dd/mm/yyyy

Ấp tự quản bảo vệ môi trường: Tạo thói quen ứng xử thân thiện với môi trường

“Ấp tự quản bảo vệ môi trường” là mô hình hiệu quả ở xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn, An Giang) nhằm nâng cao nhận thức người dân về tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) sống từ gia đình đến cộng đồng. Từ đó, hình thành thói quen ứng xử thân thiện với môi trường.

Lồng ghép vào chủ trương gia đình văn hóa

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Phú - Nguyễn Thúy Hằng cho biết: "Khi triển khai mô hình ấp tự quản BVMT đến các hộ dân, bước đầu gặp không ít khó khăn vì nhận thức người dân trong BVMT sống quanh mình chưa cao. Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, trực tiếp làm, nêu gương trong từng cán bộ, đảng viên… dần dần người dân hiểu được lợi ích của việc BVMT.

Ấp tự quản bảo vệ môi trường: Tạo thói quen ứng xử  thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Người dân xã Vĩnh Phú ngày càng ý thức trong việc bảo vệ môi trường thông qua mô hình “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”. Ảnh: P.L

Từ 1 ấp thí điểm, đến năm 2015, mô hình "Ấp tự quản bảo vệ môi trường" đã nhân rộng ra 6 ấp trên địa bàn xã Vĩnh Phú.

Có thể nói, việc xây dựng các mô hình BVMT góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã chủ động phối hợp và tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh, chỉ đạo việc xây dựng mô hình về hoạt động của ấp tự quản BVMT; từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo để BVMT.

Từ 1 ấp thí điểm, đến năm 2015, mô hình "Ấp tự quản BVMT" đã nhân rộng ra 6 ấp trên địa bàn xã Vĩnh Phú. Theo đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phối hợp các tổ chức thành viên, các ấp tổ chức họp dân triển khai các tiêu chí xây dựng ấp tự quản BVMT, lồng ghép vào việc họp tổ gia đình văn hóa để đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa. Với những hộ thực hiện tốt sẽ được biểu dương.

Từ cách làm trên đã mang lại nhiều mô hình hay, hiệu quả, góp phần giữ vững danh hiệu nông thôn mới tiến tới xã nông thôn mới nâng cao. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt việc vận động nhân dân giữ gìn "Hành lang giao thông thông thoáng, nhà nhà có hàng rào, cột cờ"; vận động người dân xử lý rác thải qua thu gom và nộp phí đúng quy định.

Mở rộng ý nghĩa phong trào

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc xã còn phối hợp Hội Phụ nữ xã thực hiện tốt cuộc vận động hội viên phụ nữ "Xây dựng ngôi nhà 3 sạch", "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon". Hội Nông dân xã có mô hình "Vận động nhân dân thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật"…

Nhiều năm qua, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã trở thành lực lượng nòng cốt chung tay BVMT khi triển khai mô hình ấp tự quản BVMT. Hội đã vận động hội viên trồng đường hoa; phân loại rác thải ngay đầu nguồn gia đình; duy trì dọn, thu gom rác thải ở các khu dân cư.

Trong sinh hoạt, các chi hội đều đưa nội dung công tác bảo đảm vệ sinh môi trường để tuyên truyền có trọng tâm nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức hội viên. Với mô hình phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon phần nào đã nâng cao trách nhiệm BVMT trong chị em hội viên nói riêng và người dân nói chung.

"Biết rằng thay đổi thói quen là rất khó nên với phương châm "mưa dầm thấm sâu", trong mỗi cuộc họp, chúng tôi đều lồng ghép vấn đề BVMT, hạn chế sử dụng túi nylon, cùng với đó là tác hại của túi nylon; đồng thời tặng giỏ đi chợ để chị em thực hiện mô hình.

Dần dần, nhiều chị em đã có nhận thức và chuyển biến rõ nét trong việc dùng giỏ xách thay túi nylon khi đi chợ, góp phần bảo vệ môi trường" - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trung Phú 2 - Võ Thị Mỹ Hương chia sẻ.

Mô hình "Ấp tự quản BVMT" chủ yếu dựa vào cộng đồng, huy động sức dân giữ vệ sinh môi trường với phương châm "Sạch nhà, đẹp ngõ". Quét dọn, trồng và chăm sóc cây xanh, cải tạo vườn, phát triển cảnh quan xanh - sạch - đẹp là những gì người dân xã Vĩnh Phú đã và đang làm để giữ gìn, BVMT. 


Phương Lan