Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là biểu hiện văn hóa

Hà Thúy Phương (Thực hiện) Thứ năm, ngày 11/02/2021 09:30 AM (GMT+7)
Dân Việt có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường về những ý nghĩa đạo lý và nhân văn của áo dài ngũ thân và những thành quả của dự án phục dựng áo dài trong năm qua.
Bình luận 0

Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường là thành viên nhóm Đình làng Việt. Phục dựng áo dài ngũ thân truyền thống là một trong những dự án mà nhóm Đình làng Việt đã thực hiện vài năm gần đây để đưa chiếc áo dài truyền thống trở lại với đời sống văn hóa. Với những nỗ lực của mình, chiếc áo dài ngũ thân đã trở lại cùng những giá trị vốn có của nó. Vừa qua, tác giả Đinh Hồng Cường cũng đã cho ra mắt cuốn "Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận" với những nghiên cứu cụ thể về áo dài ngũ thân.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường (áo đỏ) vẫn miệt mài với việc đưa áo dài truyền thống trở lại với đời sống văn hóa người Việt.

Không mặc áo dài - người Việt vô tình quảng bá thương hiệu miễn phí cho người phương Tây

Do đâu anh có hứng thú với chiếc áo dài Việt và đặc biệt là áo dài nam?

- Đất nước đổi mới, hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng chính là dịp mình phải tìm lại chính mình, tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc để "Hòa nhập mà không hòa tan". Đáng buồn một nỗi, người Việt Nam (người Kinh sống ở miền xuôi, vùng đất kinh kỳ, đồng bằng, lại chiếm đa số dân số cả nước) chưa thống nhất được bộ trang phục truyền thống của nước mình mà người đàn ông nào đến tuổi trưởng thành đều mặc Âu phục (bộ comple, veston) mà không hề biết rằng mình quảng bá thương hiệu miễn phí cho người phương Tây.

Vì lòng tự tôn dân tộc, vì yêu văn hóa cổ truyền tôi phải lội ngược dòng tìm về với cổ phục, trong đó để tâm sâu nghiên cứu bộ "quốc phục" áo năm thân gài khuy, cổ đứng, tay chẽn, tiền thân của bộ trang phục áo dài Việt Nam, một tên gọi mới xuất hiện từ khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX.

Có một điểm thú vị, trong cuốn "Phủ biên tạp lục", nhà bác học Lê Quý Đôn ghi: "Đến như phụ nữ mặc áo ngắn hẹp tay giống nam giới thì Bắc quốc không có như vậy", chi tiết "áo ngắn hẹp tay" dùng cho cả hai giới nam, nữ Việt Nam chính là bộ "quốc phục" áo dài như tên gọi ngày nay. Bộ trang phục này trước đây, tính từ thời điểm chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) ban chiếu dụ buộc người dân xứ Đàng Trong mặc chung một kiểu trang phục "quần chân, áo chít" không dài như bây giờ.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 2.

 Tại sao phải mặc áo dài đúng cách? Áo dài có ý nghĩa gì trong cuộc sống hiện nay?

- Theo truyền thống, bộ trang phục này có tên là áo năm thân gài khuy, cổ đứng (cổ giếng), tay chẽn đã phần nào nói lên hình dáng của nó: Áo gồm 5 thân. Hai thân trước được ghép viền, nối sống theo đường trục tung (đường trung phùng) từ cổ xuống tận gấu áo. Hai thân sau cũng được ghép nối tương tự và một thân áo con nằm ẩn bên trong hai thân áo trước (vạt cả), phía tay phải người mặc áo. Đối với nam giới, chiếc áo này được mặc ở bên ngoài bộ quần áo lót trắng bên trong, tạo ra sự nhấn nháy màu trắng lộ ra ở cổ áo, cổ tay và ở sườn. Bộ trang phục này luôn đi cùng với một chiếc khăn vấn/đóng màu đen và chân đi đôi giày Tây màu đen tạo ra một sự năng động, hoạt bát.

Xét về ý nghĩa, như chúng ta đã biết, mặc bộ trang phục lên người không chỉ đơn thuần được hiểu là che đi cơ thể mà còn là một biểu hiện văn hóa. Thông qua sắc phục, người đối diện có thể đoán biết người đang mặc trang phục đến từ quốc gia nào, giàu hay nghèo, đúng hơn là biết được địa vị xã hội. Đối với bộ "quốc phục" áo năm thân gài khuy được thế hệ trẻ hôm nay phục dựng lại và đang ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước như muốn nhắn nhủ chúng ta vài nội hàm:

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 3.

Thứ nhất: Người Việt có quyền tự hào về một kho tàng trang phục truyền thống, đặc biệt là bộ trang phục áo ngũ thân gài khuy đã từng được mặc phổ biến dưới thời các vị chúa Nguyễn ở Đàng Trong và được mặc phổ biến ra cả Bắc Hà, từ thời vua Minh Mạng (1820 – 1841) trở đi mà trở thành bộ quốc phục. Từ vua, quan đến thứ dân đều mặc chung một kiểu trang phục ấy, chỉ khác nhau ở chất liệu, màu sắc và hoa văn. Bộ quốc phục này chưa từng bị mất đi. Nó vẫn được anh Hai vùng văn hóa Kinh Bắc, những người theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh, trên sân khấu chèo, quan họ, cải lương… trong các nghi lễ thờ cúng tâm linh ở đình, đền… gìn giữ và bảo tồn.

Thứ hai: Ở phương diện đối ngoại, nước Việt Nam chúng ta cũng có sắc phục riêng, có nền văn hóa trang phục riêng. Thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm lan tỏa, phổ biến sâu rộng bộ trang phục áo ngũ thân này đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 4.

Đa phần những người từ trung niên trở lên mang tâm lý mặc cảm, không muốn nhắc đến bộ trang phục "áo the khăn xếp" này vì bị quy kết là hình ảnh của chế độ phong kiến còn rơi rớt lại, của cường hào ác bá, của tầng lớp thống trị.

Áo dài the khăn xếp từng bị quy kết là hình ảnh của chế độ phong kiến 

Khi làm dự án quảng bá cho chiếc áo dài ngũ thân truyền thống anh gặp những khó khăn gì?

- Từ sau năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị cũng là lúc bộ trang phục này bị quy kết là hình ảnh của chế độ phong kiến còn rơi rớt lại, của cường hào ác bá, của tầng lớp thống trị. Cho nên, sau Hiệp định Geveve 1954, dường như miền Bắc hoàn toàn vắng bóng chiếc áo này. Nó chỉ còn tồn tại trên sân khấu điện ảnh, trong văn học, tranh biếm họa, tranh cổ động nên nó đã bị khúc xạ, méo mó.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 5.

Cuốn "Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận" - tác giả Đinh Hồng Cường vừa được ra mắt năm 2020.

Đa phần những người từ trung niên trở lên mang tâm lý mặc cảm, không muốn nhắc đến bộ trang phục "áo the khăn xếp" này. Tầng lớp trẻ tuổi lớn lên sau chiến tranh thì không nhận diện ra đâu là truyền thống, đâu là lai căng. Cho nên, việc tìm kiếm nghệ nhân may được bộ trang phục này theo lối xưa của các cụ đã khó, việc quảng bá nó còn khó gấp bội phần. Những người yêu cổ phục như chúng tôi thuộc về số ít, lại vừa làm vừa thăm dò dư luận. Thêm nữa, tinh thần "ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng" là một trở ngại đáng kể bởi phải tự bỏ tiền túi ra để làm chương trình mà không biết hiệu ứng lan tỏa trong cộng động tích cực hay tiêu cực. Vì thế chúng tôi phải rất kiên tâm, bền bỉ, tranh thủ truyền thông, vận động hành lang đến giới lãnh đạo Nhà nước để họ cùng chung tay làm. Rất may, xã hội cũng dần dần thay đổi quan niệm và ủng hộ việc làm này của chúng tôi.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 6.

Một trong những hoạt động phục dựng áo dài ngũ thân trên phố cổ Hà Nội năm 2020 của nhóm Đình làng Việt.

Năm vừa qua anh và nhóm đã có những hoạt động gì liên quan đến áo dài ngũ thân?

- Chúng tôi xin điểm một vài sự kiện chính:

Tham gia hội thảo khoa học cấp quốc gia về áo dài ở Hà Nội (ngày 26/6/2020); Tham gia hội thảo khoa học cấp quốc gia ở Huế: Kinh đô áo dài Việt Nam (8/7/2020); Tham gia tuần lễ trang phục các nước ASEAN 2020 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (từ 21-28/10/2020); Tổ chức hội thảo khoa học về áo ngũ thân truyền thống tại 50 Đào Duy Từ, Hà Nội (21/11/2020); Kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam do Ban Quản lý di tích Phố cổ phối hợp với CLB Đình Làng Việt, giới thiệu áo ngũ thân đến với đông đảo công chúng ở Thủ đô (22/11/2020).

Trong năm và toàn bộ thời gian qua nhóm đã có những thành quả gì với dự án về áo dài truyền thống?

- Xét ở phương diện phổ quát, ý niệm "áo ngũ thân truyền thống" đã dần dần đi vào tiềm thức của đông đảo công chúng trong cả nước nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ Thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Điện ảnh, báo chí, truyền thông và đặc biệt của rất nhiều hội, nhóm, công ty trẻ yêu cổ phục như: Ỷ Vân Hiên, Việt Cổ Phục, CLB Đình Làng Việt, Việt Cổ phong… Đặc biệt, các em học sinh ở một số trường đã bắt đầu đặt may, thuê áo ngũ thân và rất lấy làm tự hào về bộ trang phục rất nền nã và ấn tượng.

Ngày 10/10/2020, cá nhân tôi cũng có ra mắt cuốn sách: "Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận" tại nhà Thái học – Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 8.

Mọi người muốn mặc chiếc áo dài đúng cách thì có thể tìm mua hoặc may ở đâu?

- Hiện tại có nhiều cửa hàng cho thuê/bán cổ phục ở cả trong Nam và ngoài Bắc. Chỉ cần nhấp chuột là thấy hiện ra một danh sách dài. Người mặc có thể tha hồ lựa chọn kiểu dáng, mẫu mã và giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, là người nghiên cứu về áo ngũ thân gài khuy, tôi phát hiện ra mấy nhược điểm của cơ thể người mặc khiến cho việc may sẵn không mấy hiệu quả: bụng bia; cổ suông, cổ ngắn; tay ngắn, dài quá cỡ… mỗi người một form dáng khác nhau nên mặc đồ may sẵn sẽ không đẹp bằng đồ may đo.

Áo dài – trang phục không chỉ để che đi cơ thể mà là một biểu hiện văn hóa (Bài Tết) - Ảnh 9.

Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vừa triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động của Sở mặc áo dài truyền thồng trong ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng.

Về địa chỉ may uy tín ở ngoài Bắc, những người có nhu cầu có thể liên hệ với công ty Ỷ Vân Hiên ở Hà Nội, anh Đỗ Minh Tám – nghệ nhân làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Ở Huế có Quang Hòa; Ở miền Nam có Trần Nguyễn Trung Hiếu, Trúc Hoàng, Viên Hoàng Tuấn… Và dĩ nhiên, cá nhân tôi cũng có thể giúp chọn vải, may đo giúp mọi người.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem