Bằng cách này, doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 19/02/2021 13:58 PM (GMT+7)
Những ngày cận kề tết âm lịch, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ít nhiều có tác động đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc cho biết đã lên kế hoạch ứng phó tốt trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp…
Bình luận 0
Bằng cách này, doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp BĐS tự tin ứng phó tốt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trong năm 2021 (Ảnh: Quốc Hải)

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, năm 2021 sẽ dồn hầu hết nguồn lực phát triển loạt dự án tại các tỉnh lân cận. Cụ thể, Tập đoàn Novaland đã đánh dấu những bước đi của mình bằng việc triển khai loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… Doanh nghiệp này cũng dự kiến đưa các dự án NovaWorld Phan Thiet, NovaHills Mui Ne, NovaWorld Ho Tram bàn giao dần các hạng mục vào năm 2021. 

Ngoài ra, về dự án nghỉ dưỡng với quy mô 650 ha tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đại diện DN này cũng cho biết sẽ phát triển dự án này trong năm 2021. 

Doanh nghiệp tự tin với các dự án… "xa bờ" 

Không chỉ Novaland, nhiều "ông lớn" BĐS khác cũng cho biết đã khá "thích ứng" với đại dịch Covid-19 nếu diễn biến của dịch trở nên phức tạp. Đặc biệt, với các DN như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Nam Long, Him Lam, Thủ Đức House…. vốn là những đại gia BĐS có hàng loạt dự án tại TP.HCM trước đó, hiện cũng nhắm đến vùng đất lân cận để phát triển dự án, thậm chí đi đường dài. 

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng Giám đốc Thuduc House, cho hay, trong năm 2021 doanh nghiệp sẽ tập trung vào phát triển các phân khúc vừa phải (trên mức trung bình), để đủ đáp ứng nhu cầu để ở của người dân. Cụ thể, sẽ tập trung phát triển dự án khoảng 2.000 căn ở Bình Dương (giáp TP Thủ Đức), phát triển dự án  khu độ thị hơn 40ha ở TP Cần Thơ và phát triển dự án ở Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu). 

"Năm 20201 chúng tôi sẽ tập trung vào phân khúc có mức giá vừa phải và tập trung nhiều đến nhu cầu ở thực của người dân", ông Chinh khẳng định. 

Bằng cách này, doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp  - Ảnh 2.

Các DN sẽ chú trọng đến nhu cầu ở thực trong năm 2021 (Ảnh: Quốc Hải)

"Ông lớn" Đất Xanh cũng có những kế hoạch dài hơi trong năm 2021. Cụ thể, từ đầu quý 2/2021, dự án Opal Boulevard sẽ bắt đầu được bàn giao cho khách hàng, dự kiến mang về không dưới 500 tỷ đồng cho doanh thu năm 2021 của Đất Xanh. 

Trong năm 2021, ban lãnh đạo Đất Xanh đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 - 1.400 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức thấp năm ngoái. Các hoạt động môi giới bất động sản và bàn giao sản phẩm cho người mua nhà được kỳ vọng hồi phục mạnh khi DXG cũng có kế hoạch tiếp tục mở bán dự án GSW và Opal Skyline trong năm nay. Bên cạnh đó, DXG đặt mục tiêu triển khai trở lại dự án Gem Riverside (quận 2, TP.HCM) và mở bán 4 dự án mới (3 dự án thuộc dòng thương hiệu Opal tại tỉnh Bình Dương và dự án Lux Star tại Q7, TP.HCM) trong 6 tháng cuối năm 2021. 

Còn với Nam Long, doanh nghiệp này hiện có kế hoạch mở bán các sản phẩm mới tăng mạnh so với mức thấp của năm 2020 ít nhất 30%, chủ yếu đến từ các dự án Waterpoint Southgate, Cần Thơ 43 ha, dự án Waterfront, dự án Mizuki. 

Nên đầu tư phân khúc nào? 

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group, cho hay trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2021, ba khó khăn lớn nhất mà DN BĐS gặp phải là việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường chững lại và pháp lý vướng mắc do cơ chế cùng với các quy định chưa phù hợp. 

Bằng cách này, doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp  - Ảnh 4.

Nguồn cung dự án được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2021 khi các vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ (Ảnh: Quốc Hải)

Đối với việc tiếp cận nguồn vốn, chính DN phải chủ động và lên tiếng để cơ chế, chính sách về thị trường tài chính, ngân hàng được thấu hiểu và thay đổi giúp DN tiếp cận dễ hơn. Đồng thời, DN phải đảm bảo tài sản, kế hoạch rõ ràng, hoạt động kinh doanh vững chắc, càng dự phòng được nhiều tình huống thì càng chủ động hơn để khắc phục. Thêm vào đó, chính lúc này, DN phải cải tổ, cơ cấu lại và tìm ra hướng đi mới. 

Đặc biệt, thay vì "co lại" thì DN nên thích nghi với hoàn cảnh mới, mở rộng lĩnh vực để bù đắp các lĩnh vực đang khó khăn, đổi mới loại hình sản phẩm, dịch vụ… 

Riêng với vấn đề pháp lý, DN cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi và kiến nghị với các cơ quan chức năng một cách chủ động để chính quyền có thể nắm rõ, hiểu rõ khó khăn và điều chỉnh lại các quy định cho phù hợp. 

"Tôi tin rằng sự chủ động của DN và sự sáng tạo, thích nghi nhanh là phương cách giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển trong giai đoạn khó khăn này", ông Khang nói. 

Nên đầu tư vào đâu trong bối cảnh nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp? Đó là câu hỏi được giới đầu tư quan tâm. 

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như dịch bệnh khó kiểm soát và diễn biến bất thường, các hoạt động giao dịch BĐS sẽ chậm lại. Theo đó, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nhiều nhất, phân khúc BĐS cao cấp cũng bị tác động nặng nề. Vì thế, các nhà đầu tư càng thận trọng rót tiền vào BĐS. 

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, đất nền dự án, đất thổ cư và BĐS nông nghiệp sẽ không bị tác động xấu từ dịch bệnh. Ngược lại, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào các phân khúc này, tạo thành lực đẩy cho toàn thị trường. Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn tiếp tục được duy trì kết quả giao dịch khả quan khi ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Riêng phân khúc BĐS thương mại cũng chao đảo khi cầu của nền kinh tế xuống thấp, còn BĐS công nghiệp không đủ lực để tăng trưởng cho gián đoạn, đứt gãy giao thương toàn cầu", ông Hiếu dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem