Bắc Giang: Cho đàn gà leo đồi, thịt vừa săn vừa ngọt, ông nông dân này thu 5 tỷ đồng/năm

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 17/12/2020 19:00 PM (GMT+7)
Con đường đến trang trại nuôi gà đồi của anh Nguyễn Hữu Quý ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) uốn lượn dưới chân đồi, chỉ có một lối đi nhỏ dẫn vào trang trại, hai bên cỏ mọc um tùm.
Bình luận 0

Mỗi năm cung cấp ra thị trường 33.000 - 36.000 con gà lai chọi, mía lai và ri lai theo phương pháp thả đồi, tương đương 85 - 90 tấn thịt, anh Nguyễn Hữu Quý (ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) có doanh thu 5 tỷ đồng. Đặc biệt, do anh nuôi bán tự nhiên, cho gà leo đồi mỗi ngày nên chất lượng thịt gà rất thơm ngon.

Bỏ chạy chợ, về nhà nuôi gà

Cho gà leo đồi, thu 5 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Đàn gà Yên Thế nuôi kiểu thả đồi của gia đình anh Nguyễn Hữu Quý.

Các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã cung cấp ra thị trường từ 12 - 14 triệu con gà đồi, giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng; đồng thời, tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế và nhiều năm liền được nhận các giải thưởng do các tổ chức, hiệp hội bình chọn.

Nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế hiện đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại các nước: Lào, Trung Quốc, Singapore.

Sau con đường, trại gà của anh Quý hiện ra với những âm thanh rộn ràng của tiếng gà, hàng vạn chú gà lông màu bóng mượt đang tung tăng bên những triền đồi thoai thoải.

"Đường đi có vẻ khó nhưng vị trí này lại đắc địa cho chăn nuôi đó, xa khu dân cư, biệt lập nên chúng tôi kiểm soát tốt người ra vào cũng như dịch bệnh" - anh Quý nói.

Đến với nghề chăn nuôi từ năm 2005, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay anh Nguyễn Hữu Quý đã sở hữu đàn gà lớn nhất nhì xã Đồng Kỳ. 

"Trước khi chăn nuôi gà đồi, vợ chồng tôi chủ yếu trồng rau màu, chạy chợ, rất vất vả nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2005, phong trào chăn nuôi gà ở Yên Thế bắt đầu phát triển mạnh, tôi quyết định bỏ chạy chợ, chuyên tâm nuôi gà. Đất Yên Thế vốn nổi tiếng với giống gà thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên tôi nghĩ quá trình lập nghiệp của tôi sẽ thuận lợi" - anh Quý chia sẻ.

Nghĩ là làm, anh Quý chính thức lập trang trại nuôi gà tại thôn Ngò 2 với diện tích 2ha và 4ha bãi vườn làm không gian cho gà vận động.

Tuy vậy, mọi thứ không đơn giản như anh nghĩ. Khi mới bắt tay vào nuôi gà, do chưa nắm được quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng giống chưa chặt chẽ nên đàn gà của anh thường xuyên mắc bệnh rồi chết, anh Quý thiệt hại đáng kể.

"Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy thất bại chủ yếu do mình chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi gà. Từ những lứa gà sau, tôi chọn mua giống ở những cơ sở uy tín, đàn gà được tiêm phòng các loại vaccine đầy đủ, khu chuồng trại luôn được tiêu độc khử trùng sạch sẽ. Áp dụng đúng quy trình đó, đàn gà nhà tôi cứ thế sinh sôi, phát triển" - anh Quý nói.

Trải qua những bỡ ngỡ ban đầu, sau vài năm, giờ anh Quý đã là một chuyên gia nuôi gà có tiếng ở xã Đồng Kỳ. Mọi quy trình kỹ thuật, biểu hiện dịch bệnh của đàn gà... anh đều thuộc lòng. Để chất lượng thịt gà thơm ngon, săn chắc, anh Quý không nuôi nhốt hoàn toàn mà áp dụng phương pháp bán chăn thả.

"Tôi phải mượn thêm diện tích đất rừng, quây lại để có không gian cho đàn gà hoạt động. Mỗi ngày chúng tung tăng chạy khắp các quả đồi, kiếm ăn, nhờ đó thịt gà rất săn chắc, được thương lái ưa chuộng" - anh Quý bộc bạch.

Đưa gà Yên Thế bay xa

Cho gà leo đồi, thu 5 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Anh Quý chăm sóc đàn gà tại trang trại. Ảnh: P.V

Dưới những tán cây rừng, đàn gà của anh Quý cứ thế sinh trưởng và phát triển. Khi chúng tôi đến, trang trại của anh đang có tổng đàn 14.500 con, sau đó vài ngày anh tiếp tục vào thêm 4.000 con để phục vụ thị trường dịp cuối năm.

"Tôi áp dụng nuôi theo kiểu gối đầu, mỗi năm xuất bán khoảng 33.000 - 36.000 con gà, tương đương 85 - 90 tấn thịt. Với giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, thời điểm cuối năm có thể cao hơn, bình quân gia đình tôi thu 5 tỷ đồng/năm nhờ nuôi gà, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 1,7 - 2 tỷ đồng" - anh Quý chia sẻ.

Trong số lượng gà khổng lồ đó, anh Quý luôn dành sự ưu ái đầu tư cho đàn gà lai chọi, bởi theo anh đầu ra của giống gà lai chọi rất rộng mở, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, trong khi đó, gà lai chọi có sức đề kháng tốt nên chăm sóc không quá vất vả.

"Gà lai chọi tôi nuôi tầm 4 tháng là xuất chuồng, nếu nuôi thêm ngày, cân nặng có thể đạt 2,5 - 2,7kg/con. Nuôi gà lai chọi rất dễ bán, 1.000 con gà chỉ cần trong 1 ngày là thương lái cũng đến lấy hết" - anh Quý cho biết thêm.

Tuy vậy, điều anh Quý vẫn cảm thấy trăn trở đó là thị trường tiêu thụ gà chưa thực sự ổn định, người nông dân chăn nuôi thành công nhưng giá không cao thì lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. "Như đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, dù chất lượng gà nhà tôi luôn đảm bảo, được thương lái tin tưởng nhưng dịch bệnh cũng khiến sức tiêu thụ giảm ít nhiều" - anh Quý chia sẻ.

Do vậy, về lâu dài, anh Quý mong được tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra của sản phẩm, bởi hiện nay, việc tiêu thụ gà của anh và nhiều hộ gia đình trong xã vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái.

"Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được công nhận, có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu đã được khẳng định, nếu có thêm những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm từ con gà thay vì chỉ bán như hiện nay thì chắc chắn người nông dân còn có cơ hội làm giàu từ đặc sản của quê hương. Đất Yên Thế rất phù hợp với mô hình nuôi gà đồi, nếu được quan tâm, đầu tư hơn nữa tôi tin chắc chắn đặc sản này sẽ còn vươn xa" - anh Quý hy vọng.

Anh Quý cũng mong trang trại được áp dụng tính giá điện một mức áp dụng cho các cơ sở sản xuất thay vì tính giá điện bậc thang như hiện nay để giảm giá thành sản xuất. Trong tương lai, anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà bởi hiện tại huyện Yên Thế cũng đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi gà đồi.

Ngoài ra, huyện Yên Thế cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống, cơ sở chế biến các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế nhằm đa dạng sản phẩm qua chế biến. Đầu tư xây dựng điểm thu gom, trung chuyển, buôn bán tập trung gà đồi Yên Thế tại thị trấn Phồn Xương.

Huyện Yên Thế cũng đang có cơ chế hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế; tiến tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để những hộ dân như anh Nguyễn Hữu Quý làm giàu từ đặc sản địa phương. 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem