Thay vì trò chuyện trong một trụ sở khá khiêm tốn, nhỏ bé ở ngoại vi thành phố Thái Bình như cách đây 2 năm, lần này câu chuyện của chúng tôi diễn ra trong một tòa building 15 tầng, đẹp và hoành tráng nhất nhì của quê lúa Thái Bình, cũng là trụ sở mới của ThaiBinh Seed. Trong căn phòng còn thơm mùi sơn ở tầng 6 của tòa nhà, người đàn ông sinh năm Canh Dần (1950) luôn nhận mình là "New Farmer" - nông dân mới, vừa cười đón chúng tôi vừa lật dở những tập sách vừa được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gửi tặng đến. Đó là những cuốn sách về kinh tế, triết học, mỹ thuật, khoa học...

Hỏi thì ông chia sẻ, dù bận rộn với rất nhiều công việc nhưng có 3 sở thích mà ông không thể bỏ qua mỗi ngày: đó là xuống đồng lội ruộng, chơi thể thao (cầu lông) và đọc sách. Ông thích đọc sách kinh tế, ngoại ngữ về khoa học giống, về các câu chuyện văn hóa... Ngoài đọc sách, ông còn thích viết và đã từng in sách. Đi đâu ông cũng viết, ghi chép cẩn thận, lên máy bay ông toàn chạy xuống ngồi khoang dưới cùng rồi hý hoáy viết vào sổ, gõ vào máy tính. Cuốn tự truyện Đối thoại với cánh đồng của ông viết về quãng đời làm nông dân, về hành trình đi lên từ gian khó, về những chuyến đi năm châu bốn biển... đang được ông sửa, viết thêm nhiều chương từ những chuyến đi như vậy. "Tôi chỉ là nông dân, không phải người viết sách, càng không phải là nhà văn nên thấy gì kể nấy. Hy vọng điều mình viết sẽ có ích cho thế hệ trẻ, cho người nông dân hôm nay"- ông chia sẻ khi bắt đầu cuộc nói chuyện với chúng tôi như vậy.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 2.

Không lúc nào ông- một CEO hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng tự nhận mình là lãnh đạo, là Tổng giám đốc, mà đi đâu, gặp ai ông cũng giới thiệu: I am new farmer. Thú thực, nhiều người vẫn còn e ngại khi nhắc đến xuất xứ nông dân của mình, nhưng với ông thì được làm người nông dân, lại là người nông dân mới là cả một sự tự hào?

- Tôi xuất thân từ nông dân, cha mẹ tôi là nông dân, tôi đang phục vụ nông dân và tôi có được như ngày hôm nay cũng chính nhờ người nông dân. Vậy nên, không tự hào sao được? Sao phải chối bỏ điều đó? 

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 3.

Năm 2019, tôi đến Paris (Pháp) dự Diễn đàn Người Việt Nam có ảnh hưởng toàn cầu, với 300 đại biểu đến từ 28 quốc gia. Thành phần rất đa dạng, có nhiều quan điểm rất khác nhau. Tôi là 1 trong 2 đại biểu đến từ Việt Nam được mời dự và phát biểu. Đối với tôi, đây là một vinh dự lớn nhưng trình bày như thế nào để thuyết phục các đại biểu là một thách thức không hề nhỏ. Sau khi suy nghĩ, tôi chọn chủ đề là Tự hào nông dân Việt Nam để chia sẻ. Đứng giữa khán phòng lộng lẫy, với hàng trăm đại biểu, tôi nói: Tôi dự diễn đàn này không phải tư cách của một nhà lãnh đạo, doanh nhân mà là Một Người Nông Dân. Một người nông dân đã đóng góp cho đất nước cả xương, máu trong 2 cuộc chiến và cả trong làm giàu cho quê hương Việt Nam.

Bài thuyết trình bắt đầu từ tấm ảnh do Nghệ sĩ Võ An Ninh chụp cảnh 2 đứa trẻ chết đói ở đường phố Thái Bình, xa xa là người phu gò lưng kéo xe ba gác, chở nhiều người chết đói; đến những con số về đất nước Việt Nam trở thành 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu và là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới... 

Còn gì tự hào hơn điều đó? Tôi kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay, trở về chỗ ngồi, tôi được nhiều đại biểu ùa đến bắt tay, ôm hôn thắm thiết...

Cảm xúc của tôi lúc đó vỡ òa, rồi chợt nghĩ: Làm sao mình có niềm hạnh phúc, vinh dự này nhỉ? Câu trả lời, có lẽ do mình là người nông dân...

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 4.

Ngoài việc"ăn sóng nói gió" trên các diễn đàn, nghe kể ông còn là người nông dân biết sẩy biết sàng, biết xay thóc, giã gạo. Giả sử bây giờ cho ông làm một người nông dân, với các công việc thuần túy kể trên,  ông có thấy khó khăn  nào không?

- Không hề nhé. Muốn gắn bó với nghề nông thì phải bắt đầu từ những việc như  vậy. Tôi giờ không phải chân lấm tay bùn nhưng làm những điều như anh nói thì hoàn toàn vô tư. Vừa rồi, ở quê tôi cũng cho phục dựng lại những đồ vật gắn với tuổi thơ làm nông, chăn trâu cắt cỏ của mình. 

Tôi là con cả trong gia đình có 10 người con, lên bảy, tám tuổi đã phải nửa ngày đi học, nửa ngày đỡ đần giúp bố mẹ đủ việc: Nấu cơm, bế em, xay thóc, giã gạo. Nghe lời mẹ dặn: Làm trai tập sẩy tập sàng/ Đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn, nên tôi tập cả sàng sẩy gạo (xay gạo xong thì sàng, sẩy cho hết trấu, lấy gạo lứt cho vào giã), rồi dần gạo. Đây là công việc của phụ nữ, nhưng tôi làm khéo đến nỗi các chị, các cô sang chơi ai cũng khen: Thằng Báo khéo tay lại chịu khó, sau này cứ là gái theo hàng đàn. 

Không chỉ sẩy, sàng, tôi còn biết cả xay thóc, giã gạo. Khổ cực vô cùng. Thời đó, tôi bé như que kẹo, kéo được cái cối xay gạo rất vất cả. Mỗi lần xay thóc, tôi phải đứng thật vững, hai tay phải bám chặt vào tay xay, rồi oằn mình, mím môi đẩy đi đẩy lại cái thớt cối xay. Xay được yến thóc, phải đẩy cả nghìn lần như thế mới xong.

Người nông dân bây giờ đỡ vất vả hơn xưa nhiều rồi vì máy móc, phương tiện cơ giới đưa vào sản xuất nhiều, rồi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 cũng đang phát triển. Mỗi lần nghĩ về ngày xưa đói khổ, vất vả tôi thấy rất đỗi tự hào, xem như đây là những kỷ niệm mãi  nhớ không quên, để cố gắng, để nỗ lực hơn.      

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 5.

Từ một người nông dân, ông đã vươn lên thành Tổng giám đốc một tập đoàn hàng đầu về giống cây trồng của Việt Nam. Ghi nhận điều đó, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông nghĩ Nhà nước phong tặng danh hiệu này cho ông vì những đóng góp nào của bản thân cho ngành nông nghiệp, cho đất nước?

-Tôi nghĩ mình được phong Anh hùng Lao động là sự kiện bình thường, tôi chỉ là người đại diện thôi, còn để có được danh hiệu này thì dứt khoát phải gắn liền với ThaiBinh Seed. Mà đã gắn với ThaiBinh Seed thì phải gắn với các thế hệ lãnh đạo, người lao động trong suốt 50 năm qua. 

Suốt khoảng thời gian ấy, kim chỉ nam trong mọi hoạt động của ThaiBinh Seed là làm theo lời dạy của Bác. Muốn có nhiều lúa gạo thì phải tăng năng suất, muốn tăng năng suất phải làm tốt nhiều việc, trong đó có việc cung cấp giống lúa tốt cho nông dân. 

50 năm qua, ThaiBinh Seed đã trung thành với việc làm này và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôi chỉ là người đại diện xứng đáng để được đại diện đón nhận danh hiệu cao quý này. 

Nguyên tắc làm việc của tôi là luôn đặt quyền lợi của bà con nông dân, của cán bộ công nhân viên của công ty lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Tôi tâm đắc một điều rằng, ThaiBinh Seed tồn tại vì lý do gì, nếu không phải là để nâng cao đời sống của người nông dân trên cả nước? Đây chính là động lực, là cội nguồn làm nên sức mạnh, sự phát triển của công ty chúng tôi.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 6.

Trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn ông cũng đã nói rất kỹ về lịch sử ra đời của ThaiBinh Seed, nhưng có một điều mà nhiều người vẫn thắc mắc là giai đoạn Thái Bình thực hiện cuộc cách mạng 5 tấn/ha, giúp miền Bắc cứu đói, giúp tiền tuyến miền Nam đánh thắng giặc thì ông đang ở đâu, đang làm gì?

- Đó là năm 1965. Thực sự đó là những năm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đây là giai đoạn Thái Bình và cả miền Bắc vừa kiên cường chống trả giặc Mỹ vừa hăng hái "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Giai đoạn này, quê tôi diễn ra chiến dịch khai hoang lấn biển rất lớn: Đắp đê Ấp Bắc để ngăn biển, khai hoang hàng ngàn ha ruộng. Không khí trên công trường lúc nào cũng sôi động. Cả xã tôi không nhà nào không có dân công ở, gánh đất từ trong đồng ra đắp đê, toàn bằng vai và tay.

Đến năm 1966, Thái Bình đã lập kỳ tích: Đưa năng suất lúa đạt 5 tấn/ha. Tôi năm đó mới 16 tuổi cũng như hàng vạn người khác, ban ngày vừa đi học vừa làm ruộng, đắp đê, ban đêm cùng anh em đi tuần tra ngoài biển. Thời điểm đó, Bác Hồ về thăm Thái Bình và có nhấn mạnh: phải tăng năng suất lúa gạo để cứu đói cho miền Bắc chi viện cho miền Nam. Dù còn rất trẻ nhưng tôi đã cảm nhận được sâu sắc tâm nguyện của Bác: đó là tâm nguyện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mà muốn đánh thắng giặc Mỹ thì phải chi viện, đảm bảo lương thực cho miền Nam.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 7.

Theo ông đâu là yếu tố tạo nên kỳ tích 5 tấn thóc/ha của Thái Bình, là nhờ làm thủy lợi, đắp đê lấn biển; nhờ giống tốt hay là quyết tâm, ý thực hệ của toàn dân Thái Bình?

-  Bác Hồ đã có suy nghĩ đi trước thời đại khi nói "giống là một trong những yếu tố quan trọng", và đặc biệt là giống thuần chủng, giống do chính người Việt Nam lai tạo ra. Chỉ có bộ giống tốt mới tạo ra được năng suất vượt trội. Trên thực tế, việc năng suất lúa tăng cao ở Thái Bình là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau; khi đó toàn bộ bộ máy tổng lực cùng tham gia lao động: trồng bèo làm phân bón, xây dựng lại hệ thống thủy lợi… Có thể khẳng định Thái Bình là địa phương có hệ thống thủy lợi tốt nhất miền Bắc, gần như không có cảnh "chiêm khê mùa thối". Kỳ tích 5 tấn thóc/ha chính là tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng yếu tố giống là tiên quyết, mang tính chất sống còn. 

Cũng chính từ chuyến về thăm của Bác Hồ (1/1/1967), phòng giống đầu tiên của ngành nông nghiệp Thái Bình ra đời. Và các trại của phòng giống (Công ty giống Thái Bình sau này và Tập đoàn ThaiBinh Seed hiện nay) cũng lần lượt được thành lập. Đó chính là tiền thân, là cơ sở để chúng tôi xây dựng hệ thống Nhà máy, xưởng sản xuất và cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn giữ nguyên bộ máy như ngày đầu mới thành lập cách đây gần 55 năm.

Từ phòng giống trực thuộc Ty Nông nghiệp (Sở NNPTNT bây giờ), 5 năm sau Công ty giống Thái Bình được thành lập để thực hiện mục tiêu, "tham vọng" lớn lao của tỉnh lúc bấy giờ, đó là xây dựng Chương trình cấp 2 hóa giống lúa. Bắt đầu từ năm 1972 với quyết tâm toàn bộ nông dân Thái Bình sử dụng giống lúa cấp 2 trong sản xuất và công ty giống là đơn vị thực hiện việc này.

Sự ra đời của Công ty giống ngoài mục đích nâng cao năng suất, chất lượng lúa ở địa phương, thì phía sau đó còn là ý nghĩa to lớn hơn, đó là hình thành nên phong trào thành lập các công ty giống ở nhiều địa phương miền Bắc, mà Thái Bình chính là ngọn cờ đi đầu. 

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 8.

Sứ mệnh khi thành lập Công ty giống là cung cấp giống hay còn nhằm mục tiêu, ý nghĩa nào khác không? Việc vận hành cả hệ thống theo guồng quay đó, nhất là triển khai Chương trình cấp 2 hóa giống lúa, có khó không, đặc biệt việc thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp ngành có gặp cản trở gì không thưa ông?

- Khi triển khai Chương trình cấp 2 hóa giống lúa thì có sự quyết tâm đồng nhất từ lãnh đạo tỉnh cho đến cán bộ địa phương. Tất cả đều một ý một lòng bởi khi ấy đói lắm, chỉ nghĩ làm sao có nhiều lúa gạo để khỏi đói; chứ không nghĩ đến tiền, đến kinh tế thị trường. Bởi thời điểm đó có tiền cũng đâu mua được gì, lạm phát lên tới 720% thì tiền có ý nghĩa gì?. Cho nên ngoài mục đích cung cấp giống tốt cho nông dân trong tỉnh thì chưa nghĩ đến mục tiêu xa xôi nào khác.

Thứ hai, hệ thống kinh tế khi đó là hệ thống kế hoạch hóa. Trên bảo là dưới làm, không có bàn cãi, bàn ra tán vào gì hết. Bây giờ thực hiện dự án nào còn phản biện đủ thứ, chứ thời điểm đó Nghị quyết của Tỉnh ủy giao xuống là huyện phải làm. 

Khi đó huyện giao cho Công ty xây dựng 7 trạm giống huyện, xây dựng mỗi huyện 3-4 HTX, 1 vạn mét vuông sân, 2.000 mét vuông kho tạm. Sau đó phơi xong, đưa về mỗi huyện là 1.000-2.000 tấn giống lưu kho, chính bản thân tôi phải đi xây dựng hệ thống kho đấy.

Chương trình chủ trương từ năm 1972 nhưng triển khai thành công bắt đầu từ năm 1976 và đến năm 1979 thì hoàn thành với 15.000 tấn giống cấp 2 trên toàn tỉnh. Năng suất lúa Thái Bình lúc đó vọt lên 7 tấn chứ đâu còn 5 tấn nữa. Mà vẫn chỉ là những giống lúa cũ đã đưa vào gieo cấy trước đây chứ chưa hề có giống mới, nhưng năng suất thì chạm ngưỡng 7 tấn thóc/ha.

Còn về việc thay đổi tư duy thì tôi xin kể câu chuyện như này: Cách đây 3 tháng tôi có đến thăm vị Giám đốc đầu tiên của Công ty để ghi hình cụ, phục vụ cho Lễ kỷ niệm 50 năm. Cụ năm nay 99 tuổi rồi, và cũng chỉ nói được duy nhất một câu: "Lúc đó chưa ai làm, nghề làm giống chúng ta làm đầu tiên cho nên chẳng biết làm thế nào. Thôi thì cứ theo Bác Hồ nói: vừa học vừa làm". Chúng tôi hỏi lại 3 lần cũng chỉ nói y nguyên như thế. Kể câu chuyện này là tôi muốn nhấn mạnh, với thế hệ lãnh đạo Công ty thời kỳ đầu, tư duy phải làm giống tốt, vừa học vừa hoàn thiện mình… nó đã ăn sâu vào tiềm thức rồi, không có gì cản trở, thay đổi điều đó.

Thế nên nếu nói khó không thì: KHÓ, bởi vì khi đó không có tiền, lại quá mới chưa ai làm mà học tập rút kinh nghiệm cả, nhưng nhờ quyết tâm cao của cả hệ thống nên Chương trình đã thành công rực rỡ và gây tiếng vang lớn.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 9.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 10.

Lịch sử của Thái Bình có 2 mốc son quan trọng và 2 thành công mang tính đột phá để tạo nên thương hiệu, hình hài sau này của Thái Bình. Một là Chương trình cấp 2 hóa giống lúa mà ông vừa nói, thứ 2 là việc khoán sản phẩm đến từng hộ dân, từng cá thể; Thái Bình là một trong những điểm sáng của thời đó. Ông có thể chia sẻ thêm về việc "đi trước một bước"của Thái Bình?

- Sau khi Chương trình cấp 2 hóa giống lúa thành công năm 1982, toàn bộ hệ thống đã xây dựng của Chương trình được bàn giao về cho các huyện quản lý; nhưng đáng tiếc là không địa phương nào gìn giữ và duy trì được hệ thống sân kho, nhà kho. Chưa kể khi chúng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới thì ruộng do dân quản lý, không ai cung cấp giống cho dân, họ cũng không còn "bầu sữa mẹ" từ huyện nữa nên năng suất lúa đi xuống. Thành quả của cả Chương trình không còn nữa.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 11.

Đây cũng chính là giai đoạn tôi cho là "đen tối" nhất của thời kỳ bao cấp khi mọi thứ đều phân phối, đồng tiền không có giá trị. Và cũng thời điểm này, tôi được giao nhiệm vụ xuống trại giống Đông Cơ. Tôi nhớ như in ông Giám đốc lúc bấy giờ gọi tôi lên và bảo: "Cơn bão vừa đi qua quét Trại Đông Cơ không còn gì, cả tỉnh được Trung ương cho 2 triệu. Tỉnh phân bổ về cho Công ty để sửa chữa trại giống này, nhưng khi nào quyết toán công trình thì mới nhận được tiền. Và phải thực hiện quyết toán trước 31/12. Hôm này là ngày 13/11, nghĩa là còn 1 tháng 17 ngày nữa. Tỉnh và Sở chọn đồng chí để thực hiện việc này".

Tôi nhận nhiệm vụ khi trong tay không 1 tấc sắt, không 1 đồng tiền, không có bản vẽ thiết kế mà phải xây dựng lại cơ sở của một cái trại vừa bị bão càn quét. Nhưng tôi không phản ứng dù chỉ một lời, vui vẻ nhận việc. Trong khi ấy nhà 3 đứa con, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa bé được vài tháng; tôi vẫn quyết tâm đi. Và đúng 31/12/1986 tôi đổ mái xong khu nhà xưởng của Trại Đông Cơ.

Và các anh có biết tôi làm cách nào không? Tôi lấy lúa đổi xi măng, đổi sắt; đi vay gạch, vay cát… cứ như vậy đúng 1 tháng 17 ngày làm xong. Cho đến giờ mỗi khi nói với anh em trong Tập đoàn, tôi vẫn thường nhắc lại thời kỳ đó. Khó như thế vẫn làm được thì không có cớ gì mà giờ anh em lại đem khó ra để làm lý do thoái thác việc hoàn thành nhiệm vụ.

Khi tôi hoàn thành công trình "thần tốc" đó thì nhận quyết định về làm Trưởng trại Đông Cơ luôn. Cơ sở vừa hoàn thành thì Tỉnh yêu cầu chia sẻ với một đơn vị khác, chúng tôi lại tự đóng gạch để xây nhà xưởng, xây khu làm việc cho đơn vị mình. Tuy nhiên lúc ấy tôi đã cảm nhận rõ: việc có một nơi lưu trú thôi chưa đủ, phải làm sao có lương, làm sao đưa năng suất lên được, làm sao thay đổi được đời sống của trại viên. Chính vì vậy tôi đã xây dựng Đề án Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 12.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 13.

Chắc hẳn Đề án đó đã gây ra "cơn địa chấn" không hề nhỏ đúng không ông?

- Sau khi rà soát mọi thứ, rất kỹ, thấy đề án ổn, không còn gì lấn cấn tôi xin gặp Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, ông Chu Rị để báo cáo. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Chu Rị chỉ nói ngắn gọn: "Chú cứ làm đi. Anh cũng đang bí đây. Nếu có khó khăn gì báo cáo cho tôi biết".

Sau đó ít ngày, một Hội nghị cán bộ chủ chốt của Công ty Giống Thái Bình được tổ chức, mời Ban Kinh tế tỉnh ủy, mời Ban Nông nghiệp, Văn phòng Ủy ban, mời Phòng quản lý nông nghiệp của Sở… ngồi nghe tôi thuyết trình. Tôi đi xe khách 2 tiếng đồng hồ lên báo cáo, kèm theo 1 tập tài liệu dày bịch. 

Tôi trình bày hơn 2 tiếng, thảo luận hết gần buổi sáng, cuối cùng ông Chủ tịch Công đoàn nói thế này: "Cậu này lý luận suông. Tôi không đồng ý và đề nghị ghi vào nghị quyết buổi họp hôm nay, đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động. Bây giờ người ta đang làm theo ngày công hưởng theo ngày công thì lại bắt người ta hưởng lương theo sản phẩm. Biết sản phẩm như thế nào mà hưởng". Nhiều ý kiến khác cũng phản đối. Riêng Giám đốc Công ty lúc đó phân vân bởi không cho làm thì bản thân ông cũng bí, vì Công ty cũng hết sức khó khăn. Cho làm thì vi phạm đường lối chính sách, cơ chế quản lý kinh tế của Đảng, không cẩn thận cũng chết.

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 14.

Đầu giờ chiều thảo luận, tôi xin phép Hội nghị cho tôi được phát biểu ý kiến trước khi Giám đốc kết luận buổi họp. Tôi trình bày: Thứ nhất, tôi không lý luận suông mặc dù tôi là người trẻ nhất trong Hội nghị này (năm đó ông 37 tuổi – PV) và cũng là người học ít nhất nhưng C. Mark nói "nếu lý luận được tổng kết từ thực tiễn, áp dụng quay trở lại thì đó là lực lượng vật chất không phải là lý luận nữa". Thứ hai, tôi Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty này từ tháng 3/1983 cho đến khi tôi viết Đề án này là năm 1987, suốt 4 năm tôi đã hiểu ngọn ngành Công ty này. Và trước khi lên đây báo cáo, tôi đã cho làm thử ở 1 đội trong mùa vụ vừa rồi thì kết quả là đội đó năng suất cao nhất, thu nhập của người nông dân cũng cao nhất mà lại nhàn nhất".

Tôi còn nhớ tôi đã nói rất cương quyết trước Hội nghị rằng: "Chúng ta không làm, chúng ta sẽ có tội với lịch sử, bởi vì theo một nguyên lý người lao động phải được hưởng giá trị sáng tạo của họ, công sức của họ thì họ mới thực sự lao động. Tôi tin rằng nếu nay chúng ta không làm, sau này sẽ có người khác làm".

Cuối cùng, Công ty báo cáo với Tỉnh ủy đồng ý cho ông Báo làm thử 1 năm. Kết quả là năng suất tăng 20%, đời sống người lao động từ 13kg gạo lên 40kg gạo. Báo chí về viết bài ầm ĩ, và nhanh chóng trở thành phong trào lan ra cả tỉnh Thái Bình hồi bấy giờ.

Ngày được Tỉnh ủy và Công ty đồng ý cho thực hiện thử nghiệm Đề án khoán sản phẩm cuối cùng tới tay người lao động là ngày hạnh phúc của cuộc đời tôi. Cho đến giờ khi chia sẻ với anh em trong cơ quan tôi vẫn nói đó là những tháng ngày cực kỳ hạnh phúc. Đón nhận danh hiệu Anh hùng cũng là một sắc thái hạnh phúc, nhưng so với việc được cấp trên tin tưởng, giao cho mình thực hiện ý tưởng sáng tạo thì không hạnh phúc nào sánh bằng. 

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 15.

Từ một doanh nghiệp nhỏ bé của địa phương, ThaiBinh Seed hiện nay được xếp vào Công ty hàng đầu của cả nước về giống; cá nhân ông có hài lòng với thành quả này không? Mục tiêu tới đây ông đặt ra cho mình cũng như cho Thái Bình Seed là gì?

- Khi tôi gửi lời mời tới Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ThaiBinh Seed tới đây, ông nói với tôi rằng: "Lễ kỷ niệm của ThaiBinh Seed sẽ không giống với bất cứ lễ kỷ niệm của Công ty nào. Bài học thành công của ThaiBinh Seed xứng đáng áp dụng cho cả nước, và chính ThaiBinh Seed góp phần đổi mới cơ cấu giống lúa của Việt Nam". Cho nên để nói là không hài lòng với thành quả hiện nay thì đó là điều phụ bạc với công sức của các thế hệ người lao động trong 50 năm qua.

Tôi không dám nói cấp Trung ương, cấp quốc tế, nhưng xét ở cấp tỉnh thì ở 63 tỉnh, thành của Việt Nam không tỉnh nào có Công ty giống sở hữu vị thế như ThaiBinh Seed. Tất nhiên, ThaiBinh Seed  hoàn chỉnh chưa thì chưa hoàn chỉnh, đặc biệt xuất sắc không tôi cũng chưa dám nhận điều đó, nhưng chúng tôi hài lòng với công sức mình bỏ ra, hài lòng với cố gắng để có được thành quả như ngày hôm nay.

Còn thực sự thỏa mãn thì không, đây chỉ là nấc thang trên con đường đang đi của ThaiBinh Seed. Nếu dừng lại mình sẽ đi xuống, thế nên ThaiBinh Seed không bao giờ ở đỉnh cả, mà phải cố gắng, tiếp tục cố gắng hơn nữa. 

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 16.

Nếu để mường tượng hình hài của ThaiBinh Seed trong 10 năm, 20 năm hoặc xa hơn nữa thì sẽ có gì ngoài giống, thưa ông? Liệu có thêm loại hình kinh doanh thương mại, khách sạn du lịch hay một hình thức đầu tư nào khác không?

- Đúng là 50 năm trước ThaiBinh Seed mới chỉ nghĩ đến giống lúa cho nông dân thôi, chứ chưa thể nghĩ đến việc có viện nghiên cứu, có nhà máy chế biến giống, nhà máy chế biến gạo chất lượng cao rồi Trung tâm Thương mại… Nhưng giờ vị thế đã hoàn toàn khác, thậm chí cách đây 5 năm tôi cũng chưa nghĩ mình sẽ có một khu văn phòng đẹp như thế này. 

Bởi vậy, khi dọn Trụ sở về đây, tôi cảm giác như một phần giấc mơ đã thành hiện thực, giấc mơ này chính là sự kết tinh của 50 năm mới có được, thế nên phải sống làm sao để xứng đáng với điều đó. Và 50 năm tới, ThaiBinh Seed sẽ vẫn trung thành lời hứa với Bác Hồ là đồng hành cùng người nông dân, nhưng là người nông dân mới. Người nông dân có tri thức, người nông dân là doanh nhân, có kiến thức khoa học; am hiểu kinh tế thị trường và am hiểu quy luật của kinh tế thị trường. 

Mà muốn đồng hành cùng người nông dân mới thì cũng phải giống họ, đó là có kiến thức, tri thức khoa học, am hiểu thị trường… thậm chí phải hơn họ. Việc này tôi cũng đã báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, báo cáo Tỉnh ủy xin phép đưa vào văn bản, hình thành lộ trình xây dựng "Người nông dân mới – New farmer".

Anh hùng Lao động- CEO của ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Viết tiếp hành trình Người nông dân mới  - Ảnh 17.

Theo ông để thay đổi căn bản tư suy, suy nghĩ của một người nông dân cũ đến xây dựng "Người nông dân mới", thì hành trình này có khó khăn không,  phải bắt đầu từ đâu?

- Tôi nói rồi, làm cái gì cũng khó, nhưng vì lấy cái khó mà không làm thì đâu có ThaiBinh Seed hôm nay. Để làm xây dựng hình ảnh người nông dân mới, phải bắt đầu từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta vẫn đang là nước nông nghiệp, nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột phát triển nền kinh tế, do đó muốn phát triển đất nước phải có chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân nông nghiệp Việt Nam. Biến những người nông dân thành doanh nhân, biến nông thôn thành doanh nghiệp, và ThaiBinh Seed sẽ tiên phong đi đầu trong vấn đề này. 

Hành trình này sẽ có dài, gian khổ nhưng chúng tôi tin sẽ viết nên câu chuyện mới về người nông dân Việt Nam.

Xin cảm ơn ông và chúc ThaiBinh Seed sớm gặt hái thành công trên chặng đường đồng hành mới cùng nông dân!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem