Bí quyết Trung Quốc áp đảo Olympic: Cưỡng chế tập khi trẻ mới lên 3

PV Chủ nhật, ngày 12/07/2020 18:10 PM (GMT+7)
Ở Trung Quốc không ai nêu ra câu hỏi liệu một cậu nhóc 4 tuổi có bị xâm hại khi phải tham gia những khóa huấn luyện với kỷ luật sắt để chuẩn bị cho Olympic trong 10-15 năm nữa.
Bình luận 0

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, thể thao Trung Quốc đã có sự vươn mình mạnh mẽ. Họ thường xuyên nằm trong tốp đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic, có nhiều môn thi thống trị một cách toàn diện. Tuy nhiên, thay vì nhận được những lời khen ngợi và chúc mừng, thành công của Trung Quốc, giống như trong nhiều lĩnh vực khác, lại bị nghi ngờ và ghen tị.

Bí quyết Trung Quốc áp đảo Olympic: Cưỡng chế tập khi trẻ mới lên 3 - Ảnh 1.

Các VĐV Trung Quốc tập luyện từ rất nhỏ - Ảnh Getty.

Cuộc tranh cãi lớn nhất trong quá khứ liên quan tới VĐV bơi lội nổi tiếng Ye Shiwen, người đã vô địch cả hai nội dung 200 mét và 400 mét hỗn hợp một cách đầy bất ngờ tại Olympic London 2012. Thật ra, không như thành tích xuất thần của Ye tại nước Anh, đoàn thể thao Trung Quốc đã tiến bộ một cách vững chắc kể từ Olympic Atlanta 1996 tới nay. Ở Mỹ 24 năm về trước, Trung Quốc có 50 huy chương các loại, nhưng đến Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trên sân nhà, họ đã có 100 huy chương và riêng số HCV, 51 chiếc, đã nhiều hơn tổng số huy chương 12 năm trước. Cũng năm đó, Mỹ có 110 huy chương, nhưng chỉ có 36 HCV.

Tại Olympic London 2012, thành tích chung cuộc của thể thao Trung Quốc là 91 huy chương, trong đó có 38 HCV. Họ xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp, sau đoàn Mỹ (46 HCV), nhưng đứng trên chủ nhà Anh (29 HCV) và bỏ xa kỳ phùng địch thủ Nga (19 HCV).

Tới Olympic Rio 2016, thể thao Trung Quốc đã có một bước lùi so với chính mình trước đó 4 năm. Cụ thể, họ xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương (26 HCV), sau Mỹ (46 HCV) và Anh (27 HCV). Thế nhưng, Trung Quốc vẫn là một thế lực lớn tại thế vận hội. Bằng chứng là tại Brazil, họ có tổng cộng 70 huy chương, chỉ kém Mỹ, còn ăn đứt những Anh, Đức hay Nga…

Việc lựa chọn môn thể thao để đầu tư của Trung Quốc là rất đáng học hỏi với những nước có nền thể thao còn chậm tiến. Các nhà làm thể thao nước này cũng tuyển lựa các tài năng trẻ hết sức gắt gao và khi đã chọn được thì áp dụng một chế độ tập luyện gần như khổ sai để vươn lên đỉnh cao thế giới. Năm 2008, 38 trong số 51 HCV của họ đến từ 6 nội dung: nhảy cầu, thể dục dụng cụ, cầu lông, bắn súng, bóng bàn và cử tạ.

Nhảy cầu là môn Trung Quốc đặc biệt thành công với 7 trong 8 HCV năm 2008 và vét sạch mọi HCV ở giải vô địch thế giới 2011. Yihua Li, một cựu VĐV Olympic Trung Quốc, người từng giành 4 huy chương ở các kỳ Thế vận hội, nói chương trình huấn luyện ở Trung Quốc đảm bảo cho các VĐV những lợi thế nhất định khi bước vào thi đấu.

"Dân số ở Trung Quốc là khổng lồ và nhảy cầu là một môn phổ biến. Các VĐV của chúng tôi cũng có thể hình thích hợp cho môn này, không cao, nhưng nhanh nhẹn", bà Li nói. "Họ cũng có cơ sở tập luyện tốt nhất thế giới và dành nhiều thời gian nhất cho tập luyện". Li bắt đầu tập môn này từ năm 14 tuổi, nhưng đó là thời đã khá xưa. Bây giờ, các VĐV đỉnh cao của Trung Quốc phải nhập môn từ khi 3 hoặc 4 tuổi mới đảm bảo có chỗ đứng sau này ở Thế vận hội.

Ngôi sao nhảy cầu của Trung Quốc Qiu Bo, người có biệt danh "ngài hoàn hảo" do những cú tiếp nước gần như lý tưởng, đã bắt đầu tập những động tác nhào lộn cơ bản từ năm 1 tuổi và đến 4 tuổi đã được gửi vào một trường năng khiếu thể thao. Qiu Bo lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo khó thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nhưng giờ đã kiếm về cho bản thân hàng triệu USD nhờ thành tích thể thao vượt trội.

Một HLV người Bắc Mỹ giấu tên từng làm việc với các VĐV Olympic Trung Quốc giải thích lý do tại sao nước này thành công nhanh chóng và vang dội như vậy trên đấu trường thể thao: tập luyện bắt buộc. Không như ở các nước phương tây nơi luyện tập hay không là quyền của VĐV, ở Trung Quốc không ai nêu ra câu hỏi liệu một cậu nhóc 4 tuổi có bị xâm hại khi phải tham gia những khóa huấn luyện với kỷ luật sắt để chuẩn bị cho Olympic trong 10-15 năm nữa.

Chương trình kế hoạch hóa thể thao của nhà nước từ gốc đến ngọn cũng cho phép việc chuyển những em có năng khiếu ở những môn gần nhau, chẳng hạn từ thể dục dụng cụ, với nhiều động tác nhào lộn mềm dẻo, sang nhảy cầu, hoặc từ bắn súng sang bắn cung, một cách dễ dàng ngay từ khi còn nhỏ để đạt được kết quả cao nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem