Bí mật 2 chiến hạm đặc biệt của Mỹ trong thời chiến tranh lạnh

Thanh Tú (theo Tân Hoa Xã) Thứ bảy, ngày 01/08/2020 20:32 PM (GMT+7)
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, sức mạnh hạt nhân của Liên Xô không ngừng gia tăng làm cho Mỹ hết sức lo ngại. Để đối phó Mỹ đã cho xây rất nhiều trung tâm tác chiến hạt nhân… trong số đó bao gồm cả 2 chiến hạm chỉ huy chiến tranh hạt nhân trên biển.
Bình luận 0

Để ứng phó với các cuộc tấn công hạt nhân mà Liên Xô có thể nhằm vào lãnh thổ nước Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các tổng thống Mỹ không chỉ bố trí các trung tâm chỉ huy chiến tranh hạt nhân ở trong lòng đất và trên không, mà còn cả trên mặt biển.

Bí mật 2 chiến hạm đặc biệt của Mỹ trong thời chiến tranh lạnh - Ảnh 1.

Chiến hạm Northampton.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các vệ tinh gián điệp và các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô, trung tâm chỉ huy chiến tranh hạt nhân trên biển của Mỹ cũng chỉ duy trì được trong vòng 8 năm. Bí mật này vừa qua đã được các tờ báo lớn của Mỹ tiết lộ với công chúng và thực sự gây được sự chú ý.

Nguyên nhân ra đời

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thành công đầu đạn hạt nhân, nguyên tử và sức mạnh hạt nhân đã phát triển nhanh chóng. Trước tình hình đó, Mỹ cho rằng, bất cứ lúc nào Liên Xô cũng có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân quy mô nhằm vào lãnh thổ Mỹ, gây ra hậu quả khôn lường.

Chính vì vậy, Chính phủ và quân đội Mỹ đã họp bàn và đưa ra các biện pháp ứng phó đối với cuộc chiến hạt nhân nếu như tình huống xấu  xảy ra. Trong các biện pháp ứng phó nói trên, ngoài việc xây dựng hai trung tâm chỉ huy chiến tranh hạt nhân ở dưới lòng đất và trên không, Hải quân Mỹ còn thiết kế cho tổng thống 2 chiến hạm chỉ huy chiến tranh hạt nhân trên biển.

Hai chiến hạm đó mang tên Northampton và Wright với các phiên hiệu là CC-1 và CC-2 để kiểm soát và chỉ huy các lực lượng vũ trang dân chúng ứng phó với các tình huống bị tập kích hạt nhân.

Chiến hạm Northampton được nâng cấp, cải tiến từ tàu tuần dương hạng nặng với lượng giãn nước 17.000 tấn, hoàn thành vào ngày 15/4/1961. Còn chiến hạm Wright được nâng cấp, cải tiến từ tàu sân bay hạng nhẹ CLV-49 với lượng giãn nước 14.000 tấn, hoàn thành ngày 11/5/1963.

Theo kế hoạch, khi tình huống xảy ra, các trực thăng đặc nhiệm của quân Mỹ sẽ nhanh chóng đưa tổng thống từ Washington đến các chiến hạm đặc biệt này để làm nơi lánh nạn đồng thời vẫn có thể kiểm soát và chỉ huy các hành động tác chiến của quân Mỹ trên toàn cầu.

Để phục vụ việc đáp xuống của trực thăng, chiến hạm Wright có thể cho phép 3 trực thăng đáp xuống, còn chiến hạm Northampton cho phép 1 trực thăng đáp xuống.

Như vậy, khi chiến tranh hạt nhân nổ ra, trên hai chiến hạm này hoặc tại Trung tâm chỉ huy tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược và Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ, tổng thống vẫn có thể tiếp tục điều hành cả chính phủ hoạt động mà còn có thể điều động binh sĩ, ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân để phản kích, cũng như chỉ đạo, chỉ huy các hành động tác chiến của quân Mỹ trên toàn thế giới.

Theo hồi ức của một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ từng phục dịch trên chiến hạm Wright, để ứng phó với các cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ của Liên Xô, 2 chiến hạm đặc biệt Northampton và Wright được bố trí thay phiên nhau trực sẵn sàng chiến đấu lưu động ở toàn bộ vùng biển phía đông nước Mỹ.

Như vậy, 24/24 giờ, nước Mỹ luôn có chiến hạm chỉ huy chiến tranh hạt nhân ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, trong đó, chiến hạm Wright hoạt động ở khu vực Đại Tây Dương mà chủ yếu là quân cảng Norfolk ở phía đông nước Mỹ. (Norfolk cách thủ đô Washington khoảng 400 km).

Mặc dù về nguyên tắc, các chiến hạm này do Hải quân Mỹ quản lý và chỉ huy, nhưng thực tế nhân viên làm việc trên đó chủ yếu lại là các sĩ quan tham mưu tác chiến và sĩ quan cao cấp của cả Lục, Hải và Không quân Mỹ.

Bố trí các trang thiết bị đặc biệt

Với các trang thiết bị được bố trí bên trong và qua xử lý, 2 chiến hạm này có thể phòng chống được các cuộc tập kích bằng vũ khí sinh hóa và vũ khí hạt nhân, trong đó chiến hạm Northampton có hệ thống tẩy rửa cho phép nhanh chóng làm sạch các loại chất thải hạt nhân bên ngoài tàu.

Để ngăn chặn sự theo dõi của các tàu chiến Liên Xô, trên 2 chiến hạm được bố trí các thiết bị đặc biệt có thể gây nhiễu các thiết bị do thám vô tuyến điện, đồng thời hạn chế tối đa mức độ phát xạ điện từ ra bên ngoài từ thân tàu.

Hai chiến hạm trên được trang bị hệ thống thông tin hiện đại nhất thời kỳ đó với hệ thống ăngten chiều cao khoảng 50m có thể chịu được những trận gió lớn với sức gió 160km/giờ.

Hệ thống thông tin liên lạc trên tàu đảm bảo kết nối thông tin liên lạc qua điện thoại liên tục, thường xuyên từ đây với các đơn vị quân sự, dân sự tại bất cứ khu vực nào trong nước Mỹ; bảo đảm duy trì liên lạc với bất cứ quan chức nào; cho phép tiến hành liên lạc với bất cứ chiếc máy bay hoặc tàu chiến nào của quân Mỹ ở mọi nơi trên thế giới.

Mặt khác, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống này là cung cấp dịch vụ thông tin tác chiến chỉ huy cho tổng thống với các lực lượng quân Mỹ trên toàn cầu. Khi cần thiết, tại đây cũng sẽ có được các thông tin bí mật từ Phòng Thông tin nội bộ của Nhà Trắng.

Đặc biệt, chiến hạm Wright còn được trang bị hệ thống ăngten vệ tinh công nghệ cao có thể liên lạc toàn cầu qua hệ thống vệ tinh không gian. Chiến hạm này còn trang bị hệ thống cáp điện có thể bảo đảm liên lạc với bất cứ tàu ngầm hạt nhân của quân Mỹ trên các vùng biển trên thế giới.

Không những vậy, khi bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 2 chiến hạm này có thể thông suốt liên lạc với Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - cơ quan phụ trách toàn bộ việc chỉ huy tác chiến của quân Mỹ.

Trên 2 chiến hạm Northampton và Wright còn bố trí phòng riêng của tổng thống đảm bảo sử dụng trong mọi thời điểm. Để chỉ huy tác chiến toàn cầu, 2 chiến hạm này còn trang bị phòng tác chiến đặc biệt như của Bộ Quốc phòng, trong đó trên chiến hạm Wright trang bị màn hình lớn và các thiết bị đồng bộ tác chiến khác như bản đồ, sa bàn...

Trên các chiến hạm đặc biệt này luôn biên chế 1.200 người, trong đó có 200 người chuyên phụ trách thông tin liên lạc. Mặc dù đời sống trên các chiến hạm này rất căng thẳng, nhưng các loại lương thực, thực phẩm và vật chất rất đầy đủ, phong phú.

Nhiều Tổng thống Mỹ từng có mặt trên 2 chiến hạm này

Chiến hạm Northampton đã từng vinh dự được đón 3 vị tổng thống của nước Mỹ là Eisenhower, Kennedy và Johnson đến thăm. Đầu năm 1968, khi quan hệ giữa El Salvador và Honduras đang rất căng thẳng, đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, thì tháng 7/1968.

Tổng thống Johnson quyết định đến dự Hội nghị cấp cao Trung - Mỹ để điều hòa, thương lượng với lãnh đạo một số quốc gia nhằm giải quyết khủng hoảng. Khi đó, chiến hạm Wright đang đi bảo dưỡng, còn chiến hạm Northampton trong đêm nhận được thông báo khẩn cấp và 2 giờ sáng lập tức lên đường.

Nó đã đưa Tổng thống Johnson vượt qua eo biển Panama, đi vào Thái Bình Dương, cuối cùng đã đến khu vực bờ biển phía tây Nicaragua. Tại đây, Tổng thống Jonhson liên tục đi trực thăng lên bờ gặp gỡ nguyên thủ các nước El Salvador, Honduras và Nicaragua.

Nhưng các hoạt động bí mật và quan trọng của 2 chiến hạm này chỉ kéo dài khoảng 8 năm. Với sự phát triển nhanh chóng của các vệ tinh gián điệp Liên Xô, phía Mỹ cảm thấy các chiến hạm chỉ huy chiến tranh hạt nhân ngày càng không an toàn trước sức mạnh của Không quân Liên Xô.

Liên Xô còn đưa các máy bay đến tận Cuba và điều này rất dễ xác định vị trí của chiến hạm Northampton và chiến hạm Wright. Không những vậy, số lượng các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô hoạt động trên Đại Tây Dương ngày càng nhiều với tính năng tác chiến ngày càng cao.

Vì vậy, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đánh giá khả năng tồn tại của hai trung tâm chỉ huy chiến tranh hạt nhân trên biển sẽ rất ít. Đến năm 1970, 2 chiến hạm đặc biệt này đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem