Áp dụng bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan

Lam Anh – Chiên Hoàng Chủ nhật, ngày 08/08/2021 17:16 PM (GMT+7)
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, WCS Việt Nam và các cộng sự ở Tổ chức WCS - một tổ chức bảo tồn quốc tế có trụ sở ở gần 60 quốc gia trên toàn cầu - đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện tâm huyết.
Bình luận 0

Bà Hoàng Bích Thủy và các cộng sự đã theo sát từng diễn tiến của vụ việc giải cứu 24 cá thể hổ và 4 cá thể tê tê vừa qua ở Nghệ An, buồn tiếc cho 8 cá thể hổ đã chết và lo lắng cho sức khỏe của các cá thể hổ còn sống sau các "cuộc giải cứu lịch sử".

Quá trình thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành ở Nghệ An đã khiến 8 cá thể bị chết

Tổ chức WCS đã tham gia công tác cứu hộ ở rất nhiều nơi khác. Tại Việt Nam, họ cũng là đơn vị tập huấn cho không ít cán bộ tại các cơ quan thực thi pháp luật tham gia phá án về động vật hoang dã. 

WCS đề xuất áp dụng bộ quy chuẩn trong cứu hộ động vật hoang dã trong các chuyên án mà có "tang vật" là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. WCS Việt Nam đã và sẽ còn tổ chức tập huấn cho không ít cán bộ thực thi pháp luật tuyến đầu của chúng ta về chủ đề trên.

Áp dụng bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan - Ảnh 2.

Nhóm cán bộ WCS chuẩn bị dụng cụ và vật tư để lấy mẫu trên động vật trong quá trình cứu hộ. Ảnh: WCS

Ranh giới giữa thuốc gây mê và …"liều thuốc tử" rất mong manh

Mở đầu cuộc trò chuyện, Giám đốc Quốc gia – WCS Chương trình Việt Nam nhấn mạnh:

"Tôi tin rằng, việc các cá thể hổ bị chết là ngoài mong muốn của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Việc cần làm của chúng ta lúc này là cùng suy nghĩ các giải pháp thiết thực và trang bị kiến thức, kỹ năng cứu hộ cần thiết cho lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng cứu hộ ĐVHD trong các vụ việc tương tự tiếp theo".

Hiện nay 8/17 con hổ được giải cứu ở Nghệ An đã chết, các cá thể còn lại cũng rất yếu. Với tư cách là người làm bảo tồn, lại đang là Giám đốc WCS Việt Nam, bà có những trải nghiệm, hiểu biết nào về việc động vật bị chết trong cứu hộ ở Việt Nam?

Bà Hoàng Bích Thủy: Mặc dù pháp luật quy định việc xử lý mẫu vật, tang vật, của các vụ án là các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm còn sống: cần tránh rủi ro để tang vật bị chết; tuy nhiên, trên thực tế việc cứu hộ động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của con vật. 

Chúng có thể gặp phải các chấn thương, suy kiệt sức khỏe (do căng thẳng, điều kiện thời tiết không thuận lợi, vận chuyển qua một quãng đường dài, cơ sở vật chất tại nơi giữ tang vật không phù hợp với loài, hoặc thay đổi môi trường sống và thức ăn, hay do các lý do khác). 

Trong nhiều trường hợp, con vật có thể mắc các bệnh mạn tính trong quá trình nuôi nhốt, nên bản thân chúng không đủ sức khỏe để trải qua một loạt các hoạt động nghiệp vụ như gây mê, bắt giữ, và vận chuyển về nơi giữ tang vật.

Khó khăn trong việc đánh giá thể trạng của con vật sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả của các hoạt động chuyên môn. Một trong những lưu ý ở đây là công tác gây mê và vận chuyển con vật ra khỏi hiện trường. 

Liều lượng của thuốc gây mê phải được tính toán cẩn thận dựa trên cân nặng và mức độ căng thẳng thực tế của con vật tại thời điểm gây mê, tùy thuộc vào từng loại thuốc, đôi khi ranh giới giữa liều mê và "liều tử" (làm con vật chết) là rất mong manh.

Thêm vào đó, việc kiểm tra và duy trì sự ổn định cơ thể trong quá trình gây mê là hết sức cần thiết. Các thay đổi không mong muốn về tư thế, nhiệt độ môi trường, hay các tác động và kích thích của ngoại cảnh đều ảnh hưởng đến con vật. 

Lấy ví dụ, một số trường hợp khi con vật đang mê, nếu vận chuyển con vật theo chiều đứng thì có khả năng lưỡi của con vật bị tụt vào trong và vô tình che lấp đường thở dẫn đến tử vong. Hay vận chuyển con vật đang mê trong điều kiện thời tiết nắng, nóng sẽ khiến thân nhiệt tăng cao và dẫn đến các hệ quả không mong muốn.

Áp dụng bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan - Ảnh 5.

Nhóm cán bộ WCS chuẩn bị tăm bông để lấy mẫu nước bọt trên động vật được cứu hộ. Ảnh: WCS

Cần cập nhật bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật hoang dã!

Bà Thủy nhấn mạnh: Do vậy, ngay cả tại các nước có nền thú y phát triển, việc các cá thể động vật bị chết trong các hoạt động cứu hộ là điều không hiếm. Tỷ lệ chết phụ thuộc vào từng vụ việc, đa phần cao hơn ở các vụ có số lượng cá thể lớn, nhiều loài động vật khác nhau, với điều kiện nuôi nhốt và vận chuyển không đảm bảo.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế tối đa hậu quả không mong muốn này bằng việc xây dựng, cải tiến và cập nhật thường xuyên bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật hoang dã và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là đối với những loài hay bị buôn bán. Sự an toàn của con vật trong cứu hộ cần phải được xem như một trong những ưu tiên hàng đầu để hoạt động giải cứu đầy ý nghĩa này có được một kết quả bảo tồn như mong đợi.

Thu thập mẫu bệnh phẩm từ các cá thể hổ đã chết và còn sống

Theo bà, 8 con hổ đã chết hiện nay, chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân thật sự khiến chúng chết và chết ở thời điểm nào thông qua phương pháp nào? Nếu được tham gia vào quá trình khám nghiệm này, bà và WCS sẽ làm gì?

Bà Hoàng Bích Thủy: Thông thường, thông qua việc mổ khám các cá thể động vật hoang dã đã chết để kiểm tra các tổn thương bên ngoài cũng như tại các cơ quan nội tạng, các bác sỹ thú y có thể xác định được nguyên nhân chính và các yếu tố góp phần dẫn đến tử vong của các cá thể động vật (cụ thể ở đây là hổ) này. 

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được việc mổ khám, xác động vật chết cần phải được bảo quản ở điều kiện thích hợp tránh xác hổ bị phân hủy và làm mất đi các dấu vết. Thời gian chết của động vật sẽ khó xác định hơn, tuy nhiên các điều tra viên sẽ có thể căn cứ trên các dấu hiệu thực tế, tốc độ phân hủy để ước tính.

Áp dụng bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan - Ảnh 7.

Cán bộ WCS mặc bảo hộ khi lấy mẫu động vật tại trung tâm cứu hộ. Ảnh: WCS

Như đã đề cập ở trên, cứu hộ động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của con vật, phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị phối hợp đã rất nỗ lực tiến hành triệt phá khu nuôi nhốt hổ trái phép này. Nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tình trạng buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam.

Nhiệm vụ cấp thiết tại thời điểm này là các cơ quan chức năng phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn và các chuyên gia để gấp rút xây dựng kế hoạch và hành động cụ thể, kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho các cá thể hổ còn sống. 

Nếu được tham gia vào những nỗ lực này, WCS đề xuất việc tiến hành thu thập các mẫu bệnh phẩm trên các cá thể hổ đã chết cũng như còn sống để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc phát hiện các tác nhân gây bệnh. 

Các kết quả này không chỉ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về các mầm bệnh đang lưu hành trong quần thể hổ tại Việt Nam, mà còn giúp đánh giá các rủi lo lây truyền bệnh từ loài động vật này sang cho con người trong quá trình bắt giữ, vận chuyển, nuôi nhốt và chăm sóc chúng.

Theo dõi sức khỏe động vật trong suốt quá trình phá án, cứu hộ

Dù thế nào thì đây cũng là một bài học đáng nhớ cho các nỗ lực (dù tử tế) của chúng ta trong cứu hộ động vật hoang dã. Chúng ta cần cảm thông, chia sẻ với lực lượng thực thi điều tra, cứu hộ, để sát cánh cùng họ tiếp tục thực hiện công việc cần phải làm này. Tuy nhiên, cần nhận ra bài học ở đây để tránh các hậu quả về sau. Theo bà, một cuộc phá án, cứu hộ thú dữ tiêu chuẩn cần những điều gì? Làm sao để những điều đáng tiếc như kể trên không xảy ra?

Bà Hoàng Bích Thủy: Mỗi vụ việc sẽ có đặc thù khác nhau, điều kiện hỗ trợ hoạt động phá án khác nhau, WCS không thể đánh giá tiêu chuẩn cuộc cứu hộ ĐVHD của lực lượng chức năng. Đối với WCS, đây là một bài học cho tất cả các cơ quan quản lý, thực thi hay các tổ chức trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD. 

Chúng ta tích cực đấu tranh chống lại các hành vi xâm hại đến ĐVHD nhưng lại chưa đảm bảo được các điều kiện tốt nhất để cứu hộ chúng. Để hạn chế những rủi ro không đáng có trong các cuộc "giải cứu ĐVHD" trong tương lại, chúng ta phải nhìn nhận các vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ sở vật chất, nhân lực làm công tác cứu hộ chưa được quan tâm đầu tư. Thực tế hiện nay số lượng các trung tâm cứu hộ tại Việt Nam không nhiều, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, kinh phí hạn chế nên không thể tiếp nhận tất cả các cá thể động vật đặc biệt đối với các loài mất bản năng tự nhiên, không có khả năng tái thả (như hổ sinh ra từ "hầm nuôi nhốt" và lớn lên ở đó cho đến lúc cứu hộ).

Áp dụng bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan - Ảnh 9.

Các bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe động vật được cứu hộ. Ảnh: WCS

Thứ hai, vấn đề đến sức khỏe của động vật chưa được chú trọng trong các vụ bắt giữ ĐVHD. Cần thiết phải theo dõi sức khỏe động vật trong suốt quá trình bắt giữ, bàn giao cho các cơ sở nuôi dưỡng để phòng tránh rủi ro khi thay đổi môi trường sống của chúng; xây dựng hướng dẫn và quy trình cụ thể, rõ ràng đối với việc cứu hộ từng loài để hiểu rõ hơn về phương pháp bắt giữ, phương tiện, thời điểm vận chuyển phù hợp. 

Đánh giá các rủi ro có thể gặp phải và phương án dự phòng. Hướng dẫn, quy trình này cần được chia sẻ cho các cơ quan thực thi tuyến đầu trực tiếp đấu tranh, bắt giữ với sự hỗ trợ kịp thời và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn về sức khỏe động vật hoang dã.

Bà Thủy nhấn mạnh: Qua bài báo trao đổi với cán bộ gây mê trong vụ việc trên với Báo Điện tử Dân Việt, có thể hiểu rằng: số lượng và trọng lượng mỗi con hổ thu giữ đã vượt qua sự tính toán của lực lượng chức năng. Trong vụ việc này, các đối tượng sử dụng thủ đoạn che giấu tinh vi như: xây chuồng ngầm, thiết kế cách âm… nên việc thu thập thông tin này không hề đơn giản. Bài toán đặt ra là tài liệu của cơ quan chức năng về vấn đề này cần sâu sát hơn.

Bên cạnh việc khẩn trương tiến hành triệt phá đường dây tội phạm nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, mục tiêu của việc phá án còn là giải cứu các cá thể đang bị nuôi nhốt ở đó. 

Mặc dù tính chất của chuyên án là tuyệt đối bí mật, nhưng sự tin tưởng, trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thực thi và các đơn vị cứu hộ, thậm chí các chuyên gia trong lĩnh vực thú y để xây dựng phương án cứu hộ tốt nhất nên được tiến hành trước khi bắt giữ. 

Việc lựa chọn các đơn vị, chuyên gia cứu hộ cứu hộ có chuyên môn, kinh nghiệm chăm sóc các loài bắt giữ mang tính đặc thù; có phương án huy động và sử dụng kinh phí cụ thể để duy trì chăm sóc động vật cũng cần được cân nhắc sớm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn cho các cán bộ phá án về cứu hộ động vật

Nhận thức được các khó khăn trên, từ năm 2020, WCS đã đưa các nội dung về rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ thực thi pháp luật và cho động vật trong quá trình bắt giữ các vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD vào chương trình tập huấn cho các cán bộ thực thi tuyến đầu của lực lượng công an. WCS cũng đang xây dựng Hướng dẫn xử lý an toàn động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã trong các hoạt động thực thi pháp luật phòng, chống buôn bán động vật hoang dã. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp công việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem