Bến Tre: Bí quyết trồng sầu riêng ra nhiều trái, cứ 1 công đất thu lời 100 triệu đồng, nông dân là tỷ phú

Trúc Lan (Cổng TTĐT huyện Châu Thành) Thứ năm, ngày 03/12/2020 13:04 PM (GMT+7)
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà Cao Thị Chiên (67 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Cứ 1 công đất trồng sầu riêng ở đây nông dân thu lời bình quân 100 triệu đồng/vụ.
Bình luận 0
Bà Cao Thị Chiên hiện là giáo viên hưu trí. Sau khi nghỉ hưu, bà Chiên bắt tay vào việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình lo cho con học đại học. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Chiên cho biết: “Tôi nhận thấy cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó tại ấp Hàm Luông nói riêng, xã Tân Phú nói chung có rất nhiều chị em phụ nữ giống như tôi đang trồng sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình...".

Cùng với việc tham gia công tác Hội Phụ nữ tại địa phương, bà Chiên nảy sinh ý định cùng vận động chị em thành lập Tổ hợp tác cùng nhau trồng sầu riêng để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và tạo sân chơi cho chị em phụ nữ nông thôn...

 

Bến Tre: Bí quyết trồng sầu riêng ra nhiều trái, cứ 1 công đất thu lời 100 triệu đồng, nông dân là tỷ phú - Ảnh 1.

Bà Cao Thị Chiên ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) thăm vườn trồng sầu riêng ra nhiều trái. Trong Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Hàm Luông do bà Chiên làm tổ trưởng có 6 thành viên thu nhập tiền tỷ, là tỷ phú nông dân trồng sầu riêng.

Nghĩ là làm, năm 2017, Tổ hợp tác sầu riêng Hàm Luông được thành lập với 12 thành viên chủ yếu là phụ nữ. 

Đến nay, tổ đã phát triển thêm 25 thành viên nâng tổng số là 37 thành viên, trong đó có 6 thành viên đạt mức thu nhập tỷ phú, đều là phụ nữ. 

Tổng diện tích trồng sầu riêng của Tổ hợp tác là trên 10 ha. Trong đó, 11 thành viên trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGAP với tổng diện tích 4,5 ha. Từ khi thành lập, tổ hợp tác đã góp phần tạo điều kiện để chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từ trồng sầu riêng.

 Để không ngừng mang lại hiệu quả kinh tế cho tổ hợp tác, bà Cao Thị Chiên đã cùng các thành viên xây dựng quy chế hoạt động và bà được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác. 

Theo đó, bà đã liên kết tìm công ty thuốc bảo vệ thực vật, mời kỹ sư, đại lý, công ty thu mua sầu riêng để thương lượng và ký hợp đồng mua bán cho các thành viên của tổ. 

Đến nay, bà Cao Thị Chiên đã giúp 4 thành viên của tổ hợp tác được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), tất cả các thành viên trong tổ đều được tiếp cận với các công ty thuốc bảo vệ thực vật và công ty thu mua sầu riêng, thương lái hợp đồng giá cao hơn bình thường từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. 

Thu nhập của các thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng tăng lên rõ rệt, giảm chi phí sản xuất, trái sầu riêng bán được giá cao, vì thế chị em phấn khởi, giới thiệu thêm nhiều thành viên mới vào tổ. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, năng suất sầu riêng của mỗi thành viên trong tổ bình quân đạt 2 tấn/công, mang về thu nhập trung bình hàng năm đạt 95 - 110 triệu đồng cho 1 công đất (1.000m2). 

Tâm sự với chúng tôi, bà Chiên cho biết: “Trong thời gian tới, tổ hợp tác sầu riêng Hàm Luông sẽ tiếp tục liên kết phối hợp với các nhà khoa học, kỹ sư để hỗ trợ các thành viên trồng sầu riêng chủ động nhiều biện pháp ứng phó với hạn mặn bảo toàn diện tích trồng sầu riêng hiện tại”.

Thông qua hoạt động của tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, những nội dung sinh hoạt của Hội LHPN các cấp được lồng ghép chuyển tải nhanh chóng đến chị em. Từ đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế gia đình, hăng say tham gia công tác Hội tại địa phương, đưa phong trào phụ nữ của Chi hội ấp Hàm Luông luôn đạt xuất sắc.
Hiện nay, vườn sầu riêng 7 năm tuổi của bà Cao Thị Chiên có diện tích khoảng 8.000m2 (8 công đất), trung bình 1 vụ thu hoạch được 20 tấn trái, với giá bán sầu riêng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị mang về lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm. 

Không những phát triển kinh tế gia đình nhờ trồng sầu riêng VietGAP, thời gian qua, bà Cao Thị Chiên còn chăm lo cho đời sống phụ nữ trong chi hội. 

Cụ thể, bà Chiên đã giúp đỡ được 2 chị hội viên là chị Đinh Thị Dung và chị Cao Thị Hồng Diêu là hộ nghèo làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở nên khá giàu. 

Ngoài ra, bà Chiên còn dạy kèm không lấy học phí cho 5 học sinh tiểu học nghèo, hàng năm vận động 5 suất học bổng, 10 suất học phẩm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp 30 phần quà trung thu cho thiếu nhi trong và ngoài chi hội.

Bà Hồ Thị Ngọc Cầm - Chủ tịch hội LHPN xã Tân Phú cho biết: “Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) của chị em đã trồng sầu riêng hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Hướng tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ tổ hợp tác làm thêm mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại cây trồng như: sầu riêng, chôm chôm và các món ăn đặc sản địa phương.”./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem