dd/mm/yyyy

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai

Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã có 5 xã (Chiềng Bằng, Mường Chiên, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Khoang) về đích NTM. Đóng góp chung vào thành tựu ấy, Chi nhánh Agribank Quỳnh Nhai đã thực hiện tốt chính sách phục vụ “tam nông”, góp phần giúp diện mạo nông thôn Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc.

Dư nợ "tam nông" chiếm 95% tổng dư nợ

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quỳnh Nhai, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, không thể phủ nhận vai trò của Agribank Quỳnh Nhai trong việc điều tiết dòng vốn phục vục cho "tam nông". Bởi qua thực tế cho thấy từ lâu Agribank Quỳnh Nhai đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho các hợp tác xã, hộ sản xuất, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tìm đến để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai - Ảnh 1.

Từ đồng vốn Agribank Quỳnh Nhai, HTX Dịch vụ - thương mại Thương Tuyên không những phát triển nghề nuôi cá lồng mà còn mở rộng sản xuất sang nuôi bò nhốt chuồng.

Qua tìm hiểu được biết, trong thời gian qua Agribank Quỳnh Nhai đã và luôn khẳng định vai trò chủ đạo trong việc thực hiện đúng định hướng, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của UBND huyện Quỳnh Nhai. Theo đó, Agribank Quỳnh Nhai đã chủ động tham mưu cho UBND huyện kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo cho vay nông nghiệp, nông thôn từ huyện đến cơ sở. Đến nay, 11/11 xã của huyện Quỳnh Nhai đều có Ban Chỉ đạo cho vay nông nghiệp, nông thôn. Ở các xã, Agribank Quỳnh Nhai đang tập trung cho vay thông qua 41 Tổ vay vốn với tổng dư nợ là 161 tỷ và gần 2.000 thành viên.

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai - Ảnh 2.

Được Agribank Quỳnh Nhai cho vay vốn, ông Lò Năm Nhớ, bản Ngáy, xã Chiềng Bằng tích cực chuyển đổi đất trồng cây lương kém hiệu quả sang trồng cây bưởi, nhãn. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông Nhớ có nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Sơn Ninh – Giám đốc Chi nhánh Agribank Quỳnh Nhai, thông tin: "Tính đến 31/3, tổng dư nợ Agribank Quỳnh Nhai là 425 tỷ đồng với 2.801 khách hàng. Trong đó cho vay trồng trọt chăn nuôi là 122 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà ở 153 tỷ đồng; cho vay dịch vụ, thương mại 142 tỷ đồng; cho vay các mục đích khác 8 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 95% trên tổng dư nợ của Chi nhánh.

"Bà đỡ" thúc đẩy xây dựng NTM

Sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, đến nay huyện Quỳnh Nhai đã có 5 xã (Chiềng Bằng, Mường Chiên, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Khoang) về đích NTM.  Đóng góp chung vào thành tựu ấy, Agribank Quỳnh Nhai đã tích cực triển khai cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp người dân nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo nên sức sống mới cho diện mạo nông thôn.

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai - Ảnh 3.

Nhờ đồng vốn Agribank Quỳnh Nhai tiếp sức, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã tích cực mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói - giảm nghèo, đóng góp công sức, tiền của tham gia xây dựng NTM.

Cùng với đó, Agribank Quỳnh Nhai còn tập trung cho vay đầu tư vào các lĩnh vực theo chủ trương của tỉnh ủy Sơn La, như: Cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, cho vay trồng cây ăn quả trên đất dốc, cho vay phát triển nuôi thủy sản, nuôi gia súc nhốt chuồng…

Theo chân anh Cầm Hoàng Tùng – cán bộ Phòng Kinh doanh, Agribank Quỳnh Nhai đến Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - thương mại Thương Tuyên, xã Mường Giàng - một trong những khách hàng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lừ Văn Tuyên, cho biết: "HTX thành lập năm 2011 với 5 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2015, nhận thấy tiềm năng, lợi thế mặt nước của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng, HTX đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới để phát triển thêm nghề nuôi cá lồng với 15 thành viên".

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai - Ảnh 4.

Hết tháng 3/2020, tổng dư nợ Agribank Quỳnh Nhai cho vay theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La với mô hình nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện và mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu đối với HTX là 0,96 tỷ đồng.

Thông tin thêm với chúng tôi, anh Tuyên bảo: "Để có vốn đầu tư nuôi cá lồng, HTX đã đến "gõ cửa" Agribank Quỳnh Nhai và được đồng ý cho vay 700 triệu đồng. Có vốn trong tay, HTX đầu tư nuôi trên 50 lồng cá theo quy trình VietGAP, gồm các loại cá: Trắm, lăng, nheo, rô phi, diêu hồng. Nhờ được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm, HTX đã xuất bán hàng chục tấn cá các loại, doanh thu cả tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, các thành viên HTX đã trả được gốc Ngân hàng và có lãi".

Làm ăn hiệu quả, HTX trở thành khách hàng tin cậy của Agribank Quỳnh Nhai. Năm 2018, Agribank Quỳnh Nhai tiếp tục tạo điều kiện cho HTX vay thêm 500 triệu đồng để đầu tư trồng các loại cây ăn quả trên đất dốc, như: Xoài, nhãn, na hoàng hậu, táo… kết hợp mở thêm dịch vụ du lịch sinh thái và chăn nuôi bò nhốt chuồng.

“Bà đỡ” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Nhai - Ảnh 5.

Từ nguồn lực của Agribank Quỳnh Nhai đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Bên cạnh việc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, hàng năm, Agribank Quỳnh Nhai còn tham gia hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo tại các xã với số tiền là 30 triệu đồng/hộ. Điển hình như trong năm 2018, Agribank Quỳnh Nhai đã phối hợp với Đoàn thanh niên Agribank hỗ trợ xóa nhà tạm cho 1 hộ dân tại xã Chiềng Ơn với số tiền 30 triệu đồng, 4 hộ dân tại xã Pá Ma Pha Khinh với số tiền 160 triệu đồng. Nhờ vậy, đã góp phần tiếp sức cho xã Pá Ma Pha Khinh về đích NTM trong năm 2018.

Có thể khẳng định, nguồn vốn của Agribank Quỳnh Nhai đã và đang trở thành nguồn lực làm thay đổi diện mạo nông thôn Quỳnh Nhai trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất, như: Nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc, phát triển du lịch vùng lòng hồ, trồng cây ăn quả trên đất dốc... Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp bà con vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, cùng cấp ủy, chính quyền huyện nhà hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Tuệ Linh