An Giang: Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị thủy sản

Hồng Cẩm Thứ tư, ngày 28/10/2020 05:19 AM (GMT+7)
“Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường” là chủ đề Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT An Giang tổ chức sáng 27/10.
Bình luận 0

Nhiều mô hình hiệu quả

Những năm gần đây, Trung tâm khuyến nông quốc gia đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn khuyến ngư ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến với bà con nông dân. 

Tại các mô hình trình diễn, bà con nông dân được tận mắt nhìn thấy những thành công nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo.

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị thủy sản - Ảnh 1.

Đoàn tham quan mô hình nuôi cá lóc giống đạt chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Hồng Cẩm

"Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất, chất cải tạo môi trường; tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi, HTX, tổ hợp tác; khuyến cáo xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi an toàn thực phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao sản xuất con giống chất lượng, sạch bệnh…".

Ông Kim Văn Tiêu

Nổi bật như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường, tại tỉnh Trà Vinh, năng suất tôm đạt trên 20 tấn/ha/vụ. Mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm tại Cà Mau, năng suất đạt trên 3.500kg/ha/vụ, tỉ lệ sống ≥ 70%. 

Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc và hóa chất, kháng sinh đạt hiệu quả cao, tại tỉnh Sóc Trăng, năng suất bình quân trên 12 tấn/ha, mô hình cho tỷ lệ thành công cao trên 80%.

Đặc biệt, dự án hỗ trợ nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP đã triển khai xây dựng được 20 mô hình trình diễn tại 7 tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang. 

Kết quả 100% các cơ sở nuôi tham gia mô hình đạt chứng nhận VietGAP, giúp tiết kiệm được từ 10-15% giá thành sản xuất so với các mô hình không áp dụng VietGAP do xử lý tốt môi trường nuôi, cá khỏe mạnh, nhanh lớn, giảm chi phí sử dụng thuốc hóa chất, giảm ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho biết: An Giang được coi là cái nôi của nghề sản xuất cá tra bột và nuôi cá tra thương phẩm của vùng ĐBSCL. 

Ngoài ra, tỉnh còn là nơi có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) với các hình thức nuôi khác nhau, đối tượng nuôi đa dạng như cá lóc, rô phi, cá nàng hai, lươn đồng, tôm càng xanh. Nổi bật như dự án nuôi cá rô phi đỏ có nguồn gốc Ecuador trong lồng bè; mô hình nuôi tôm càng xanh bằng con giống toàn đực bán thâm canh trong ao đất…

Gắn với bảo vệ môi trường

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị thủy sản - Ảnh 3.

Ông Lưu Đức Điền - Trưởng phòng Môi trường Viện Nghiên cứu NTTS 2, chia sẻ: Về kỹ thuật, đối với mô hình NTTS nước ngọt, cần tập trung quản lý chất lượng nước ao nuôi thủy sản, phát triển các mô hình nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải thích hợp như: Xử lý chất thải bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra…

Đối với mô hình NTTS nước mặn, lợ vùng ven biển, khi đào đắp phát triển các vuông tôm cá mới ở các vùng đất phèn hoặc khi nạo vét bùn thải vuông, vệ sinh ao nuôi cần bố trí hồ thu hồi bùn, xử lý nước thải thủy sản và khử phèn nước thải trước lúc thải ra sông rạch bằng các giải pháp ủ khử trùng, trung hòa bằng vôi, hóa chất…, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đặt ra.

Bên cạnh đó, ông Điền lưu ý phải tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong NTTS.

An Giang là một trong những tỉnh ứng dụng CNC trong NTTS đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang nêu ý kiến: Để hỗ trợ người dân các địa phương triển khai NTTS hiệu quả, Bộ NNPTNT cần hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng GlobalGAP, ASC, VietGAP... Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ nuôi, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NTTS...

"Đối với UBND tỉnh, cần kêu gọi các doanh nghiệp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ NTTS theo hướng CNC trên địa bàn tỉnh" - ông Linh nói thêm.

Phát hiểu tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: "Đối với quá trình NTTS, bà con cần lưu ý thiết kế ao hồ đồng bộ theo công nghệ nuôi; lựa chọn con giống có chất lượng; tạo nguồn thức ăn tự nhiên; duy trì được hệ sinh vật có lợi, quản lý tốt thức ăn trong môi trường nước".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem