Cao Bằng: Một nghề thì sống, đống nghề mỗi tháng nông dân Hoàng Thị Bướm "bỏ túi" có 70 triệu chứ mấy!

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 31/08/2020 19:01 PM (GMT+7)
Quyết định nghỉ học đại học giữa chừng để về chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp làm dịch vụ lưu trú, cô sinh viên Hoàng Thị Bướm (SN 1968) năm nào đã khiến cả phố núi Thông Nông (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nể phục. Nhiều người nói vui, với chị Bướm, một nghề thì sống, đống nghề mỗi tháng chỉ thu hơn 70 triệu chứ mấy!
Bình luận 0

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, chị Hoàng Thị Bướm, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng.

Dù đã được Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng giới thiệu sơ qua trước đó, vậy nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi đứng trước cơ ngơi lớn nhất nhì trung tâm thị trấn Thông Nông (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) của gia đình chị Hoàng Thị Bướm – Khách sạn Hoàng Trang.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về chị Hoàng Thị Bướm là một người phụ nữ thiện lành, chất phác, có nụ cười hồn hậu mang đặc trưng tính cách Tày. Song, chúng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt khi tiếp xúc với vị chủ nhân khách sạn Hoàng Trang nơi phố núi này, đặc biệt là suy nghĩ làm giàu, tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình của chị.

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng  - Ảnh 2.

Chị Hoàng Thị Bướm - chủ nhân mô hình khách sạn kết hợp chăn nuôi tại thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Ở vùng miền núi như Nông Thông, việc được học hết THCS, thậm chí học hết THPT vào những năm 80 của thế kỷ trước là ao ước của nhiều người. 

Bởi vậy, việc người con miền núi Hoàng Thị Bướm thi đỗ và đi học đại học là sự kiện trọng đại, cả vùng đều hay, đều mừng. Vậy nhưng, cô sinh viên trường Đại học Sự phạm Việt Bắc lại nghỉ học giữa chừng.

Theo chị Bướm, việc chị nghỉ học khiến không ít người bàn tán, cha mẹ thì buồn bã mất thời gian dài. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, tâm đã quyết, đã định hình bao việc phải làm, biết bao dự định ở phía trước, khát vọng làm giàu cứ vậy thôi thúc chị dẫn bước.

Chị Bướm cho biết, chị đã trải qua rất nhiều nghề, tìm rất nhiều hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, từ chăn nuôi, bán thực phẩm tươi sống đến trồng rau… chị đều đã từng lăn lộn cả. Lúc nào, chị cũng đau đáu vươn lên để có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Năm 1994, gia đình chị buôn bán thịt lợn, có thời điểm tiêu thụ từ 8 - 10 con lợn thịt/ngày. Nguồn thu từ việc mổ lợn cung cấp cho nhu cầu của người dân địa phương cũng giúp chị có chút ít vốn liếng. Đến năm 2012, gia đình chị chuyển sang mô hình kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống.

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng  - Ảnh 3.

Vườn rau lang 2.000m2 cung cấp nguồn thức ăn cho đàn lợn táp lá bản địa của gia đình chị Hoàng Thị Bướm.

"Cũng mạnh dạn vay vốn để đầu tư thôi. Tổng vay để đầu tư cho khách sạn Hoàng Trang cũng hơn 2 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên tôi có niềm tin vào hướng đi này", chị Bướm chia sẻ.

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng  - Ảnh 4.

Để có cơ ngơi này, chị Hoàng Thị Bướm đã phải lăn lộn với đủ thứ nghề.

Chỉ khu đất rộng rãi cạnh đó, chị Bướm cho biết, đây là diện tích mà gia đình vừa mua thêm để mở rộng quy mô khách sạn và phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo chị Bướm, việc kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt khá thuận lợi. Mỗi tháng, gia đình chị thu nhập khoảng 70 triệu đồng. 

"Việc trồng thực phẩm sạch, rau lang vừa để bán vừa là cung cấp cho nhà hàng cũng là lấy nguồn chăn nuôi đàn lợn táp lá bản địa. Hiện gia đình luôn duy trì đàn lợn từ 14 - 18 con trong chuồng. Tới đây, tôi sẽ xây dựng thêm 600m2 chuồng trại để tăng đàn," chị Bướm nói.

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng  - Ảnh 4.

Thức ăn thừa của khách sạn được chị Bướm gom lại làm nguồn thức ăn chính cho đàn lợn.

Chị Bướm kể, chị nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của Chi hội Nông dân và Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, được tham dự nhiều lớp tập huấn, hội nghị điển hình… Nhờ những kiến thức mà các gương điển hình tiêu biểu chia sẻ tại các hội nghị, chị đã học hỏi được rất nhiều.

"Ở thị trấn này, gần như có cưới xin, ăn hỏi, hội nghị… đều lựa chọn dịch vụ của Khách sạn Hoàng Trang. Giờ huyện Thông Nông sáp nhập với Hà Quảng thành huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), việc kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống cũng có khó khăn hơn trước nhưng không vì thế và chùn bước, tôi vẫn đang ấp ủ một số ý tưởng làm giàu nữa", chị Bướm tâm sự.

Bỏ đại học về làm nông dân, mở khách sạn kết hợp chăn nuôi, thu hơn 70 triệu đồng mỗi tháng  - Ảnh 6.

Lợn nái sinh sản của gia đình chị Hoàng Thị Bướm, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Bà Nông Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông nhận định, hội viên Hoàng Thị Bướm rất có ý chí, không ngừng tìm tòi học tập và tích lũy kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, hội nghị điển hình… mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển kinh tế.

"Từ việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, nhận thêm tổ chức các sự kiện như cưới xin, ăn hỏi, hội viên Hoàng Thị Bướm đã cho thấy sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Chúng tôi thường xuyên lấy gương hội viên Hoàng Thị Bướm để tuyên truyền, vận động các hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, trên địa bàn huyện đã có thêm nhiều gương điển hình khác, trong đó có dịch vụ ăn uống như của hội viên Hoàng Thị Tố Nga, rồi các hộ chăn nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi hươu sao…

Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tìm tòi hướng phát triển kinh tế. Thị trấn Thông Nông năm 2015 có gần 60 hộ nghèo nay đã giảm xuống còn hơn 26 hộ", Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông thông tin.

Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, phụ trách Kinh tế - xã hội cho biết, nhờ sự nhạy bén, năng động và nỗ lực tìm tòi hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, hội viên Hoàng Thị Bướm đã nhiều năm nhận giấy khen của Hội Nông dân huyện; được Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng tặng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi".

Ngoài ra, hội viên Hoàng Thị Bướm còn được UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" năm 2014 và Bằng khen "Hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thành phố giai đoạn 2017-2019".

Mới đây, hội viên Hoàng Thị Bướm đã vinh dự có tên trong danh sách Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020, lễ tôn vinh sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem