dd/mm/yyyy

Bà Rịa - Vũng Tàu: 7 trường hợp phải cấp cứu vì ngộ độc do ăn nhộng ve sầu có nấm ký sinh

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn nhộng ve sầu có nấm ký sinh sau khi có 7 trường hợp phải cấp cứu.
Co giật, hôn mê do ăn nhộng ve sầu - Ảnh 1.

Một bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc nhộng ve sầu.

Mùa khô cũng là thời điểm thuận lợi cho ve sầu lột xác tạo ra ve sầu non. Ve sầu non, nhộng ve sầu là những món ăn dân dã, ngon, lạ miệng, rất được ưa thích tại nhiều tỉnh, thành các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, nếu ăn phải nhộng ve sầu có nấm ký sinh, nguy cơ ngộ độc rất cao. Thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời, người ăn có thể tử vong.

Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2 - 5 năm, một số loài có vòng đời dài hơn. Quá trình sinh trưởng của ve sầu đều chôn vùi trong đất nhiều năm nên không thể tránh khỏi việc ve sầu có vi sinh vật, vi nấm ký sinh. Đây là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nhộng ve sầu có chứa hoặc nhiễm độc tố của các loại nấm độc ký sinh.

Ấu trùng ve sầu thường bị nhiễm các loại nấm có độc tố cao như Gyrommitrin, Ophioccordyceps heteropoda… Độc tố đó không bị phá hủy bởi nhiệt độ dù đun nấu kỹ. Chính vì vậy, nếu ăn phải nhộng ve sầu nhiễm độc, hậu quả rất khó lường.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn nhộng ve sầu nhiễm nấm độc khiến 7 người phải nhập viện. Các nạn nhân đều cấp cứu trong tình trạng nôn ói, co giật, hôn mê, có 4 người phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy do tình trạng quá nặng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, qua các vụ ngộ độc có thể nhận thấy, các ca mắc ngộ độc do ăn nhộng ve sầu có ký sinh nấm độc đều trong tình trạng nặng và rất nặng, thời gian điều trị tích cực có thể kéo dài từ 1 tuần cho đến 10 ngày, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Co giật, hôn mê do ăn nhộng ve sầu - Ảnh 2.

Nhộng ve sầu bị nhiễm nấm ký sinh.

Theo các bác sĩ, những ấu trùng ve bị nấm ký sinh, trong điều kiện thời tiết thích hợp, nấm sẽ cho ra các quả thể. Khi đó, những nhộng bị nhiễm nấm nhìn sẽ có hình dáng khác thường, trên đầu nhộng có 1 - 5 cọng (thân) và phần cuối hơi phình ra (quả thể). Nếu chế biến thức ăn từ những con nhộng này, sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2-3 giờ. 

Tùy mức độ ăn vào mà ngộ độc nặng hay nhẹ (có trường hợp chỉ cần ăn 1 con đã bị ngộ độc) với các biểu hiện như ói, co giật, hôn mê sâu. Nếu không cấp cứu kịp thời và điều trị đặc biệt, tỷ lệ tử vong rất cao. Ngộ độc có biểu hiện tăng nặng khi ăn nhộng ve sầu kèm với uống rượu.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nhộng ve nhiễm nấm nhưng hình thái bên ngoài nhìn hoàn toàn bình thường (do nấm không cho ra quả thể nấm), bằng mắt thường không thể phân biệt được, do đó nguy cơ bị ngộ độc khi ăn phải là không thể lường trước.

Vì thế, các bác sĩ đã cảnh báo và khuyến cáo người dân phải thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng để làm thức ăn; tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ, ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên; không ăn thức ăn chế biến từ nấm cùng với uống rượu.

Bạch Dương