Bắc Giang: Trồng táo Đài Loan, nuôi chim bồ câu, nông dân nhanh khấm khá

Thu Hà Thứ bảy, ngày 17/04/2021 05:46 AM (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Hội ND tỉnh Bắc Giang đã thành lập 32 chi hội nghề nghiệp; 261 tổ hội nghề nghiệp. Các chi hội nghề nghiệp trồng táo xã Phì Điền, chi hội nuôi chim câu xã Giáp Sơn… đã gắn kết tốt hội viên nông dân huyện miền núi Lục Ngạn.
Bình luận 0

Làm giàu từ trồng táo, nuôi chim câu

Ông Phan Văn Nết - Chủ tịch Hội ND xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn cho biết: Xã có địa hình bán sơn địa, đất đai màu mỡ, rất thích hợp các loại cây trái ăn quả. Xã Phì Điền có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng điển hình như: Táo Phì Điền, vải thiều, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh… Trong đó, mô hình trồng táo ở Phì Điền có diện tích trồng 122ha.

Theo Chủ tịch Hội ND xã Phì Điền: Giống táo được người dân nơi đây đưa vào trồng nhiều chủ yếu là táo xuân và táo Đài Loan. Đây là loại táo dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt lớn rất nhanh, trồng đầu năm thì cuối năm đã cho thu hoạch.

Nhằm xây dựng thương hiệu táo Phì Điền, tháng 8/2020 vừa qua, Hội ND đã thành lập được 1 chi hội nghề nghiệp trồng táo xã Phì Điền với 50 hội viên. Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hàng tháng, các thành viên trong chi hội nghề nghiệp trồng táo Phì Điền họp một lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Trồng táo Đài, nuôi chim câu, nông dân nhanh khấm khá - Ảnh 1.

Mô hình trồng táo của hội viên nông dân xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Đ.T

Thời gian tới, Hội ND các cấp tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Để hỗ trợ hội viên nông dân Phì Điền trồng táo, năm 2020 Hội ND xã đã phối hợp các cơ quan chuyên môn mở được 4 lớp tập huấn trồng và chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với 350 lượt người tham gia. Cùng với đó, Hội ND còn tạo điều kiện cho các hội viên trong chi hội trồng táo Phì Điền vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân.

"Niên vụ táo năm vừa qua, với tổng diện tích 122ha trồng táo cho sản lượng đạt gần 1.700 tấn/năm, hiệu quả kinh tế đạt 40 tỷ đồng/năm. Từ trồng táo, nhiều nông dân xã Phì Điền có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm" - Chủ tịch Hội ND xã Phì Điền Vũ Văn Nết cho biết.

Hộ ông Lê Tiến Lợi (ở thôn Phì, xã Phì Điền) là 1 trong những hộ đầu tiên trồng táo ở địa phương. Từ 1 sào trồng táo ban đầu, đến nay ông Lợi đã mở rộng diện tích lên 1ha với 100 cây táo xuân và 100 cây táo Đài Loan. Từ trồng táo, mỗi năm gia đình ông xuất bán 13 - 14 tấn quả/năm. Với giá 30.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí mô hình trồng Táo mang lại cho gia đình ông Lợi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng táo, các hộ nông dân xã Phì Điền cho biết: Để quả táo to, mọng và mã sáng thì giai đoạn đậu quả đến khi thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước giữ độ ẩm cho đất. Thời gian thu hoạch táo rải đều trong 3 tháng, khoảng giữa tháng Chạp đến giữa tháng 2 năm sau. Giá bán trung bình tại vườn từ 26.000 - 30.000 đồng/kg, vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Tương tự, tháng 9/2020 vừa qua, Hội ND xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cũng thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn. Theo anh Vi Văn Vít - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn, hiện Tổ có 8 thành viên nuôi hơn 11.000 đôi bồ câu. Hộ nhiều nhất nuôi 3.200 đôi, hộ ít nhất nuôi 300 đôi.

Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp vùng khó

Trồng táo Đài, nuôi chim câu, nông dân nhanh khấm khá - Ảnh 3.

Ông Đỗ Văn Minh - Chủ tịch Hội ND huyện Lục Ngạn cho biết: Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, Lục Ngạn có 29 xã, 1 thị trấn. Hiện Lục Ngạn còn 15 xã vùng khó khăn trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 51%, thu nhập chính là sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 83,6%.

Toàn huyện Lục Ngạn có gần 37.000 hội viên (hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 52%); 100% số thôn, xóm có nông dân đều có tổ chức Hội hoạt động. Thực hiện Nghị quyết số 04 của T.Ư Hội NDVN, Hội ND huyện Lục Ngạn đã thành lập 2 chi hội nghề nghiệp. Các thành viên tham gia hoạt động đã liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Hội ND huyện Lục Ngạn vận động và hướng dẫn xây dựng phát triển thành lập được 6 HTX, trong đó có 4 HTX phát triển lên từ chi tổ hội nghề nghiệp. Riêng 11 xã đặc biệt khó khăn (vùng dân tộc thiểu số) thành lập được 1 HTX chè Hoa vàng xã Phong Minh với 9 hội viên tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 32 chi hội nghề nghiệp với 992 thành viên; 261 tổ hội nghề nghiệp với gần 2.900 thành viên. Trong đó, một số chi hội, tổ hội được thành lập ở vùng dân tộc thiểu số như: Chi hội "Trồng và chăm sóc cây có múi" thuộc xã An Lạc (Sơn Động); Chi hội "Trồng cây ăn quả" xã Phì Điền, xã Quý Sơn (Lục Ngạn)... Bước đầu các chi hội, tổ hội đã đi vào hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên.

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang: Sau khi các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập, Hội ND tỉnh cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem