Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết của những người nông dân gần tâm dịch

Dương Anh Thanh Thứ năm, ngày 18/02/2021 09:00 AM (GMT+7)
Ở nơi là vựa hành, tỏi lớn của Miền Bắc, cả một vùng lúc này không khí tết có vẻ trầm mặc hơn. Vì dịch bệnh mà nhiều nhà con cái, vợ/chồng, cháu chắt, không thể về với quê nhà để ăn Tết.
Bình luận 0

Với việc không tụ tập đông người, Tết năm nay đến trong yên bình và bình dị lắm – nhà nào ở nhà đó. Có hay chăng đi tới nhà này nhà kia chốc lát rồi về. Ai cũng đeo khẩu trang và chấp hành đúng luật. Nếu như mọi năm,câu chúc Tết lúc nào cũng mở đầu là tiền bạc, vụ mùa bội thu thì năm nay đặc biệt vì nó mở đầu bằng chúc sức khỏe, khỏe để có sức chống lại với dịch. Có sức khỏe để làm việc, vực lại kinh tế sau một năm trì trệ. Có sức khỏe là có tất cả!

Sau cơn mưa tầm tã suốt cả một ngày 27 Tết, nắng lại lên. Nắng nhuộm một màu vàng nồng ấm lên khắp nơi – báo hiệu cho một vụ mùa đại thắng. Nắng lên làm công việc của những người nông dân thêm gấp gáp hơn, khẩn trương hơn cho công việc thu hoa màu vụ đông và dọn ruộng cho một vụ mùa mới (vụ Chiêm Xuân).

Tết có đang đến gần mà việc đồng chưa yên, thì người dân nơi đây vẫn không thể ăn Tết ngon được. Đối với bà con ở đây, Tết này khác lắm. Nằm ở vị trí xa tâm dịch Chí Linh, thế vì nhưng cũng có các F1,F2 rải rác ở các làng, các xã bên nên họ cũng ít tiếp xúc và ít đi lại, ít mua bán. Không khí Tết đến chậm nhưng không khí tấp nập trên đồng ruộng lại đầy ắp. Tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng máy chạy, tiếng lạch cạch vang trời của những chiếc xe kéo...

Chiều 30 Tết, trên các nẻo đường cờ hoa rực rỡ. Bà con vui đùa với nhau rằng : "30 chưa phải là Tết". Rồi trên mặt ai cũng nở một nụ cười vui tươi, ẩn sau những băn khoăn mệt mỏi. Chưa có Tết năm nào  mà ngày 30 Tết rồi bà con vẫn còn ra đồng nhiều như năm nay. Có lẽ cũng bởi vì dịch bệnh khiến cuộc sống có phần đảo lộn và khó khăn hơn trước.

Ngày mùng 1, đã có không ít người dân ra đồng làm việc. Ảnh: DAT

Ngày mùng 1, đã có không ít người dân ra đồng làm việc. Ảnh: DAT

Mùng 1 mùa xuân năm nay cũng không còn rôm rả, đường xá thật vắng lặng. Đến tiếng đài radio năm nào cũng inh ỏi, giờ cũng trở nên yên ắng. Tết mùa dịch bệnh, dường như nhà nào cũng bình dị hơn, trầm mặc hơn.

Trái với vẻ đìu hiu này, bà con quyết định ra đồng sớm hơn mọi năm. Không tấp nập như những ngày trước đó, nhưng lác đác đã có bà con ra đồng sớm. Ở nhà không làm gì, con cái, người thân vì dịch Covid -19 không về được, nhà này lại không thể đến nhà kia chúc Tết, trong khi việc đồng áng chưa xong, theo cách bà con hay gọi là "nóng ruột". 

Quang cảnh Mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu ở một cánh đồng tại Kinh Môn, Hải Dương (Ảnh DAT)

Quang cảnh Mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu ở một cánh đồng tại Kinh Môn, Hải Dương (Ảnh DAT)

"Bình thường mới" - khái niệm này xa lạ với bà con dân quê. Nhưng không phải vì thế mà bà con không thể thích ứng kịp. Cách họ chọn không phải là đón Tết như mọi năm, mà là chọn lao động để vơi bớt phần nào nỗi buồn của Tết mùa dịch. Nhang còn đỏ, đèn còn sáng, bàn thờ còn thơm mùi hoa tươi. Thế nhưng, ra đồng từ mùng 1 Tết nghĩa là Tết hết rồi, guồng quay của một năm mới vất vả lại bắt đầu. 

Tết năm nay cứ đến chậm chậm, rồi lại qua quá nhanh như thế. Đối với bà con, không ăn Tết sớm thì ăn Tết muộn, đông đủ con cháu thì lúc nào cũng có thể là Tết. Nhưng hoa màu thì không để lâu như vậy được. Những chiếc xe kéo đầy ắp lại bon bon trên những con đường bê tông, trở trên đó là thành quả của mồ hôi, công sức của bà con suốt cả một vụ trời chăm bón, vun trồng. Trông trời trông đất, trông ngày trông đêm,...

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết của những người nông dân gần tâm dịch - Ảnh 4.

Mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu, người dân đã nhộn nhịp lao động trên một cánh đồng tại Kinh Môn, Hải Dương ( Ảnh DAT).

Tết thời Covid thật đặc biệt, mọi thứ dường như chậm lại so với nhịp bình thường. Từ không khí, đến cảm xúc của con người, đều là một cảm giác hết sức trầm lặng. "Tết thì năm nào cũng sẽ đến, không ăn Tết này thì ăn Tết sau. Chỉ cần hết dịch cho bà con còn làm ăn yên ổn, vậy là tốt rồi" - họ bảo nhau như thế. 

Ngoài kia đào, mai đã nở rộ rồi – một mùa Tết đang dần qua, một năm mới với rất nhiều hy vọng mới lại tới. Đất nước chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh như chúng ta đã từng làm được trước đó. Hương đào, hương mai có thể tàn đi nhưng hương vị của chiến thắng dân tộc trước đại đại dịch này thì sẽ còn mãi. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Dân tộc ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh này, để mang mùa xuân yên bình về cho đất nước, cho mọi người.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:

1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

Thể thức cuộc thi viết:

- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).

- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem