Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần gì để phát triển khu công nghiệp xanh?

Trà Ngân - Vân Anh Thứ sáu, ngày 26/06/2020 08:22 AM (GMT+7)
Tời đây, Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh này.
Bình luận 0

BRVT có nhiều lợi thế khác biệt so với nhiều tỉnh, thành khác. Đó là điều kiện tài lực và nhân lực tại chỗ lẫn bên ngoài để phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái từ các KCN hiện có. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư một vài KCN chuyên biệt để góp phần đưa BRVT trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Tại Hội thảo "Về các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút của các KCN trên địa bàn, xây dựng một số KCN kiểu mẫu", ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, BRVT luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc. Chiến lược kêu gọi đầu tư vào các KCN của tỉnh là phát huy tối đa lợi thế về hệ thống giao thông thủy và cảng biển. Đồng thời, ưu tiên kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư những dự án lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít đất, ít năng lượng và lao động, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững...  

Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần gì để phát triển khu công nghiệp xanh? - Ảnh 1.

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, một trong những KCN có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại của tỉnh BRVT. Ảnh: Trà Ngân

Cụ thể, BRVT hiện có 15 KCN với tổng diện tích hơn 8.510ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 50,47%  trên tổng số KCN và 60% trên số các KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 KCN). Tại các KCN hiện có 439 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi là 19,813 tỷ USD. Trong đó, có 207 dự án trong nước và 232 dự án FDI.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm ngành công nghiệp có mối liên kết với nhau, tạo chân hàng cho hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải. Thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các KCN.

"So với giai đoạn 2011-2015, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh có bước chuyển tích cực, giảm dần ngành nghề sản xuất-chế biến-gia công, tăng dần tỷ lệ các dự án công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là dịch vụ logistics gắn với phát triển hệ thống cảng, phù hợp với xu hướng đầu tư của tỉnh", ông Quốc cho hay.  

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN, chủ trương lựa chọn dự án đầu tư có công nghệ cao, thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng ít lao động đã mang lại hiệu quả tích cực về mặt quản lý xã hội như: Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại địa phương, vấn đề nhà ở và các công trình phúc lợi cho cho công nhân.

Tạo sức hút cho các KCN

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 kiến nghị: Hiện việc thu hút đầu tư vào KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 nói riêng và các KCN trong tỉnh nói chung vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Thời gian thực hiện xin phê duyệt các thủ tục liên quan tới đầu tư, môi trường, giấy phép xây dựng còn kéo dài từ 240-260 ngày làm việc, gây ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư.  Ngoài ra, một số nhà đầu tư đang triển khai dự án tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 chủ yếu lấy nguyên liệu sản xuất đầu vào từ nhà máy Hyosung. Trong khi đó, nhà máy Hyosung chỉ đáp ứng được 50% nguyên liệu  sản xuất, phần còn lại phải nhập khẩu.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần gì để phát triển khu công nghiệp xanh? - Ảnh 2.

Hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT. Ảnh: T.N

Để giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc nhập nguyên liệu sản xuất, bà Nhi kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép chuyển cảng Hyosung bổ sung thêm công năng  khai thác thương mại để phục vụ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất khác trong KCN.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về kinh nghiệm và giải pháp phát triển các KCN để nâng cao sức cạnh tranh như: Đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, hướng đến xây dựng KCN  xanh; Thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số quy mô lớn; Xây dựng một số KCN chuyên biệt… Đồng thời, các chuyên gia cũng nêu những ý kiến về việc chuyển đổi KCN theo hướng KCN sinh thái, xã hội hóa để lựa chọn được dự án và nhà đầu tư phù hợp.

Nhìn từ góc độ của một chuyên gia kinh tế, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cơ cấu công nghiệp của BRVT chủ yếu là dầu khí, điện lực, sắt thép, hóa chất, vật liệu xây dựng... Do đó, trong bối cảnh mới của thế giới, tỉnh cần hướng trọng tâm vào đổi mới mô hình tăng trưởng lấy KH-CN, nhân lực chất lượng cao làm cơ bản; Giảm dần các ngành công nghiệp không phải là thế mạnh của tỉnh, chiếm dụng nhiều đất, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính như gang thép, điện than; Xây dựng một số ngành công nghiệp hiện đại như: Công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhanh chóng chuyển đối sang kinh tế số,...

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, BRVT có nhiều tiềm năng phát triển KCN xanh sinh thái. Theo đó, về luật pháp, Việt Nam đã có Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế, có các quy định và các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển các KCN sinh thái. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn. "Vì vậy, Việt Nam cần sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển KCN sinh thái trong tương lai. Mặt khác, BRVT cũng nên tận dụng các thế mạnh của mình để đưa ra cách chính sách cụ thể trong việc phát triển KCN theo hướng này", ông Shimizu Akira nói.

Tới đây, BRVT sẽ xây dựng các KCN chuyên ngành, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm theo dây chuyền khép kín từ nguyên, vật liệu đầu vào đến sản xuất sản phẩm, dự trữ hàng hóa và vận chuyển đến mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, BRVT tiếp tục kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, không chạy theo mục tiêu lấp đầy các KCN, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút các dự án kém chất lượng, công nghệ lạc hậu. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; Xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang hoạt động để nâng cao lòng tin của nhà đầu tư và DN.

(Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem