dd/mm/yyyy

Bảo vệ môi trường ở các HTX trồng trọt, sản xuất

Trong quá trình sản xuất không tránh khỏi sử dụng hóa chất và thải ra rác thải cho môi trường, nhất là HTX với diện tích sản xuất lớn, nên vấn đề rác thải khá nhiều.

Thời gian qua, sự phát triển kinh tế tập thể tại các HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không tránh khỏi nảy sinh các vấn đề về ô nhiễm từ chất thải. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều HTX đã áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững song song với nhiệm vụ sản xuất...

Khi ủ phân hay dùng thuốc trong trồng mai, ông Lê Văn Ky cũng như các thành viên của HTX Mai vàng xã Đông Phú luôn áp dụng các giải pháp để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường.
Khi ủ phân hay dùng thuốc trong trồng mai, ông Lê Văn Ky cũng như các thành viên của HTX Mai vàng xã Đông Phú luôn áp dụng các giải pháp để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường.

Những năm gần đây, ông Lê Văn Ky - Giám đốc HTX Mai vàng, (ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã vận động thành viên của HTX làm tốt công tác bảo vệ môi trường. “Trong quá trình sản xuất không tránh khỏi sử dụng hóa chất và thải ra rác thải cho môi trường, nhất là HTX với diện tích sản xuất lớn, nên vấn đề rác thải khá nhiều. Vì vậy, HTX đã vận động thành viên làm tốt vệ sinh tại nơi mình sản xuất, không để vì lợi nhuận mà gây nguy hại môi trường”, ông Lê Văn Ky cho hay.

Vì trong quá trình sản xuất, HTX phải ủ phân cá để tưới cung cấp chất đạm cho cây. Loại phân này có mùi khá nồng, nếu không khéo sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, HTX đã khuyến cáo thành viên mua thùng phuy về ủ, bảo quản một cách kỹ lưỡng. Bản thân ông Ky cũng ủ 2 phuy to nhưng đậy nắp kín không để phát tán mùi hôi ra môi trường.

Theo mục tiêu đặt ra, các thành viên trong HTX đều tự ý thức trong công việc. HTX có tới 9,7ha đất trồng mai nhưng khá gọn gàng, sạch sẽ, chưa bao giờ gây tác động xấu với môi trường. Bà Lê Thị Thúy, thành viên HTX, cho biết: “Nhà tôi có tới 7.000m2 trồng mai, sau mỗi vụ mai tết là phải vệ sinh vườn, mua hóa chất về xử lý, chăm sóc mai nên số lượng sản phẩm khá nhiều. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng có sử dụng nhưng điểm thu gom rác tập trung khá xa. Vì vậy, tôi đã đào sẵn một hố rác trong vườn nhà để gom các chai lọ lại một chỗ, khi nào đầy thì đốt tiêu hủy”.

Bà Trương Phạm Cẩm Quỳnh, cán bộ kỹ thuật xã Đông Phú, huyện Châu Thành cho biết: Xã có đất sản xuất nông nghiệp khá nhiều, trong đó diện tích trồng cây ăn trái chiếm đa số. Trong sản xuất, bà con sử dụng hóa chất nhiều để phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa, đậu trái nghịch vụ… nên rất cần có biện pháp xử lý.

Năm qua, chính quyền địa phương xã cùng các HTX, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhặt rác thải nông nghiệp, trồng cây xanh ven bờ ruộng… để nâng cao ý thức từng người. UBND xã đã vận động được nguồn tài trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, công ty thuốc bảo vệ thực vật tận dụng nguồn lao động tại chỗ xây dựng 6 hố chứa rác thải sinh hoạt, 4 hố thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Tiêu biểu là các HTX, người dân trong ấp Phú Thọ, xã Đông Phú còn sử dụng biện pháp bao trái kết hợp treo long não trên cây ăn trái, rau màu để quản lý rầy xanh gây hại thay vì phun thuốc định kỳ 3 ngày một lần. Biện pháp này đã tác dụng 90% hiệu quả kiểm soát dịch hại trên cây ăn trái. Ước tính mỗi vụ người dân thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Cũng sản xuất nông nghiệp, HTX Thành Lợi, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, rất chú trọng gìn giữ môi trường trong sạch. Theo đó, giải pháp mà HTX thực hiện là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất như: sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc 4 đúng; tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây đầu dòng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu, bệnh. Ngoài ra, HTX còn tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, vừa có tác dụng cung cấp nguồn phân bón tại chỗ, vừa bảo vệ môi trường, hạn chế lây lan các mầm bệnh trong quá trình canh tác.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, thành viên HTX Phú Lợi cho biết: HTX năm qua đã tổ chức được 12 lớp tập huấn trên cây ăn trái. Qua đó, thành viên và bà con trong khu vực đã được tập huấn các biện pháp sản xuất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến môi trường. HTX còn tổ chức cho thành viên thu gom các bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định. HTX còn phối hợp với địa phương, các ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động bà con trong vùng sản xuất cây ăn trái theo chuẩn an toàn VietGAP.

Để công tác bảo vệ môi trường đạt được kết quả, ông Lê Văn Ky mong rằng, trong thời gian tới chính quyền địa phương, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra các biện pháp giám sát, bảo vệ môi trường; phân bổ nhiều thùng rác tập trung, vệ sinh công cộng nhất là vùng nông thôn, nơi tập trung đông người. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hướng tới mục tiêu cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường...

Lê Hùng- T.Linh