Chuyên gia khí tượng: Ngay khi bão số 1 kết thúc, biển Đông có thể xuất hiện bão số 2 hoặc áp thấp nhiệt đới

L.V.S Thứ hai, ngày 17/07/2023 20:51 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt cách đây ít phút, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngay sau khi cơn bão số 1 kết thúc, trên Biển Đông có thể xuất hiện cơn bão số 2 hoặc một áp thấp nhiệt đới.
Bình luận 0

Bão số 1 chuyển hướng một chút nhưng tốc độ nhanh hơn, tiến sát vào biển và đất liền Việt Nam

Cập nhật tin bão số 1 mới nhất: Hồi 19 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.

Chuyên gia khí tượng: Ngay khi bão số 1 kết thúc, biển Đông có thể xuất hiện bão số 2 hoặc áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1.

Bão số 1 chuyển hướng một chút nhưng tốc độ nhanh hơn, tiến sát vào biển và đất liền Việt Nam

Tối 17/7, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết chiều cùng ngày, bão số 1 đổi hướng một chút, di chuyển theo hướng tây tây bắc (trước đó là tây bắc) với tốc độ nhanh hơn.

"Trong 3 - 4 giờ gần đây, tốc độ di chuyển của bão số 1 khoảng hơn 20 - 25 km/giờ. Bão đang đạt cường độ cực trị (cấp 12), cách khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330 km về phía đông đông nam", ông Hưởng nói, và cho biết, đêm nay 17/7, bão sẽ vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đi vào vịnh Bắc bộ.

Khi vào vịnh Bắc bộ, bão sẽ có gió mạnh, cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - cấp 12, giật cấp 15. Biển động dữ dội tại khu vực phía bắc Biển Đông. Từ sáng 18.9, khu vực bắc vịnh Bắc bộ có gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, sau tăng lên cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - cấp 11, giật cấp 13; biển động dữ dội.

Cũng từ sáng 18/7, ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - cấp 9, giật cấp 11. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

"Vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 6 - 8 m. Sáng 18/7, vùng biển vịnh Bắc bộ có sóng tăng dần, cao 2 - 4 m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình sóng cao 2 - 3 m. Nước biển dâng cao có khả năng gây ra ngập lụt ở ven biển, do triều cường và sóng lớn", ông Hưởng thông tin.

Ngay khi bão số 1 kết thúc, biển Đông có thể xuất hiện bão số 2

Tiếp tục chia sẻ với báo chí, Trưởng phòng Dự báo thời tiết thông tin thêm, ngay sau khi cơn bão số 1 kết thúc, trên Biển Đông có thể xuất hiện cơn bão số 2 hoặc một áp thấp nhiệt đới. "Hiện tại, phía nam Biển Đông xuất hiện hình thái thời tiết xấu, chúng tôi đang cảnh báo gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 3 - 5 m ở khu vực này" ông Hưởng chia sẻ.

Chuyên gia khí tượng: Ngay khi bão số 1 kết thúc, biển Đông có thể xuất hiện bão số 2 hoặc áp thấp nhiệt đới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định về cơn bão số 1 và khả năng xảy ra cơn bão số 2

Theo ông Hưởng, Hà Nội nằm ở rìa phía tây nam của cơn bão nên có khả năng xảy ra giông lốc, mưa lớn gây ra ngập úng.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, trọng tâm mưa đã thay đổi một chút so với những dự báo trước. Mưa lớn sẽ tập trung ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Khu vực tây bắc, đồng bằng Bắc bộ lượng mưa sẽ thấp hơn.

"Mưa dự kiến từ đêm 17 - 19.7, khu vực đông bắc có lượng mưa phổ biến 200 - 300 mm, có nơi trên 400 mm; khu vực tây bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ có mưa to 100 - 200 mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 70 - 120 mm. Đề phòng mưa lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái", ông Hưởng nói, và cho biết, mưa sau bão có thể kéo dài đến 2 ngày.

Ngoài mưa lớn, cần đề phòng giông lốc. Khi bão vào vịnh Bắc bộ, những vùng xa như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, cách tâm bão hàng trăm km có thể có giông, lốc mạnh.

Trên các sông suối thuộc Bắc bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ 3 - 5 m ở thượng lưu, từ 2 - 4 m ở hạ lưu. Các sông suối nhỏ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ.

"Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên", ông Hưởng thông tin.

 Hoàn lưu bão số 1 tương đối rộng, gây mưa lớn từ đêm nay 

 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, đặc điểm của cơn bão này có hoàn lưu tương đối rộng. Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở nhiều địa phương.

Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão.

Chuyên gia khí tượng: Ngay khi bão số 1 kết thúc, biển Đông có thể xuất hiện bão số 2 hoặc áp thấp nhiệt đới - Ảnh 4.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định: Hoàn lưu bão số 1 tương đối rộng, gây mưa lớn từ đêm nay

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia (Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT) cho biết, hướng di chuyển của bão số 1 phụ thuộc vào hoạt động cao cận nhiệt đới. Đây là yếu tố chính dẫn đường cho hoạt động của cơn bão số 1 này.

“Vì hoàn lưu bão rộng, cường độ mạnh nên hoàn lưu bão sẽ bao trùm cả khu vực Bắc bộ, trải rộng ra Thanh Hóa - Nghệ An. Đây là kịch bản có khả năng cao nhất, với 80%. Tuy nhiên, cũng có phương án với xác suất ít hơn là bão đi lệch cao hơn lên phía Bắc, đi men theo đất liền Trung Quốc. Với phương án này thì mưa gió tác động đến đất liền nước ta ít hơn”, ông Khiêm cho hay.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, công tác dự báo phục vụ cơn bão số 1 đã được triển khai từ rất sớm. Toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc KTTV của Tổng cục KTTV, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1 đang hoạt động ổn định và sẵn sàng quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 1.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã thường xuyên giữ liên lạc và thảo luận với các Cơ quan KTTV quốc tế để trao đổi đặc điểm bão và những tác động ở Philippines, về dự báo quỹ đạo, cường độ và ảnh hưởng có thể có của bão số 1.

Trung tâm cũng đã phối hợp các đơn vị trong Bộ, xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và Hệ thống giám sát tài nguyên nước, trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối và truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15 phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Ông Khiêm nhận định, đặc điểm của cơn bão này có hoàn lưu bão tương đối rộng. Chính vì thế cần lưu ý vấn đề lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở nhiều địa phương.

“Theo khảo sát đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, vùng mưa lớn đợt này có thể khoanh được. Quảng Ninh khoanh được 166 vị trí trong 64 xã của 13 huyện có thể có lũ quét và sạt lở đất. Lạng Sơn có 114 vị trí, Cao Bằng có 54 vị trí trong 31 xã và 8 huyện, Bắc Cạn có 307 vị trí, Hà Giang có 88 vị trí, Tuyên Quang có 92 vị trí”,  ông Khiêm thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem