Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 20/11/2021 06:05 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, ngôi thánh đường nhỏ nằm ven dòng suối giữa núi rừng Nà Phặc, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của nhiều em nhỏ người dân tộc thiểu số. Các em đến nhà thờ không chỉ để học giáo lý, mà còn được các vị linh mục dạy học Toán, tiếng Anh, nuôi ăn ở từ A-Z…
Bình luận 0

Kí túc xá đặc biệt tại Nhà thờ Nà Phặc

Nhà thờ Nà Phặc, thuộc Giáo xứ Bắc Kạn hiện đang do Linh mục Joseph Nguyễn Văn Tĩnh quản lý. Năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, nhiều người chạy về Nà Phặc để tránh đạn bom. Khi chiến tranh kết thúc, một số người trở về Cao Bằng, còn 25 gia đình ở lại và lấy luôn tên của vùng đất Nà Phặc (nghĩa là ruộng bí) để đặt tên cho giáo họ Nà Phặc. 

Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc - Ảnh 1.

Nhà thờ giáo họ Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: P.V

Hiện giáo họ Nà Phặc có khoảng 70 nhân danh, đa phần là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Thánh lễ ở đây được cử hành theo 2 thứ tiếng: tiếng Kinh và tiếng Mông.

Hôm chúng tôi đến thăm, ngôi thánh đường này còn đang xây dựng dở dang. Trong khuôn viên ngổn ngang gạch đá, rất đông bà con người Mông đang cùng dự Thánh lễ tại ngôi nhà tạm lợp mái lá. 

Thánh lễ do cha Giuse Nguyễn Văn Thật cử hành bằng tiếng Mông, hát Thánh ca cũng bằng tiếng Mông. Bà con giữ im lặng, ngồi nghiêm trang nghe cha Thật giảng về chuyện không được tảo hôn, vì sao không nên kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành…

Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc - Ảnh 2.

Bà con các dân tộc ở Nà Phặc dự Thánh lễ tại thời điểm nhà thờ đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: DCCT

Trò chuyện với chúng tôi, cha Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: "Trước đây, khu đất này chỉ có căn nhà dựng tạm bằng gỗ, mái lợp lá cọ, chật chội lắm. Chúng tôi vẫn gọi đùa là nhà điều hoà vì 4 phía gió lùa. Dù là căn nhà tạm bợ, nhưng nó vừa là nơi để giáo dân cầu nguyện, vừa là nơi để các cháu mồ côi, con nhà nghèo tá túc học tập. Mỗi năm, chúng tôi lại dành ra một phần kinh phí quyên góp được để xây thêm phòng học, phòng ở cho các cháu".

Vòng ra phía sau ngôi nhà tạm bà con đang dự Thánh lễ, chúng tôi thấy một tốp các em khoảng 12-13 tuổi đang nấu cơm. Cạnh đó là dãy nhà cấp 4 gồm vài phòng nhỏ vừa là nơi ở của linh mục, vừa là "kí túc xá" của các em. Tôi thấy mâm cơm có cá khô rim, rau muống xào, thịt luộc, lạc rang.

Cha Giuse Nguyễn Văn Thật cho biết: "Thời điểm đông nhất, nhà thờ có trên 20 em. Các linh mục cũng vừa là thầy giáo, sẽ thay nhau dạy các em học Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh…". 

"Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên chúng tôi tổ chức ở quy mô nhỏ hơn. Hiện có 6 em đang học tập, sinh hoạt miễn phí tại "kí túc xá" của nhà thờ" - cha Nguyễn Văn Tĩnh thông tin thêm. 

Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc - Ảnh 3.

Một số em học sinh người dân tộc thiểu số đang học tập, sinh hoạt miễn phí tại Nhà thờ Nà Phặc. Ảnh: P.V

Cũng theo cha Tĩnh, nhận thấy nhu cầu được sinh hoạt tôn giáo của bà con, năm 2018, chính quyền địa phương đã cấp phép cho các cha xây dựng nhà thờ. 

Cùng với sự đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức, đến nay nhà thờ giáo họ Nà Phặc đã được hoàn thiện khang trang, sạch sẽ. Tầng trên là Thánh đường, tầng hầm là nơi ăn ngủ của các em học sinh nghèo người Mông, Dao…

Giúp bà con hiểu biết luật pháp, gìn giữ văn hoá, ngôn ngữ

Chia sẻ với PV Dân Việt, Linh mục Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.200 giáo dân, trong đó đông nhất là người dân tộc Mông. Giáo xứ Bắc Kạn có 6 họ và 6 giáo điểm, do 4 linh mục chia nhau quản lý. 

Bà con rất khát khao sinh hoạt tôn giáo, nhưng do điều kiện khó khăn nên nhiều nơi chưa xây được nhà thờ. 

Để đến nhà thờ Nà Phặc, có người phải rời bản làng từ sáng sớm, đi xa hàng chục km, hoặc phải đi từ đêm hôm trước, dự Thánh lễ xong ăn cơm trưa rồi lại trở về nhà.

"Các linh mục ở đây thường xuyên phải di chuyển tới hơn 100km để dâng lễ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân. Trong đó đường đi khó nhất là Cổ Linh, thuộc huyện Pác Nặm, cư dân sinh sống ở vùng xa nhất tỉnh, đời sống còn nhiều khó khăn" - cha Tĩnh cho biết.

Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc - Ảnh 5.

Một lớp học giáo lý tại Nà Phặc. Ảnh: P.V

Cũng theo cha Nguyễn Văn Tĩnh, mỗi lần đi truyền giáo, ngoài các bài giảng về Kinh thánh, các cha đều kết hợp phổ biến cho bà con về Luật Hôn nhân và gia đình, không lừa đảo trộm cắp, không xả rác bừa bãi ra môi trường, hướng dẫn bà con phòng tránh tệ nạn xã hội, phòng chống dịch Covid-19...

Để làm được điều đó, các vị linh mục ở đây phải học tiếng Mông, làm quen với phong tục tập quán của đồng bào. 

"Cha Nguyễn Văn Thật rất được bà con yêu quý, vì cha còn nghiên cứu về văn hoá Mông, nghiên cứu chữ viết để dịch Kinh thánh sang tiếng Mông, dịch Thánh ca... Qua đó giúp bà con duy trì và gìn giữ văn hoá, ngôn ngữ của họ" – Linh mục Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ với PV.

Bắc Kạn: Những "thầy giáo" đặc biệt tại Thánh đường Nà Phặc - Ảnh 6.

Linh mục Joseph Nguyễn Văn Tĩnh trao quà cho các em nhỏ và một số gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: P.V

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Giuse Dương Văn Đình ở thôn Khuổi Luông, xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn) cho biết, anh được rửa tội dịp Giáng sinh năm 2014 cùng với 13 người Mông nữa. 

“Mình vô cùng biết ơn các cha. Các cha không chỉ truyền dạy đạo Công giáo, mà còn giúp đỡ gia đình mình về kinh tế, tặng máy bơm, máy bào để làm nghề mộc. Ở đây có nhiều nhà xảy ra mâu thuẫn gia đình, vợ chồng cãi nhau, đánh nhau, chính các cha là người gỡ rối, dạy mọi người phải biết yêu thương nhau…” – anh Đình chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem