Bị đề nghị truy tố, ông Nguyễn Đức Chung có thể đối mặt với hình phạt nào?

Nguyễn Đức Chủ nhật, ngày 22/11/2020 07:39 AM (GMT+7)
Luật sư cho hay, theo kết luận từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đang bị đề nghị truy tố về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước". Trường hợp hành vi được xác định là phạm tội "có tổ chức" thì các bị cáo phải đối mặt với mức hình phạt tù.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự, đối với 4 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, sinh ngày 3/8/1967, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; cư trú tại phố Trung Liệt, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983, nguyên cán bộ Công an; cư trú tại CT1- Chung cư Ecogreen, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội;

Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 28/7/1983, Chuyên viên Phòng thư ký biên tập; cư trú tại Tòa nhà T2, Chung cư Grand City, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội;

Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập; cư trú tại Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Bị đề nghị truy tố, ông Nguyễn Đức Chung có thể đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đang bị đề nghị truy tố về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Kết luận điều tra đã được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt đến các bị can và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì khi khởi tố, tạm giam ông Chung, ngoài việc bị khởi tố, điều tra về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", ông Chung còn có liên quan đến một số tội danh khác mà cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra với Công ty Nhật Cường. 

Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, đến thời điểm hiện nay, cơ quan điều tra mới chỉ kết luận ông Chung liên quan đến tội "chiếm đoạt bí mật nhà nước", còn các tội danh khác xảy ra với Công ty Nhật Cường chưa có kết luận.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật nhà nước. 

Theo đó, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự là tài liệu mật, không được phép công bố.

Bị đề nghị truy tố, ông Nguyễn Đức Chung có thể đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Việc tiết lộ thông tin điều tra, chiếm đoạt tài liệu điều tra trong vụ án hình sự sẽ bị xử lý về tội danh này. Đây là tội ghép của nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bí mật nhà nước.

Điều 337 Bộ luật hình sự 2015 quy định về mức phạt tù với tội danh "chiếm đoạt bí mật nhà nước" thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 15 năm tù.

"Trong trường hợp bị tòa án kết tội, ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm có thể phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Trường hợp hành vi được xác định là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để phạm tội hình phạt sẽ từ 5 năm đến 10 năm tù.

Ngoài ra, trường hợp tòa án kết luận hành vi của các bị cáo là "phạm tội có tổ chức", ông Chung và các đồng phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù theo quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện trung ương theo dõi giám sát và dư luận rất quan tâm. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ rất thận trọng trong việc thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Đến nay hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước đã được làm sáng tỏ nên cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can. 

Sau khi có kết luận điều tra thì hồ sơ sẽ được chuyển sang viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội để xem xét truy tố các bị can trước tòa án về tội danh nêu trên làm cơ sở để tòa án xét xử vụ án này theo quy định pháp luật.

Điều 337 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước cụ thể như sau:

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem