An Giang: Trồng thứ rau nhớt nhèo nhèo, không bán lá, chỉ bán hạt, nông dân kiếm bộn tiền

Thứ sáu, ngày 23/07/2021 13:00 PM (GMT+7)
Thay vì trồng mồng tơi lấy lá, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) chuyển sang trồng mồng tơi để lấy hạt. Phương pháp canh tác này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, giúp người nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất.
Bình luận 0

Rau mồng tơi dễ trồng

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng mồng tơi lấy hạt của gia đình anh Nguyễn Văn Trí (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trong thời điểm anh đang thu hoạch hạt mồng tơi. 

Tiếp chúng tôi trong lúc đang nghỉ trưa, anh Trí cho biết, gia đình anh thực hiện mô hình trồng mồng tơi lấy hạt cách đây trên 1 năm. Đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật canh tác.

An Giang: Trồng thứ rau nhớt nhèo nhèo, không bán lá, chỉ bán hạt, nông dân kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Mô hình trồng mồng tơi lấy hạt góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Theo anh Trí, mồng tơi từ lúc trồng đến lúc thu hoạch hạt mất từ 3,5-4 tháng. Sau đợt thu hoạch đầu tiên, trung bình 20-30 ngày có thể thu hoạch các đợt hạt tiếp theo. 

Sau mỗi đợt thu hoạch, anh Trí tiến hành bón phân hữu cơ để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây mồng tơi. Đặc biệt, mồng tơi chỉ cần xuống giống một lần, thời gian thu hoạch kéo dài cả năm. 

“Bình quân 1 công đất xuống giống khoảng 1,5kg hạt. Đến khi cây phát triển cao thì cắm cọc, làm giàn để mồng tơi leo. Mỗi giàn cách nhau 1,1m, cao 1,2-1,5m nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch” - anh Trí chia sẻ.

Cũng theo anh Trí, mặc dù mồng tơi là loại dễ trồng nhưng để thành công, nông dân phải am hiểu kỹ thuật canh tác, tính nết của cây trong từng giai đoạn phát triển. 

Ngoài ra, trên cây mồng tơi cũng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại nên người nông dân phải chịu khó thăm ruộng thường xuyên để theo dõi sự phát triển của cây, từ đó đưa ra những giải pháp phòng ngừa, điều trị hợp lý.

Hiện nay, anh Trí đang canh tác 4 công đất trồng mồng tơi lấy hạt. Sau thời gian trồng, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, giúp anh cải thiện thu nhập.

 Hiệu quả kinh tế cao

Chị Trần Thị Kim Vàng (một trong những hộ dân đang thực hiện mô hình trồng mồng tơi lấy hạt tại xã Phú Thành) nhận định, mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương.

An Giang: Trồng thứ rau nhớt nhèo nhèo, không bán lá, chỉ bán hạt, nông dân kiếm bộn tiền - Ảnh 3.

Trồng mồng tơi bán hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân xã Phú Thành, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang).

Chị Vàng cho biết, hạt mồng tơi sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, sau đó bán cho thương lái.

“Những ngày nắng đẹp, chỉ cần phơi 3 ngày là có thể đem bán hạt mồng tơi, bình quân 8-10kg hạt tươi sẽ thu hoạch 1kg hạt khô. Với giá bán trung bình từ 90.000-150.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có thể lên đến 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, lợi nhuận mang lại tương đối khả quan” - chị Vàng chia sẻ.

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, với công việc thu hoạch hạt. Mỗi lao động khi thu hoạch hạt sẽ được trả công khoảng 5.000 đồng/kg. 

Bình quân mỗi ngày, một lao động có thể thu hoạch khoảng 40-50kg hạt, thu nhập mang về từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, người dân trên địa bàn xã có nguồn thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Hiện nay, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt được phát triển ở nhiều địa phương của huyện Phú Tân, trong đó tập trung nhiều nhất là ở các xã: Phú Thành và Phú Xuân. 

Hiện, trên toàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có 20 hộ canh tác, tổng diện tích gieo trồng khoảng 4ha; bình quân mỗi hộ sản xuất từ 1-2 công với hình thức liên vụ hoặc xen vụ, trong đó xã Phú Xuân hình thành mô hình khá lâu. Đây là loại cây trồng ngắn ngày chủ lực tại địa phương.

Trồng mồng tơi lấy hạt được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn phù hợp điều kiện canh tác của nhiều nông hộ tại đây, nhất là đối với những nông hộ có ít đất canh tác. 

Tuy nhiên, để tránh tình trạng người nông dân khi nhận thấy tính hiệu quả của mô hình rồi tự phát triển trên mảnh đất của mình, dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, đầu ra của hạt mồng tơi sẽ bị ảnh hưởng. 

Do vậy, ngành chức năng quan tâm tổ chức sản xuất, tạo sự liên kết giữa người nông dân với các cơ sở thu mua hạt mồng tơi, nhằm tránh tình trạng bị “ép giá” hoặc giá cả thị trường lên xuống bấp bênh, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của nhà nông.

Đức Toàn (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem