Bài 1: Truy nguyên xuất xứ giang hồ miền Nam

Huyền Sơn- Phú Lãm Thứ tư, ngày 31/05/2017 12:30 PM (GMT+7)
Ngày nay, khi nhắc đến hai từ "giang hồ", người ta thường liên tưởng đến những gã lưu manh, côn đồ xăm mình vằn vện, nghiện ma túy, chơi bời trác táng, trộm, cướp, lừa đảo và sẵn sàng đâm chém, bắn giết người khác. Thế nhưng, cách nay non 1 thế kỷ, từ "giang hồ" chỉ dành ám chỉ những kẻ lãng tử, thích phiêu bạt và có khí chất trượng nghĩa nhưng không qui phục chính quyền. Đó là lý do từ "giang hồ" trở thành danh tính từ dùng để ám chỉ 2 dạng người hoàn toàn đối lập nhau: Giới xã hội đen và giới văn nghệ sỹ "buông thả" (Freethinker, Outlaws). Bởi cả 2 giới đều có chung 1 điểm: Không chịu sự ràng buộc, qui chuẩn nào kể cả luật pháp.
Bình luận 0

Mục Đông Tây Kim Cổ của Dân Việt xin gửi tới quý độc giả loạt bài dài kỳ về “Giang hồ miền Nam - Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật thời Pháp” của hai tác giả Huyền Sơn- Phú Lãm, trong đó giải nguồn gốc của từ “giang hồ”, rồi quá trình hình thành giới giang hồ Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, cũng như những biến tướng của nó sau này...

Giang hồ nghĩa khí

Khi dịch nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài danh tính từ "giang hồ", dịch giả phải đính kèm thêm nhiều lời diễn giải. Nếu không người nước ngoài sẽ có nhiều phen tưởng nhầm 1 thi sĩ nào đó chuyên đâm thuê chém mướn. Bài thơ "giang hồ" của cố thi sỹ Phạm Hữu Quang là 1 ví dụ.

Truy nguyên xuất xứ nguồn gốc thì từ kép "giang hồ" du nhập vào Việt Nam qua …truyện Tàu "Thủy Hử" của tác giả Thi Nại Am kể về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc tụ tập nhau chống triều đình phong kiến Bắc Tống của vua Tống Huy Tông (1082 – 1135). Theo Hán Việt Từ điển thì "Thủy Hử" có nghĩa là "Bến Nước" (nghĩa hẹp) nhưng cũng có nghĩa rộng là "giang hồ", tức sông (núi), ao (hồ). Có người giải thích "giang" là sông Trường Giang, "hồ" là Ngũ Hồ.

img

Bia di tích Thiên Địa Hội Trung Hoa vẫn còn ở Phúc Kiến, Trung Quốc.

Thủy Hử đã kể lại quá trình hình thành căn cứ kháng chiến tại vùng núi Lương Sơn chống triều đình của những người bất mãn. Những Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí Linh, Tống Giang, Hoa Vinh… là những trung thần của triều đình bị bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt ám hại nên từ bỏ quan trường qui tựu về vùng Lương Sơn.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn. Thủy Hử đã phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "Thượng bất minh, hạ tất loạn", "Quan bức thì dân phản", điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng người Việt trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta. Từ đó, tư tưởng chống chính quyền trong Thủy Hử ăn sâu vào tiềm thức những người lao động nghèo khổ bị thực dân bóc lột, áp bức.

Thời Pháp thuộc, ở khu vực Nam bộ nhiều nghĩa sỹ tự tề tựu lập nên những tổ chức kháng chiến. Ngoài phong trào kháng chiến có qui củ của Cần Vương, ở Nam bộ có rất nhiều tổ chức tự phát như Hội Kín Nam Kỳ, Phan Xích Long, giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Hầu hết những tổ chức này đều qui tựu nghĩa quân theo kiểu "giang hồ trượng nghĩa, kết giao huynh đệ". Do thiếu phương pháp đấu tranh có tổ chức, những phong trào này bị Pháp đàn áp tan rã. Những nghĩa sỹ đào thoát khỏi sự săn lùng của chính quyền thực dân đã lang thang nay đây mai đó mưu sinh, mang mối hận vong quốc và trở thành lực lượng sống ngoài vòng pháp luật của chính quyền thực dân.

Trong giai đoạn đó, để mỵ dân, Pháp đều vu cho tất cả những tổ chức kháng chiến này là cướp, thổ phỉ, quân phiến loạn, nổi loạn. Có thể nói, tổ chức giang hồ đầu tiên ở miền Nam gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng mạnh đối với quần chúng yêu nước chính là "Hội Kín Nam Kỳ". Cho đến tận bây giờ, giới giang hồ Sài Gòn vẫn còn bị ảnh hưởng đậm chất phong cách hành xử, qui ước bí mật của phong trào này.

Tụ nghĩa

Theo cứ liệu lịch sử, sau khi phong trào Duy Tân bị Pháp khủng bố, đàn áp dã man, tinh thần kháng Pháp ở miền Nam dâng cao và lan rộng khắp thành thị nông thôn. Những nghĩa quân từ các hội nhóm của phong trào Cần Vương như Láng Linh - Bãi Thưa, Nguyễn Trung Trực đã bị đàn áp tan rã trước đó có dịp hoạt động trở lại khắp miền Nam. Họ tìm đến nhau, qui tựu thêm nghĩa quân và lập ra những hội nhóm hoạt động bí mật gọi là Hội Kín. Có người nhầm tưởng đó là Thiên Địa Hội của phong trào "Phản Thanh phục Minh" do người Hoa di dân bởi hình thức hoạt động rất giống nhau.

img

Tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn số phát hành ngày 12.01.1912 nói về Thiên Địa Hội Việt Nam.

Nhà sử học Phạm Văn Sơn giải thích điều này trong "Tập san sử địa" xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn rằng: “Thưở đó người Hoa kiều ở Nam Kỳ có lập ra một hội kín lấy tên là "Nam Kỳ Nghĩa Hòa Đoàn chi hội" (có gốc rễ ở Trung Quốc), sau đổi ra là "Thiên Địa Hội". Hội lập quỹ để hoạt động chống Thanh. Hội thờ ba nghĩa sĩ Trung Quốc thời trước là Quan Vũ, Văn Thiên Tường và Nhạc Phi.

Hội áp dụng một hình thức kỷ luật rất nghiêm minh và đề ra một lý tưởng là: Cưu mang anh em trong hội lúc cùng khổ, cương quyết bênh vực kẻ yếu và can thiệp vào những việc bất bình như các hiệp sĩ đời xưa. Về hệ thống tổ chức, trên hết là "Ông chủ" (Hội chủ, Bang chủ), dưới đó là "Kèo" (Đường chủ). Mỗi Kèo điều khiển khoảng 50 hội viên. Để có sự kín đáo, hội không lập sổ sách, nơi hội họp cũng không nhất định ở đâu, các hội viên nhận nhau bằng ám hiệu, chỉ thị và tin tức đều trao đổi cho nhau bằng tiếng lóng...

Để trở thành hội viên, người xin gia nhập phải trải qua mấy lần thử thách để chứng tỏ lòng can đảm (phép thử thách này gọi là “trui”). Sau khi người Việt gia nhập vào hội mỗi ngày một đông (để mong được che chở và bênh vực), nhóm Hoa kiều đứng đầu bèn lập ra một chi hội khác dành cho họ và cũng lấy tên là Thiên Địa Hội. Các nhà ái quốc người Việt liền lợi dụng tổ chức ấy để làm lực lượng chống thực dân Pháp và những quan lại “sâu dân mọt nước”.

Còn Sơn Nam viết trong tác phẩm "Cá tính miền Nam": “Lúc bấy giờ người Hoa kiều có 2 hội kín riêng. Một là nhóm Nghĩa Hưng, tục gọi là Kèo Xanh. Đặc biệt tại làng Thới Thuận thuộc tổng Định Mỹ (Khu vực Long Xuyên ngày nay), nhiều tín đồ Thiên chúa giáo đã tham gia hội kín này. Những hội viên đa phần là người Hoa gốc Phúc Kiến. Từ nhóm này sau tách ra một chi nhánh là Hòa Xuân, tục gọi là Kèo Đỏ. Nhóm thứ hai là nhóm Kèo Vàng, đa số là người Hoa gốc Triều Châu”. 

Tuy nhiên, những tài liệu đề cập đến giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa thể hiện phong trào Hội Kín xuất xứ từ phong trào khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo. Nói cách khác, phong trào Hội Kín là dư âm của cuộc kháng chiến này. Kháng chiến bất thành, Trần Văn Thành và những đồng sự đã dùng tâm linh, tín ngưỡng để qui tựu nghĩa quân.

Sau khi căn cứ địa Láng Linh - Bãi Thưa tan vỡ năm 1873, Trần Văn Thành hy sinh, các nghĩa quân yêu nước đã phân tán khắp nơi chờ thời cơ. Những ngày chờ thời, họ nhận thấy phương thức hoạt động bí mật của Thiên Địa hội phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến hiện tại và phù hợp với Tín ngưỡng Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên áp dụng cho Hội Kín. Vì không có tên gọi cụ thể và những người lãnh đạo cũng không nói rõ mục tiêu hoạt động chống Pháp nên người ta gọi đại là Hội Kín. Họ "ẩn" dưới danh nghĩa Thiên Địa Hội để qua mắt chính quyền Pháp (Tác giả sẽ đề cập đến hoạt động cụ thể của những tổ chức này trong loạt bài khảo cứu khác).

Tại miền Nam, những Hội Kín này hoạt động rất mạnh ở Chợ Lớn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long...Thiên Địa hội chia thành 2 phái. Người Nghĩa Hưng, Phúc Kiến được qui định là Kèo Xanh. Người Nghĩa Hòa, Triều Châu được qui định là Kèo Vàng. Thế nhưng với Hội Kín của người Việt, cho đến nay chưa ai lý giải được qui định Kèo Xanh, Kèo Vàng như thế nào. Theo những tài liệu chưa kiểm chứng thì những người Kèo Xanh chuyên hành động, còn Kèo Vàng thì chuyên hoạt động về tổ chức nội bộ.

Thiên Địa Hội thờ 3 vị đầu công: Quan Vũ, Văn Thiên Tường và Nhạc Phi. Cũng có tài liệu nói rằng, Thiên Địa Hội thờ “Hồng môn ngũ tổ” là Thái Đức Trung, Phương Đại Hồng, Mã Siêu Hưng, Hồ Đức Đế và Lý Thức Khai là những bậc cao nhân võ thuật. Còn Hội Kín Nam Kỳ thờ 5 vị Ngũ Công: Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công và Hỏa Công.

Danh tính 5 vị Công này vẫn đang còn là bí ẩn. Tại Tân Châu, An Giang vẫn còn những am thờ những vị này. Người chỉ huy Hội Kín ở cấp khu vực được gọi là "Gánh". Người lãnh đạo kế cận cho trưởng Gánh là "trưởng Kèo Vàng" và "trưởng Kèo Xanh". Một trưởng Gánh quản lý nhiều "lò" ở rải rác khắp vùng.

Chỉ có cấp "lò" mới tuyển lựa người kết nạp vào hội. Để được kết nạp vào hội, người mới phải được hội viên cũ giới thiệu và chịu trách nhiệm về người mới. Trước khi kết nạp, "lò" có nhiệm vụ "luộc, nấu, hấp và trui, luyện" hội viên. Cách tuyển người kết nạp vào hội rất bình dân theo kiểu "tứ hải giai huynh đệ". 

(còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem