Bãi bỏ bảng giá đất có thể kéo giá nhà ở giảm xuống

28/09/2020 06:28 GMT+7
HoREA cho rằng việc tăng bảng giá đất sẽ kéo giá nhà ở tăng theo. Do đó, nếu bãi bỏ bảng giá đất, có thể kéo giá nhà ở giảm xuống.

Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hoan nghênh đề xuất của UBND TP.HCM tại Văn bản số 3461/UBND-ĐT ngày 9/9 kiến nghị các bộ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng xem xét bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa. Điều này sẽ giúp xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tránh thất thu thuế nhà đất đối với các trường hợp áp dụng theo bảng giá.

Bên cạnh đó, HoREA cũng chỉ ra tác động của khung giá đất và bảng giá đất đến thị trường bất động sản.

Thứ nhất, khung giá đất và bảng giá đất có tác động đến thị trường bất động sản. Việc tăng bảng giá đất sẽ kéo giá nhà ở tăng theo.

Giá cả được hình thành theo quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung - cầu và phụ thuộc vào tâm thế thị trường, tâm thế của các chủ thể giao dịch tại thời điểm giao dịch. Do vậy, giá cả thị trường luôn là một biến số.

Giá thành nhà ở bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất thường chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ dự án nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành dự án nhà phố; trên dưới 50% giá thành dự án biệt thự và là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường.

Do vậy, mức giá của khung giá đất, bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Thứ hai, khung giá đất, bảng giá đất có tác động trực tiếp đến quy mô giao dịch trên thị trường bất động sản. Giá nhà đất tăng sẽ làm giảm quy mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà.

Do vậy, theo HoREA có thể dẫn đến sụt giảm quy mô giao dịch trên thị trường bất động sản, trước hết là đối với phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, condotel… và giảm quy mô thị trường đầu tư thứ cấp.

Bãi bỏ bảng giá đất có thể kéo giá nhà ở giảm xuống - Ảnh 1.

Giá bất động sản tại TP.HCM được đánh giá đang đạt đỉnh và có xuất hiện "bong bóng". Ảnh: Quỳnh Danh.

Thứ ba, nếu khung giá đất và bảng giá đất có mức giá quá cao, sẽ tác động đẩy giá đất các dự án lên cao (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Thứ tư, khung giá đất và bảng giá đất cũng tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản.

Hiện nay, nguồn thu ngân sách từ đất thường chiếm khoảng trên dưới 8% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng 8 tháng đầu năm, do tác động của đại dịch Covid-19 làm cho thị trường bất động sản đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn. Điều này thể hiện qua số thu ngân sách Nhà nước về tiền sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM chỉ thu được 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.

Chính vì vậy, HoREA nhận thấy, về lâu dài nên xem xét bãi bỏ phương thức thu tiền sử dụng đất kiểu tận thu, thu trước một lần. Thay vào đó, nên chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% bảng giá đất để giảm nhẹ gánh nặng tiền sử dụng đất hiện nay.

Đồng thời, HoREA đề xuất bổ sung thuế bất động sản theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Hà Bùi/Zing
Cùng chuyên mục