây giờ quen rồi, các cháu lại thích ở lại" anh Hiến chia sẻ.

Chuyện vui buồn trong khu cách ly Covid-19 - Ảnh 3.

Chị Oanh, vợ anh Hiến hàng ngày vẫn hướng dẫn con gái làm bài tập tại khu cách ly.

Không giống như anh Hiến, vợ chồng chị Đặng Thị Hồng là F1 của bệnh 3353, phải để 2 con nhỏ ở nhà với ông bà rồi vào khu cách ly. Hằng ngày, vợ chồng anh vẫn gọi điện qua FaceTime cho các con. Cậu con trai nhỏ của chị Hồng mới 6 tuổi, không biết bố mẹ phải đi cách ly, vẫn đòi khi nào bố mẹ về đưa đi siêu thị mua đồ chơi...

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồng cho biết: "Hai vợ chồng đi cách ly, rất lo cho bố mẹ và các cháu ở nhà vì đều là F2. Các cụ tuổi cao, lại có bệnh nền, các cháu thì nhỏ. Nhưng biết làm sao được, mình phải cố gắng. Ngày nào, tôi cũng điện về xem tình hình sức khỏe ông bà, động viên con cái". Theo chị Hồng, công việc của gia đình chị cũng bị ảnh hưởng. Khách sạn tạm thời đóng cửa, nhân viên cách ly tại khách sạn.

Ánh mắt đỏ ngầu, dáng vẻ mệt mỏi, là hình ảnh của ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khi vào thăm các khu cách ly. Ông Bằng chia sẻ: "Diễn biến dịch lần này rất phức tạp, vì thế không thể chủ quan được. Tôi thường xuyên đến các điểm cách ly, vừa chỉ đạo, vừa động viên anh em làm nhiệm vụ và những người cách ly tại đây. Dù biết điều kiện sinh hoạt tại các khu cách ly còn khó khăn nhưng tỉnh đã làm hết sức để những người cách ly có bữa ăn, giấc ngủ tốt, đảm bảo sức khỏe". 

Theo ông Bằng, tại tất cả các khu cách ly, ngoài công tác chuyên môn do cơ quan y tế đảm nhận thì việc tiếp tế hậu cần, thực phẩm được giao cho lực lượng quân đội.

Những bữa ăn tuy đạm bạc, nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho những người trong khu cách ly. Với khẩu phần ăn 40.000 đồng/suất, được phục vụ tận nơi, giúp mọi người ăn uống thoải mái. Họ cũng thường xuyên thay đổi thực phẩm, giúp mọi người ăn ngon miệng.

Xử lý công việc qua mạng

Mỗi người một công việc, nhưng khi phải đi cách ly tập trung, họ đều chuẩn bị sẵn cho mình một tư tưởng dù ở đâu vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Ông Lê Hồng Quang là chủ của một doanh nghiệp phải đi cách ly tập trung, toàn bộ nhân viên văn phòng phải cách ly tại nhà do là F2 của ông Quang. Nhưng mọi công việc của công ty đều được ông xử lý qua mạng. 

Ông Quang chia sẻ: "Không thể vì một mình mà ảnh hưởng đến công việc chung. Ở khu cách ly, mọi công việc của công ty đều được tôi xử lý qua mạng, những công trình đang thi công được cán bộ kỹ thuật gửi hình ảnh qua zalo, facebook để trao đổi và tôi duyệt.".

Chuyện vui buồn trong khu cách ly Covid-19 - Ảnh 5.

Anh Lê Hồng Quang đang xử lý công việc của Công ty qua mạng ngay tại khu cách ly.

Hay như anh Hiến, dù phải đi cách ly nhưng công việc của anh không hề bị gián đoạn. Anh vẫn hằng ngày vào máy tính, cập nhật, xử lý các loại văn bản mà cấp trên giao, đồng thời chỉ đạo nhân viên, thực hiện các nhiệm vụ của phòng, không để tồn tại những văn bản, giấy tờ…

"Công việc của tôi làm tư vấn, thiết kế, nhiều việc có thể xử lý qua mạng được, nhưng có những việc mình phải đi thực địa… vì thế đành khất hẹn chủ đầu tư", anh chia sẻ.

Công việc xử lý qua mạng nhiều khi cũng có những chuyện "cười ra nước mắt" do mạng internet tại khu cách ly tập trung chủ yếu sử dụng 4G. Nhiều người xử lý văn bản sắp xong, mạng yếu không gửi được, lại phải chờ. Đến lúc có mạng thì nhiều khi dữ liệu lại bị mất hết, phải làm lại từ đầu...

Khu cách ly Pe Luông mới được thành lập từ ngày 9/5, xong hiện nay sức chứa đã hết. Tỉnh Điện Biên đã thành lập thêm khu cách ly tại ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm để đón tiếp những người đến cách ly. 

Chỉ mong dịch Covid-19 sớm được khống chế, để những khu cách ly không phải làm nhiệm vụ "bất đắc dĩ", và mong người dân ở tỉnh Điện Biên cũng như cả nước sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem