Ăn xin, bán quần áo ở... nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 11/07/2016 15:49 PM (GMT+7)
“Chúng tôi đang đau đầu vì cảnh ăn xin trong nghĩa trang Đường 9 và chưa có cách gì để xử lý dứt điểm” - ông Hoàng Chí, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) cho biết.
Bình luận 0

Những ngày tháng 7, hàng ngàn người dân đổ về “đất lửa” Quảng Trị để dâng nén hương thơm kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc-nghĩa trang Đường 9. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tọa lạc ở phường 4, TP.Đông Hà) là nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ (trong đó có 6.000 hài cốt chưa biết tên).

img

Một đứa trẻ đeo bám khách dâng hương để xin tiền tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Thế nhưng, không khí trang nghiêm, thành kính ở nghĩa trang Đường 9 dường như bị phá vỡ bởi những bàn tay nhỏ bé chìa ra nài nỉ, níu kéo xin tiền.

Hơn thế, nghĩa trang còn trở nên nhếch nhác bởi nhiều người phụ nữ đem từng bao tải lớn áo quần bán ngay bên trong nghĩa trang… Có những vị khách gặp hoàn cảnh éo le khi bị xin tiền, níu kéo mua hàng ngay ở khu vực vệ sinh.

img

Thanh niên khoảng 30 tuổi ngửa tay xin tiền khách dâng hương sau khi dùng một vài chiêu đánh vào lòng thương hại.

“Có thể người ta nghèo quá, không có việc làm thì buộc phải đi ăn xin. Nhưng ăn xin ở đâu chứ vào nơi trang nghiêm như nghĩa trang Đường 9 để ăn xin thì...” – ông Nguyễn Văn Nghi (quê Nghệ An) – khách dâng hương nói.

Ông Hoàng Chí, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) cho biết, tình trạng ăn xin, bán hàng rong trong nghĩa trang làm giảm sự tôn nghiêm, gây bức xúc cho người dâng hương.

“Chúng tôi đã phối hợp với công an, chính quyền phường 4, TP.Đông Hà tuyên truyền cho người dân hiểu nhưng tình trạng không được cải thiện nên hết sức đau đầu” – ông Chí nói.

img

Một vị khách bị em bé chặn xin tiền ngay ở nhà vệ sinh trong khuôn viên nghĩa trang.

Bà Lê Thị Anh Đào – Chủ tịch UBND phường 4 (TP.Đông Hà) cho biết, các em nhỏ ăn xin ở nghĩa trang là con em ở địa phương. Chính quyền phường đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, công an phường cũng tuần tra, nhắc nhở vào những ngày lễ, ngày rằm… nhưng không mấy hiệu quả.

img

Nhiều người phụ nữ mang quần áo vào khu vực nghĩa trang bán.

“Các em thuộc gia đình khó khăn, có đi học nhưng chưa ý thức được hết việc mình làm. Trẻ con thích tiền nên cứ lẻn vào xin như vậy. Quan trọng là Ban quản lý nghĩa trang phải xử lý nghiêm. Chính quyền phường chỉ phối hợp chứ không có thời gian tuần tra thường xuyên được” – bà Đào nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem