Bến Tre: Trồng bưởi da xanh hữu cơ theo nguyên tắc "4 khỏe" thu nhập của nông dân có "khỏe" hơn không?

Thứ hai, ngày 30/11/2020 13:07 PM (GMT+7)
Xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) là địa phương đầu tiên trong tỉnh có 5ha bưởi da xanh của 11 hộ dân trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chỉ sau 8 tháng, bưởi da xanh hữu cơ xã Tân Trung đã có doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá bán bưởi da xanh cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%.
Bình luận 0

Trồng bưởi da xanh hữu cơ

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), trong những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái của huyện phát triển khá nhanh với 1.892ha. 

Đa phần cây ăn trái được trồng xen, tập trung nhiều nhất là cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, cây dừa bao phủ toàn huyện, với diện tích 16.920ha. 

Bến Tre: Trồng bưởi da xanh hữu cơ theo nguyên tắc "4 khỏe" thì thu nhập của nông dân có "khỏe" hơn? - Ảnh 1.

Tham quan vườn bưởi trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Trí nNhân.

Huyện Mỏ Cày Nam đưa ra mục tiêu thời gian tới, toàn huyện có 30% diện tích vườn dừa thực hiện quy trình canh tác hữa cơ, trong đó có 10% được chứng nhận thực hiện liên kết tiêu thụ hiệu quả và bền vững. 70% diện tích còn lại được đầu tư thâm canh, phát triển trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập.

Cây bưởi da xanh dần trở thành cây ăn trái thế mạnh của huyện Mỏ Cày Nam. Để sản phẩm bưởi da xanh của huyện có thể phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng canh tác dừa hữu cơ đang diễn ra trên toàn địa bàn huyện, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre triển khai mô hình liên kết trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại xã Tân Trung.

Tại xã Tân Trung, bưởi da xanh có diện tích 45/125ha diện tích trồng cây ăn trái toàn xã. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, đây là mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện 5ha. 

Khi triển khai mô hình, cái khó nhất là nông dân phải thật sự “đoạn tuyệt” với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, điều mà theo thói quen sản xuất, người dân vẫn sử dụng bấy lâu nay. 

Địa bàn xã được đánh giá là nơi thích hợp, bởi có ít các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, lại có nguồn phân hữu cơ dồi dào từ hoạt động chăn nuôi heo, gà.

Về lâu dài, trồng bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS không đơn giản chỉ là sử dụng đầu vào hữu cơ thay thế đầu vào vô cơ. 

Nông nghiệp hữu cơ chú trọng tới việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo các mối quan hệ công bằng giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với môi trường sinh thái, với vật nuôi và vạn vật có liên quan.

Trồng bưởi da xanh hữu cơ được nhiều cái lợi

Mô hình liên kết trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại xã Tân Trung được chia làm hai nhóm: Nhóm Hồng Phước và nhóm Trường Tiến. 

Tham quan vườn bưởi nhà ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tân Hậu 1, xã Tân Trung, thuộc nhóm Hồng Phước, có 4 công bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn PGS, 6 công trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Sau 8 tháng trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, cây bưởi vườn nhà ông xanh tươi. Ông Phước cũng phấn khởi về sức khỏe của mình ngày càng dễ chịu hơn.

Bến Tre: Trồng bưởi da xanh hữu cơ theo nguyên tắc "4 khỏe" thì thu nhập của nông dân có "khỏe" hơn? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tân Hậu 1, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) bón phân hữu cơ cho bưởi da xanh. Ảnh: Thạch Thảo

Ông Nguyễn Văn Phước so sánh: “Tính trên 1ha đất trồng dừa xen bưởi da xanh, bình quân trồng được khoảng 300 gốc bưởi. Mỗi tháng, nông dân phải bón khoảng 250 gram phân vô cơ/gốc, tương đương 75kg phân. Cứ 10 ngày xịt 1 lần thuốc bảo vệ thực vật (nhiều loại) với khoảng 600ml, tốn vài trăm ngàn mua thuốc bảo vệ thực vật. 

Khi sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn PGS, chúng tôi được dự án (của Sở Khoa học và Công nghệ) tài trợ phân hữu cơ, được hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ phân chuồng có sẵn tại địa phương. 1 tháng xịt 1 lần dung dịch dinh dưỡng bằng thảo mộc”. 

Để trị sâu hại trên cây có múi, vườn bưởi da xanh hữu cơ sử dụng thiên địch là kiến vàng khống chế dịch hại. Đối với bệnh dưới đất như xì mủ, thối rễ dùng các chế phẩm vi sinh để quản lý nấm hại.

Ông Phước mừng vì mấy tháng nay sức khỏe của ông ngày càng tốt lên: “Bây giờ tôi mê sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đúng là nó cực thiệt nhưng sức khỏe tôi được đảm bảo, không còn lo sợ. Trước đây, khi xịt thuốc bảo vệ thực vật dù có dụng cụ bảo hộ lao động đầy đủ như khẩu trang, kính che mắt nhưng tôi vẫn bị hóc cổ, có khi đau rát mắt do thuốc rớt từ trên lá vào kẽ mắt. Tôi vào nhà uống mấy ly nước chanh cũng không hết hóc cổ, qua mấy ngày mới ăn uống nổi”.

Khi nghe mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, đa số nông dân Tân Trung chưa nghe biết. Thời gian đầu thực hiện theo tiêu chuẩn PGS, hộ trồng bưởi cũng gặp không ít hoang mang, lo lắng. 

Cụ thể, nhận xét của nhiều hộ trong thời gian chuyển đổi từ canh tác truyền thống, hoặc VietGAP qua tiêu chuẩn hữu cơ PGS, khoảng 2 tháng đầu cây bưởi da xanh bị “khựng” lại, lá nhỏ, không xanh tốt.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Tại Tân Trung, mỗi nông dân tự chọn cho mình hướng đi riêng. Xã có 35ha bưởi đang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Số còn lại canh tác truyền thống. Riêng 5ha bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, qua 8 tháng trồng, bà con nông dân đánh giá cao mô hình này. Một số hộ đã bán sản phẩm theo giá ký kết bao tiêu với doanh nghiệp. năng suất bưởi được nâng cao và bán ra dễ dàng hơn”.

Dự án đã thành lập 2 nhóm sản xuất, có sự hỗ trợ của kỹ thuật, tập huấn và đã liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường thông qua ký kết với doanh nghiệp. Giá bán bưởi da xanh hữu cơ cao hơn giá thị trường 5%. Vườn bưởi da xanh hữu cơ cho trái đẹp thưởng 10%. Liên kết Công ty Điền Trang cung cấp các sản phẩm ủ phân hữu cơ, còn lại nông dân tự ủ phân hữu cơ bổ sung cho vườn mình.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, 10 năm trở lại đây, người dân Tân Trung đã biết tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, không còn tình trạng xả chất thải chăn nuôi ra môi trường tràn lan như trước đây. Phân chuồng hiện giờ đối với người dân rất quý.

Hiện huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đang định hướng xây dựng vùng cây ăn trái (vùng liên xã) với diện tích trên 500ha, tập trung ở 5 xã: An Định, An Thới, Tân Trung, Minh Đức và Hương Mỹ.

Nông nghiệp hữu cơ có 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và cẩn trọng. Nguyên tắc sức khỏe chỉ rõ rằng, sức khỏe của mỗi cá thể và quần thể không thể tách rời khỏi sức khỏe của hệ sinh thái. Đất “khỏe” tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khỏe của vật nuôi và con người.

Thạch Thảo (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem