Bài 3 Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: "Lâm tặc" vào vai tổng đạo diễn tiêu thụ gỗ nghiến trái phép

Lãng Quân - Văn Hoàng Thứ tư, ngày 25/11/2020 08:14 AM (GMT+7)
"Giấy phép trúng thầu" các lô gỗ nghiến thu giữ được có thể là "lệnh bài" để kẻ xấu lợi dụng. Ở Điện Biên, ở Cao Bằng, gần như đã dừng việc bán đấu giá gỗ nghiến là tang vật các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Nhưng có những nơi vẫn tiếp tục đấu giá gỗ nghiến - vật chứng của việc rừng bị "tàn sát".
Bình luận 0

Dân Việt đã đăng tải 2 kỳ trong loạt bài "Lời man trá trong rừng nghiến khổng lồ" phản ánh những cánh rừng nghiến ở miền núi phía Bắc bị hạ sát không thương tiếc. 

Tiếp tục tìm hiểu đường đi của những khúc gỗ nghiến bị khai thác trái phép đưa ra khỏi rừng, phóng viên Dân Việt phát hiện "lâm tặc" còn nhúng tay cả vào việc hợp thức hóa số gỗ phá rừng trái phép để thành hàng hóa.

Cụ thể, họ sẽ nấp sau "hóa đơn trúng thầu mua gỗ" đó để hợp thức hóa vô số gỗ có được phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Từ đó, người ta có thể bán buôn chế biến gỗ quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến tại nhà riêng, tại xưởng mộc của mình một cách "không ai làm gì được".

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 1.

Tràn lan thớt nghiến bị bán công khai, kiểm lâm thừa nhận có dấu hiệu lợi dụng giấy phép bán đấu giá để trà trộn gỗ lậu rồi bán. Ở góc độ bảo vệ rừng, dù gỗ bán đấu giá hay gỗ lậu, thì rừng vẫn bị giết như thế!

Lâm tặc bị bắt hay không, rừng vẫn bị phá và gỗ vẫn được tiêu thụ

Gỗ trong rừng bị tịch thu, bán đấu giá rồi gỗ đó quay lại làm bình phong cho những kẻ phá rừng khác, thông qua giấy tờ bán đấu giá của cơ quan chức năng. 

Dù lâm tặc bị bắt hay không, dù gỗ được lâm tặc đem về chế tác, bán buôn hay gỗ bị tịch thu bán đấu giá có vẻ công khai minh bạch kiểu kia – thì vẫn như thế! Vẫn như thế, tức là cây rừng bị "giết" và đem đi tiêu thụ. 

Chỉ khác mỗi cái là một đằng tiền vào túi lâm tặc cơ bản, một đằng tiền được thu về dưới danh nghĩa công sản. Còn đứng ở góc độ nỗi đau rừng bị tàn sát, y như nhau. 

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 2.

Gỗ nghiến sau khi bán đấu giá sẽ được bán công khai trên các trang mạng xã hội

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 3.

Nhờ một phiên trúng đấu giá, người trúng đấu giá sẽ lợi dụng hồ sơ để hợp thức hóa gỗ lậu

Mới đây nhất, Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã bán đấu giá lô thớt nghiến là tang vật của các vụ vi phạm Lâm luật năm 2019. Tang vật là 758 khúc gỗ nghiến (dạng thớt) với tổng khối lượng 12,046 m3. Giá khởi điểm hơn 156,5 triệu đồng. 

Người trúng thầu là một người ở huyện Bắc Mê, trả 378 triệu đồng. Số gỗ trúng thầu được vận chuyển đến thôn Ngô Sài, Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. 

Số gỗ này sẽ vào những nhà có tiền mua sản phẩm chế tác từ chính những tang vật tịch thu được sau những vụ phá rừng. Điều chắc chắn rằng rừng nghiến khổng lồ ở huyện Bắc Mê vẫn mất.

Gỗ bán đấu giá có thể là một hình thức hợp pháp hóa gỗ quý hiếm lưu hành trong thị trường với vô cùng nhiều mưu mẹo của lâm tặc và những kẻ tiếp tay. Hình thành một thị trường đen, trắng, sáng, tối lẫn lộn.

Vì lí do đó, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp rồi Bộ NNPTNT, đã nhiều lần bàn và một số tỉnh đã thực thi việc cấm đấu giá gỗ tang vật (cụ thể ở đây là gỗ nghiến). Tiến tới, bất cứ sản phẩm nào liên quan đến rừng nghiến cổ thụ, rừng tự nhiên lưu hành trên thị trường mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đều bị bắt giữ (trừ các vật dụng cổ làm bằng gỗ này trước khi có quy định trên).

Trong quá trình điều tra của PV Dân Việt, "lâm tặc đầu vàng" Nông Văn Phòng gọi cho tôi, nói: "Hôm trước anh bảo lấy hàng mà không lấy làm em bị mất hết sạch 88 quả thớt nghiến. Em cất ở đó, chắc là do em mở ra chụp ảnh cho anh xem qua zalo, nên dân nhìn thấy nó báo. 

Khổ quá, ngày trước làm với ông H. cứ lúc em mang hàng sang bên đó mà bị bắt mất là ông chịu hết. Còn ông này (ông Gi.) làm em mất hai lần hết hơn 100 quả thớt nghiến. Tính ra hơn 100 triệu đồng, mà ông có hỗ trợ em tý nào đâu".

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ - Kỳ 3: Khi lâm tặc trở thành "tổng đạo diễn” - Ảnh 4.

Gỗ nghiến sau khi đấu giá được người trúng đấu giá khai thác đưa về nơi tập kết

Số thớt mà Nông Văn Phòng nói đã bị Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thu giữ đến nay đã bán đấu giá xong.

Ngày 4/11/2020, nhóm PV Dân Việt làm việc với ông Hoàng Phượng Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng với câu hỏi về phá rừng nghiến cổ thụ, buôn thớt gỗ nghiến trên địa bàn và những thị phi về thủ tục bán đấu giá tài sản thu được từ lâm tặc. 

Ông Vỹ khảng khái trả lời, mấy năm nay gần như không bán đấu giá gỗ nghiến vụ nào. Cùng ngày, chúng tôi vượt 150km đường đèo dốc vào huyện Bảo Lâm, câu trả lời lại dường như hoàn toàn khác. 

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 4.

Cao Bằng là tỉnh bán đấu giá gỗ nghiến trong rừng trước khi lệnh đóng cửa rừng được ban hành

Những ông bà chủ lô gỗ nghiến giấu mặt

Trở lại câu chuyện ở Cao Bằng, sau thời gian theo dõi, nhóm PV Báo NTNN/Dân Việt đã có mặt tại hiện trường cơ quan chức năng thu giữ hơn 300 thớt nghiến chuẩn bị đem đi bán tại nơi tập kết của lâm tặc tại trung tâm huyện lỵ Bảo Lâm. 

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 5.

Bảng kê lâm sản được UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng bán đấu giá gỗ nghiến trong rừng những năm trước đây

Dù thế nào thì khi cán bộ đến, rừng không chỉ đã chết, mà "xác/thi thể rừng" vẫn tiếp tục bị đem đi tiêu thụ theo đúng lộ trình mà "lâm tặc" đã vạch ra từ đầu. Tức là họ thu rồi bán đấu giá, rồi người ta mua đem bán kiếm lời.

Ông Hoàng Phượng Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho rằng: "Khi đấu giá một lô gỗ nào đó đương nhiên có thể người trúng trong phiên đấu giá đó, họ có thể sử dụng bộ hồ sơ mua gỗ để lợi dụng vì mục đích khác.

Trong công tác bảo vệ rừng, không đấu giá tang vật các vụ vi phạm lâm luật kia là hay nhất. Như thế sẽ không tạo điều kiện cho những người buôn bán gỗ lợi dụng để xâm hại rừng. Đó là cái lợi nhất trong bảo vệ rừng".

Trở lại câu chuyện hơn 300 thớt gỗ nghiến ở địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Sau khi Hạt Kiểm lâm Bắc Mê; Công an huyện Bắc Mê đến làm việc trực tiếp với Công an huyện Bảo Lâm; Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đề nghị phối hợp kiểm tra, thu giữ gỗ nghiến. 

Qua khám nhà ông Lãnh Văn Tèn, ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miầu, cơ quan chức năng phát hiện nhiều gỗ nghiến được xẻ theo quy cách làm thớt, có đường kính từ 35 đến 50cm, dày từ 7 đến 25cm. 

Tương tự, một vụ bắt giữ thớt nghiến khác cũng tại Cao Bằng, lần này là xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, lực lượng công an kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 97C-006.02 do Dương Văn Ky, sinh năm 1990, trú tại xóm Lũng Po, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình điều khiển. Qua kiểm tra, thấy trên xe chở 100 khúc gỗ nghiến, thuộc nhóm 2A, có khối lượng 12m3.

Lời khai của ông Tèn và ông Ky tương tự nhau: gỗ đó do một người không rõ tên tuổi và địa chỉ thu gom để nhờ tại nhà ông?! 

Cả "núi" tiền theo giá chợ đen thế mà gửi nhà ông Lãnh Văn Tèn rồi ông chẳng biết người gửi là ai. Cơ quan chức năng cũng thu gỗ xong là thôi, lý do là chẳng truy được ông bà chủ thật sự của lô hàng đó. 

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 6.

Thớt nghiến như thế này ngoài bán ở thị trường nội đia còn được các đầu nậu thu mua để bán sang Trung Quốc tiêu thụ

Gỗ sẽ đi theo đúng lộ trình và hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng chính ông Lãnh Văn Tèn kia rồi ông chủ thật sự của số gỗ có được từ tàn sát rừng đó sẽ "trúng thầu". 

Ngoài việc "dừng lại" ở hạt kiểm lâm ít ngày, mất ít tiền mua phát mại, thì gỗ kia vẫn đi theo đúng lộ trình: phá rừng, thu gom, vận chuyển, tiêu thụ sạch bách.

Những câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Bắc Kạn, Hà Giang. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện ô tô biển kiểm soát 28A - 03063 đi hướng từ vườn Quốc gia Ba Bể sang huyện Chợ Đồn có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành truy đuổi. 

Đến địa phận thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể thì xe dừng lại, lợi dụng đêm tối người điều khiển xe bỏ xe chạy lên rừng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 62 cục gỗ nghiến dạng hình chữ nhật.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 7.

Những chiếc xe chở gỗ lậu của lâm tặc khi bị phát hiện chúng sẽ bỏ lại hiện trường

Còn tại Hà Giang, được nguồn tin mật báo, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở chế biến gỗ và kinh doanh nội thất Hoạch Thục, ở tổ 5, thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên). Trước sự ương bướng vô lối của ông chủ, tổ công tác đã phải cắt khóa kho cất giữ gỗ để khu ra "hang ổ" gồm 1.000 khúc gỗ nghiến dạng thớt được cất giấu. Toàn bộ số đó là hàng lậu.

Theo một tiết lộ đáng tin cậy: không ít gỗ có nguồn gốc từ… việc "mượn giấy tờ gỗ bán đấu giá" để vi phạm lâm luật. Đến lúc số gỗ lậu nhiều quá, "hóa đơn mua phát mại" không đủ để "bảo kê" nữa, thì họ mới bại lộ.

Tại Cục Kiểm lâm, trước tình trạng mà PV Dân Việt tố cáo, lập tức một lãnh đạo Cục cho biết: đúng, có tình trạng đó khá phổ biến. Vì thế nhiều tỉnh họ phải dừng các hoạt động đấu giá gỗ tang vật, nhất là gỗ nghiến.

Cụ thể, từ năm 2019, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Văn bản số 2949/UBND-KTN, ngày 8/10/2019 nhằm đã tạm dừng chuyển giao, bán đấu giá tang vật là gỗ nghiến. 

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi lâm tặc trở thành tổng đạo diễn” - Ảnh 8.

Thớt nghiến được bán tràn lan trên đỉnh đèo Pha Đin- nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên

Trên đỉnh đèo Pha Đin (giáp ranh Sơn La - Điện Biên), có thể nói, đó là chợ tiêu thụ sản phẩm từ rừng nghiến cổ thụ công khai lớn nhất Việt Nam.

Chúng tôi vào vai tìm hiểu, 100% số hộ ở đây dẫn khách vào các căn phòng, các khu "trưng bày sản phẩm" ven quốc lộ vô thiên lủng thớt nghiến, nhiều thớt còn mới tinh (trong khi gỗ nghiến thanh lý phải là gỗ cũ) và ai cũng thề thốt là: hàng bán có giấy tờ hợp pháp. Đó là gỗ thanh lý. 

Theo nhiều chuyên gia, cán bộ Kiểm lâm, "giấy tờ" này là thứ "bùa chú quay vòng", là "lệnh bài" hết sức nguy hiểm của các vị "tổng đạo diễn – lâm tặc".

Kiểm lâm Điện Biên thừa nhận: việc ngừng bán đấu giá tang vật gỗ nghiến của tỉnh nhằm hạn chế việc các đối tượng thu mua gỗ lợi dụng hồ sơ mua bán đấu giá, lâm sản sau tịch thu - để hợp pháp hóa nguồn gốc lâm sản trong cất giữ và vận chuyển trái phép trên địa bàn.

Đón đọc Bài 4 Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ:"Ông trùm" nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem