Bắc Kạn: Vùng đất nhìn đâu cũng thấy nhà cổ, đến gia chủ cũng không biết nhà mình đã mấy trăm tuổi

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 16/07/2021 05:31 AM (GMT+7)
Hầu hết chủ nhân của những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đều không biết ngôi nhà của mình đã bao nhiêu tuổi. Họ chỉ biết, từ thời bố, thời ông, thậm chí đời cụ sinh ra đã có những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương này.
Bình luận 0

CLIP: Những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Tày tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Gia chủ của những ngôi nhà sàn cổ xưa này cũng không biết là ngôi nhà mình đang ở có tuổi đời mấy trăm năm....

Nhà sàn mái ngói âm dương "không tuổi"

Cách TP Bắc Kạn chừng 80km, xã Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) được nhiều người biết đến không chỉ bởi nơi đây có Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đa dạng sinh học mà còn nổi tiếng bởi những ngôi nhà sàn cổ mái ngói âm dương "không tuổi".

Hồn cổ từ ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 2.

Những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Chiến Thắng)

Từ trung tâm xã, phóng tầm mắt, đâu cũng chạm những nóc nhà mái ngói âm dương cổ kính. Những ngôi nhà sàn ẩn hiện giữa lưng chừng núi chẳng khác nào bức tranh thủy mặc với những nét phong vân đạt đến độ diệu pháp.

Chị Hoàng Thị Nhuần, cán bộ văn hóa xã Kim Hỷ cho biết, tỉnh Bắc Kạn rất ít nơi còn giữ được những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương cổ xưa như ở Bản Vèn này. Nói rồi, chị xăm xăm dấn bước, đưa chúng tôi đến những ngôi nhà được cho là lâu năm vào loại nhất nhì trong bản.

Hồn cổ từ ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 3.

Vị trí cụ Nguyễn Duy An ngồi thổi lửa là nả tẩư, nơi ngồi nấu nướng và bày mâm, đối diện là nả nưa, nơi tiếp khách quý trong ngôi nhà sàn cổ xưa của cụ An tại thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Chiến Thắng).

Khi chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Duy An (87 tuổi, thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), cả nhà đang quây quần bên bếp lửa dùng bữa cơm trưa. Thấy có người lạ, chủ nhà buông đũa pha trà mời khách.

Nhà cụ An gồm 4 gian 2 chái, được bố trí theo chuẩn nhà sàn cổ, vị trí tiếp khách là nả nưa (phía trên bếp lửa, cạnh bàn thờ).

Nhà sàn cổ của người Tày ở Kim Hỷ được phân chia thành 3 khu vực chính, lấy bếp lửa giữa nhà làm trung tâm để chia, gồm: Nả nưa, nả tẩư (khu vực đối diện nả nưa) và nả tản (khu vực để bàn thờ).

Hồn cổ từ ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 5.

Cụ Nguyễn Duy An (87 tuổi, thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ngôi nhà sàn có lẽ khoảng 200 tuổi. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Cụ An chia sẻ: "Nhà sàn này từ thời ông nội tôi làm. Sinh ra tôi đã ở đây nên không biết chính xác là nhà đã dựng từ bao giờ, bao nhiêu tuổi. Nhưng tính từ ông nội tôi, đến nay có lẽ ngôi nhà này cũng đã được 200 năm có lẻ".

Ngôi nhà sàn của cụ An được làm bằng gỗ nghiến, trải qua những năm tháng quẩn khói, cột kèo rắn đanh, đen kịt như thép đã qua sơn tĩnh điện. Dù lúc này đang giữa trưa nắng gắt, nhưng trong ngôi nhà vẫn mát mẻ.

Cụ An bảo, tuy phần mái nhà không cao nhưng được lợp bởi ngói âm dương nên giúp ngôi nhà mát hơn nhiều so với các vật liệu thường thấy.

"Ở nhà sàn quen rồi, không muốn ở nhà đất đâu. Con trai tôi cũng có nhà đất nhưng ở không quen, chỉ thích ở nhà sàn như thế này thôi".

Nói rồi, cụ An đưa tay đẩy gộc củi vào bếp lửa giữa nhà, tay trái cầm ống nứa khẽ thổi, những vệt khói quẩn lên gác bếp, theo gió bay lan ra đầu hồi lãng đãng như mây.

Hồn cổ từ ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 6.

Cụ Nguyễn Duy Đông (91 tuổi, thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đang xào nấu trong không gian bếp ngôi nhà sàn cổ của mình. (Ảnh: Chiến Thắng)

Theo chân cán bộ văn hóa xã, chúng tôi sang nhà anh Nguyễn Duy Tọa. Vừa chạm chân thang đã nghe mùi thức ăn nức mũi đến cồn cào. Người dẫn đường bảo, ở đây đồng bào dân tộc Tày đi làm về muộn, chính ngọ nhưng nhiều nhà vẫn chưa được dùng cơm.

Bếp lửa giữa nhà, cụ Nguyễn Duy Đông khom khom xào nấu, trán cụ mồ hôi rịn ra lấm tấm. Anh Nguyễn Duy Tọa, con cụ Đông xách phích nước pha trà mời khách, tiếng bước chân trên sàn gỗ nghe chắc nịch. Dưới sàn nhà, ba chú chó kiến vẫn hếch mõm sủa khách đường xa.

Những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Duy Tọa (thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ về ngôi nhà sàn của gia đình. (Ảnh: Chiến Thắng)

Cũng giống như nhà cụ An, nhà sàn của gia đình anh Tọa áng chừng cũng đã 150-200 năm tuổi. Chỉ áng chừng thôi, bởi ngay cả bố anh là cụ Nguyễn Duy Đông, năm nay 91 tuổi cũng không biết tuổi của ngôi nhà.

Anh Tọa kể, nhà sàn này được ông cụ nội dựng khi bố anh còn chưa sinh. Ngôi nhà sàn có sửa lại chút ít ở phần mái vào năm 1972.

"Ở nhà sàn mái ngói âm dương rồi, không muốn ở nhà hiện đại đâu, giờ nhà nước đóng cửa rừng, có muốn làm mới cũng không có gỗ để làm. Cột kèo nhà còn tốt lắm nên cứ để ở vậy thôi. Giờ làm một cái nhà sàn mới cũng phải tiền tỷ đấy, không có tiền đâu", anh Tọa cười.

Khó khăn để bảo tồn nhà cổ của dân tộc Tày

Những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn không chỉ là niềm tự hào của các cư dân vùng Tày nơi đây, mà còn mang tải trong đó nhiều giá trị.

Ngôi nhà sản phản ảnh khá đầy đủ các tín niệm văn hóa, quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Tày.

Gọi những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương cổ tại Kim Hỷ là những ngôi nhà sàn "không tuổi" bởi lẽ, gần như 100% chủ nhân những ngôi nhà sàn này khi được hỏi đều lắc đầu không tính được tuổi của chính ngôi nhà mình đang ở.

Họ chỉ biết từ thời bố, thời ông, thậm chí đời cụ sinh ra đã thấy những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương này rồi.

Những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 5.

Ông Lương Văn Hạt, Trưởng thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn trao đổi cùng PV về những ngôi nhà sàn cổ trong thôn. (Ảnh: Chiến Thắng)

Ông Lương Văn Hạt, Trưởng thôn Bản Vèn cho biết, hiện trung tâm xã Kim Hỷ còn 4 thôn có nhà sàn mái ngói âm dương, có tuổi đời ước chừng khoảng 50-200 năm. Nhưng nhiều nhất vẫn là ở Bản Vèn này.

Theo ông Hạt, bản Vèn có 70 hộ thì có đến 95% là nhà sàn mái ngói âm dương từ nhiều đời để lại, trong đó có khoảng 2-3% số nhà trong thôn đã được tu sửa. Đó là nhà của các hộ thuộc diện gia đình chính sách, người có công.

"Cái khó của người dân nơi đây là hiện nay, ngói âm dương rất khó kiếm, một số ít nhà sau khi sửa đã chuyển sang dùng mái tôn hoặc lấy ngói từ Quảng Ninh về lợp. Nói chung, ở nhà sàn mái ngói âm dương vẫn là mát nhất so với các loại mái bằng vật liệu khác", ông Hạt chia sẻ.

Hồn cổ từ ngôi nhà sàn mái ngói âm dương tại Bắc Kạn - Ảnh 9.

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Nguyễn Duy Tọa (thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) trải qua hơn 100 năm quẩn khỏi, kèo cột đều đã đen kịt như thép được sơn tĩnh điện. (Ảnh: Chiến Thắng)

Ông Hạt cho biết, ông đã đề xuất việc khôi phục nghề làm ngói âm dương để phục vụ nhu cầu của người dân, tuy nhiên chưa thực hiện được.

Ông mong muốn sẽ có chính sách hỗ trợ để người dân bảo tồn di sản văn hóa nhà sàn mái ngói âm dương tại thôn Bản Vèn nói riêng và tại xã Kim Hỷ nói chung.

Cũng theo ông Hạt, địa phương cũng muốn giữ gìn những ngôi nhà sàn cổ tại đây để phát triển văn hóa truyền thống và du lịch. Tuy nhiên, xã Kim Hỷ là khu vực quân sự nên rất khó.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Duy Măng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Đảng ủy và chính quyền xã cũng rất mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi tại địa phương.

"Người dân muốn giữ bản sắc nhà sàn cũng khá khó vì xã Kim Hỷ thuộc khu vực CT229, và lại là vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nên các nguồn vốn nước ngoài không vào được", Bí thư Đảng ủy xã Kim Hỷ cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem