Bác sĩ bị đánh, bệnh nhân chịu thiệt!

Diệu Linh Thứ tư, ngày 30/08/2017 06:28 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến thống nhất của nhiều chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến “Ai bảo vệ y, bác sĩ?” do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 29.8. Theo đó, nếu bệnh nhân gây áp lực, hành hung bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và bệnh nhân sẽ gánh chịu hậu quả.
Bình luận 0

Gần 70% số nhân viên y tế bị bạo lực

Tham dự buổi trực tuyến, PGS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ: “Câu chuyện y bác sĩ bị hành hung vừa qua theo tôi chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Càng ngày, vấn đề này càng đáng lo ngại vì sự gia tăng về số lượng và cấp độ. Về lâu về dài, nó sẽ ảnh hưởng tới cả một hệ thống. Khi nhân viên trong bệnh viện bị hành hung, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng, các nhân viên khác sẽ cảm thấy stress, lo lắng, tâm lý khám chữa bệnh của họ bị ảnh hưởng”. 

img

Một vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng).   Ảnh: I.T

Theo PGS Hải, năm 2017, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiến hành nghiên cứu về bạo lực với bác sĩ. Kết quả, 69,7% điều dưỡng từng bị bạo lực lời nói; 32,6% từng bị bạo lực về thể chất. Các trường hợp bạo lực thể chất được ghi nhận phổ biến là xô đẩy, cào cấu, phá phách. Một số trường hợp bạo lực như là đấm đá thậm chí cầm dao vào bệnh viện đe dọa và hành hung cán bộ y tế.

Gần đây, hàng loạt vụ bạo hành nhân viên y tế đã xảy ra, như ngày 25.8, chị Lê Thị Toan- cán bộ y tế phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đi phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân thì bị Tạ Đình Thái (39 tuổi, ở quận Đống Đa) đánh rách miệng.  Trước đó, ngày 18.8, bác sĩ Hoàng Thị Minh (Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An) đã bị Nguyễn Đình Hoàng Thắng – Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tân Thắng lao vào tát tới tấp vì cho rằng chậm cấp cứu người nhà anh ta.

img

Hiểu tâm lý người bệnh

Ở một góc nhìn khác, PGS Hải cho rằng cần phải hiểu tâm lý người bệnh và người thân người bệnh. “Đa số bệnh nhân và người nhà tới cơ sở y tế là để thăm khám chứ không phải đến gây hấn. Họ rất stress, rất lo lắng vì bản thân bị đau đớn hoặc lo lắng vì người thân của mình đang bị bệnh. Chính vì thế, tâm lý này rất dễ bị kích động và phản ứng” – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết.  Bên cạnh đó, còn đối tượng thứ hai dễ gặp trong bệnh viện là những đối tượng bị nghiện hút buộc phải vào viện, hoặc người nhà bệnh nhân có sử dụng bia rượu trước đó. Đối tượng thứ 3 là người nhà hoặc bệnh nhân có ý thức pháp luật chưa tốt, dễ bực bội hoặc bị kích động, tạo nên phản ứng với nhân viên y tế.

Còn về phía nhân viên y tế khi khám chữa bệnh, PGS Hải cũng thẳng thắn thừa nhận, khối lượng công việc lớn đang đè nặng lên nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến trung ương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề giao tiếp vì họ không thể lúc nào cũng niềm nở, nhiệt tình. Người bên ngoài có cảm giác như bác sĩ quát tháo, hoặc thờ ơ với người bệnh. Ngoài ra, sự bảo vệ của tổ chức, của công luận và xã hội chưa được công bằng với nhân viên y tế. Nhiều người vẫn cho rằng, khi nhân viên y tế bị hành hung thì “phải có lửa mới có khói”. Các lãnh đạo bệnh viện cũng lo lắng khi xảy ra hành hung, họ thường chọn cách xử lý giảm nhẹ đối với cả hai bên: người dân và y bác sĩ.

Người bệnh thiệt thòi

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng: “Chính những hành động bạo hành này đã kéo chất lượng của ngành y tế đi xuống. Một bác sĩ vào phòng mổ không thể có tâm lý thoải mái khi gia đình và bản thân của họ bị đe dọa”. Theo trung tá Hiếu, khi bác sĩ đứng trước áp lực bị đe dọa, rất có thể họ sẽ tạo ra những phòng thủ mang tính chuyên môn. Nếu như họ cố gắng có thể bệnh nhân sẽ được cứu sống, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với rủi ro. Vì thế, để bảo vệ mình, tránh việc bị kiện cáo, mắng chửi, bác sĩ sẽ không cố gắng điều trị các ca bệnh nặng.

Còn ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, khi xảy ra bạo hành với nhân viên y tế thì ứng xử phù hợp nhất lúc đó không phải đôi co hoặc là có những hành vi phản ứng lại người bạo hành. “Tôi nghĩ, hành vi phù hợp nhất vẫn là phải tìm cách thoát khỏi tình huống đó. Như vậy cũng không có nghĩa là họ đang đơn độc và không được bảo vệ” – ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều động thái để tăng cường bảo vệ nhân viên y tế.  Như có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan công an địa phương tăng cường phối hợp các cơ cơ sở y tế trong việc xử lý các vụ việc; thực hiện điều tra xử lý các đối tượng gây bạo hành và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có. Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; thực hiện cắt cử cán bộ tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có đông người khám. Đặc biệt phải thiết lập các đường dây nóng ngay tại các bệnh viện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết những phản ứng có tính chất gay gắt giữa phía cung cấp dịch vụ và phía tiếp nhận (bệnh nhân) hầu hết là xuất phát từ thái độ chứ không phải do chất lượng. Bởi vậy, vấn đề ở đây là sự thay đổi và xây dựng tinh thần phục vụ của các cơ sở y tế; cải thiện chất lượng của dịch vụ y tế; nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân”.

 TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem