Kiểm tra an toàn thực phẩm: Chưa quy định cụ thể việc heo bị tiêm thuốc an thần! (bài cuối)

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 16/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, Bộ Y tế không đưa ra được ngưỡng an toàn đối với người sử dụng thịt heo bị tiêm thuốc, vì thế, không có cơ sở để xử lý, tiêu hủy.
Bình luận 0
Bài 2: Kiểm tra an toàn thực phẩm: Khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 1.

Kiểm tra heo được đeo vòng truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Tập trung kiểm tra bếp ăn tập thể, trường học

Lý giải tháng 4 thường được chọn là Tháng ATTP, bà Lan cho biết, đây là thời điểm giao mùa, dễ phát sinh các yếu tố dịch bệnh nên công tác an toàn thực phẩm được tập trung trọng điểm hơn, chủ yếu tập trung giám sát ở các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp và các chợ truyền thống.

Với các bếp ăn trường học, yêu cầu về ATTP hiện nay đã được nâng cao hơn, không chỉ là thực phẩm rõ nguồn gốc mà phải là thực phẩm đạt các chuẩn VietGap, GlobalGap… Bà Lan nhấn mạnh: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học sinh đến trường bị ngắt quãng nên công tác ATTP của các bếp ăn trường học phần nào cũng bị sao nhãng. Chúng tôi vẫn phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, cố gắng tối đa không để xảy ra "dịch chồng dịch", ngộ độc thực phẩm trong thời gian chống dịch Covid-19".

Với mạng lưới thanh tra, đội ATTP xuống đến từng quận huyện, đối tượng bị thường xuyên kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bà Lan cho biết, Thủ tướng yêu cầu không được làm phiền doanh nghiệp, mỗi năm chỉ kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch 1 lần nhưng như vậy sẽ khiến doanh nghiệp dễ nảy sinh tâm lý ỉ lại vì đã được kiểm tra.

"Chúng tôi thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về kiểm tra báo trước, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện các đợt kiểm tra đột xuất. Không phải chỉ kiểm tra hợp đồng cung cấp thực phẩm mà phải kiểm tra cả hóa đơn mua hàng để tránh trường hợp họ ký hợp đồng với chuỗi thực phẩm sạch nhưng không mua, tráo hàng trôi nổi vào. Chúng tôi chấp nhận "mang tiếng" làm khó doanh nghiệp để đảm bảo ATTP", bà Lan giải thích.

Bài 2: Kiểm tra an toàn thực phẩm: Khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 3.

Kiểm tra nguồn gốc rau củ quả tại chợ đầu mối Thủ Đức.

Kiểm tra thực phẩm vẫn còn rất nhiều rào cản

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tuy tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đã có bước cải thiện, nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP. Chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến hồ sơ pháp lý, dẫn đến số lượng vi phạm về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP vẫn còn nhiều. Tình trạng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm vẫn còn tồn tại nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP.

Đồng thời, còn rất nhiều vướng mắc trong các quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Bà Lan cho biết, theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Tuy nhiên, kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian 2 - 4 ngày.

Hiện nay, chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng nên khi có kết quả phân tích định lượng thì lô hàng đã được phân phối, tiêu thụ hết. Vì vậy, chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính đối tượng vi phạm bằng hình thức phạt tiền, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) là không thể thực hiện được.

"Tại các chợ truyền thống, chúng tôi đang tạm khắc phục bằng cách thực hiện các test nhanh, mặc dù test này không chính xác 100% nhưng cũng là cơ sở để quản lý lô hàng nếu có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính", bà Lan cho biết.

"Chợ đầu mối, siêu thị chúng tôi kiểm tra thường xuyên thì đã thực hiện khá tốt việc đeo vòng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên ở các chợ truyền thống thì việc này còn rất khó khăn. Người dân họ đâu có quan tâm con heo đó có được đeo vòng hay không, họ chỉ chú ý đến miếng thịt heo đang bày bán đó có ngon, tươi hay không mà thôi. Vì thế, vai trò của chính quyền địa phương quản lý các chợ truyền thống là rất quan trọng", bà Lan chia sẻ.

Một điều nữa khiến bà Lan trăn trở đó là hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào về việc xử lý heo bị tiêm thuốc an thần. Bộ Y tế không đưa ra được ngưỡng an toàn đối với người sử dụng thịt heo bị tiêm thuốc, vì thế, không có cơ sở để xử lý, tiêu hủy. "Tôi đã từng kiến nghị lên Chính phủ về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Nếu chất an thần cũng được xác định rõ ràng như chất tạo nạc hoặc dư lượng kháng sinh thì người dân sẽ yên tâm và chúng tôi đi kiểm tra cũng sẽ dễ dàng hơn", bà Lan chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem